Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng làm cho Ðảng ngày càng trong sạch, vững mạnh

Thời gian vừa qua, đặc biệt là từ Ðại hội XII của Ðảng đến nay, nhờ làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện nghiêm Ðiều lệ Ðảng nên nhiều cán bộ, đảng viên do mắc sai phạm, trong đó có một số người là cán bộ cao cấp, nguyên cán bộ cao cấp, đã bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự, làm cho uy tín của Ðảng được nâng cao.

Qua đó, góp phần cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, giáo dục đối với cán bộ, đảng viên, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý. Tuy nhiên, việc kiểm tra, giám sát trong Ðảng ở một số nơi, nhất là ở cấp tỉnh, huyện, cấp cơ sở vẫn chưa được thực hiện mạnh mẽ, nhiều vụ việc, vấn đề mà dư luận quan tâm chưa được xử lý triệt để, thậm chí còn tình trạng nể nang, né tránh.

Ở một số nơi, có tình trạng né tránh trong việc kiểm tra, giám sát khi có dấu hiệu vi phạm, khi phát hiện đảng viên, nhất là đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có sai phạm thì nể nang, thậm chí bao che, xử lý chưa tương xứng so với hành vi vi phạm. Ðảng ta lãnh đạo xã hội bằng chủ trương, đường lối, chính sách, công tác cán bộ, sự gương mẫu, nêu gương. Nhưng một số đảng viên giữ cương vị lãnh đạo, quản lý có lối sống, sinh hoạt, tiêu dùng có khoảng cách lớn đối với đa số nhân dân, không phù hợp với bản chất của người cộng sản.

Ðể giữ vững vai trò lãnh đạo, uy tín của Ðảng, các cấp ủy cần tăng cường chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, xử lý kỷ luật một cách nghiêm minh với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, không có vùng cấm, bất kể người đó là ai, để giữ vững kỷ luật của Ðảng, pháp luật Nhà nước. Công tác kiểm tra, giám sát phải được các cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra và chi bộ thực hiện thường xuyên và chủ động, bảo đảm có nội dung kiểm tra và nội dung giám sát sát với tình hình thực tế, không đợi đến khi có dấu hiệu vi phạm mới kiểm tra, giám sát. Cần chỉ đạo thống nhất công tác kiểm tra, giám sát với hoạt động thanh tra của Nhà nước cũng như giám sát của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để không chồng chéo, không gây khó khăn cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cơ sở, đơn vị, địa phương.

Thiếu tá HOÀNG VĂN KHUYẾN

Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 2, Sư đoàn 3, Quân khu 1

Mong Ðảng tiếp tục quan tâm phát triển kinh tế vùng biển, đảo

Phú Quý là huyện đảo cách TP Phan Thiết khoảng 110 km, có vị trí quan trọng về kinh tế, quốc phòng, ở trên tuyến giao lưu giữa đất liền với quần đảo Trường Sa. Ðảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân huyện đảo Phú Quý luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Ðảng, nỗ lực phấn đấu vươn lên cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và tỉnh, từ đó tình hình kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện.

Ðảng và Nhà nước luôn quan tâm đề ra các chủ trương, chính sách ưu tiên phát triển kinh tế vùng biển, đảo. Nhờ đó, ngư dân Phú Quý yên tâm bám biển, vươn khơi đánh bắt hải sản gắn với bảo vệ quyền, chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Ðến nay, huyện đảo Phú Quý được cung cấp điện 24 giờ/ngày với giá bằng đất liền, tạo bước ngoặt lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên đảo. Giao thông vận tải biển, du lịch trên đảo phát triển. Phú Quý đã trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Bình Thuận.

Từ đầu nhiệm kỳ Ðại hội XII đến nay, với quyết tâm chính trị cao, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành kịp thời, đồng bộ hệ thống văn bản trên hầu hết các lĩnh vực, đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, khắc phục một bước tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Cán bộ và các tầng lớp nhân dân Phú Quý mong Ðảng tiếp tục quan tâm phát triển kinh tế vùng biển, đảo, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, nhằm hướng tới khai thác, quản lý, giữ gìn và bảo vệ biển, đảo một cách bền vững.

BÙI THẾ NHÂN

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận

Giáo dục góp phần đổi thay cuộc sống các dân tộc ít người

Những năm gần đây, từ sự đầu tư của Ðảng, Nhà nước, dân tộc Mảng chúng tôi có sự hồi sinh rõ rệt. Toàn bản đã không còn hộ đói, tệ nạn xã hội giảm, không còn hôn nhân cận huyết thống. So với chục năm về trước, sự thay đổi là nhanh chóng và rõ rệt. Ðặc biệt là sự thay đổi trong tư duy, nhận thức của bà con, nhất là thế hệ trẻ. Ðiều may mắn là tất cả con cháu chúng tôi đều được đến trường, bản đã có ba cháu học đại học các chuyên ngành nông lâm nghiệp, kinh tế. Ðây là điều kiện căn bản để các cháu vươn lên ngang bằng với cộng đồng các dân tộc khác trong xã, trong huyện.

Hiện nay, chính sách dành cho dân tộc chúng tôi khá ưu việt, nhất là lĩnh vực giáo dục. Tuy nhiên, mức hỗ trợ của Nhà nước đối với giáo dục ở cấp học cao chưa đáp ứng nhu cầu. Dân tộc Mảng chúng tôi là một cộng đồng chậm tiến về mọi mặt, đồng bào thật sự nghèo, dù muốn cũng rất ít người có điều kiện đầu tư cho con cái đi học xa. Do vậy, nhiều cháu học tốt nhưng do mức hỗ trợ
đối với sinh viên đại học, cao đẳng thấp, nên nhiều cháu không thể đi học. Chính sách đặc thù trong tuyển dụng, sử dụng con em đồng bào Mảng không có. Hiện nay chưa có cháu nào dân tộc Mảng được vào học ở các trường của quân đội hay công an. Mong Ðảng, Nhà nước tiếp tục có chương trình đầu tư chiều sâu cho người Mảng, nhất là ở lĩnh vực giáo dục, để tộc người chúng tôi sớm bắt kịp các tộc người dân tộc thiểu số anh em.

LÒ A NHƠN

(Dân tộc Mảng, bản Nậm Xẻ, xã Vàng San, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu)

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/43007002-cong-tac-kiem-tra-giam-sat-ky-luat-dang-lam-cho-%C3%B0ang-ngay-cang-trong-sach-vung-manh.html