Công tác hậu cần cho cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam

Sau chiến thắng vĩ đại mùa Xuân năm 1975 của nhân dân Việt Nam, cùng thắng lợi của Lào và Cam-pu-chia, đế quốc Mỹ buộc phải chấm dứt chiến tranh và rút khỏi Ðông Dương. Tuy nhiên, với bản chất hiếu chiến, không chịu từ bỏ âm mưu xâm lược, đế quốc Mỹ và các thế lực thù địch tăng cường bao vây, phá hoại hòng làm cho ba nước Ðông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng phải suy yếu, khuất phục chúng. Cấu kết chặt chẽ với đế quốc Mỹ và được các thế lực thù địch mua chuộc, xúi giục, viện trợ quân sự, tập đoàn Khmer Ðỏ Pôn Pốt - Iêng Xari đã trắng trợn tuyên bố Việt Nam là kẻ thù truyền kiếp. Tháng 5-1975, cùng với thực hiện chính sách diệt chủng đối với nhân dân Cam-pu-chia, Pôn Pốt - Iêng Xari đã xua quân lấn chiếm một số đảo ở vùng biển Tây Nam của Việt Nam; xâm phạm biên giới ở nhiều nơi từ Hà Tiên đến Tây Ninh; đánh vào các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Ðác Lắc của Việt Nam. Ngày 30-4-1977, Pôn Pốt - Iêng Xari chính thức phát động cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam của Tổ quốc ta, gây cho ta nhiều tổn thất về người và của...

Thiếu tướng TRẦN DUY GIANG

Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng)

Trước tình hình đó, ngày 27-1-1978, Thường vụ Quân ủy T.Ư đã trình Bộ Chính trị về vấn đề biên giới Tây Nam, nêu rõ bản chất phản động, phản cách mạng của tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xari và xác định: Chừng nào tập đoàn lãnh đạo phản động Cam-pu-chia do Pôn Pốt cầm đầu chưa bị nhân dân Cam-pu-chia đánh đổ thì vấn đề biên giới chưa được giải quyết một cách dứt khoát. Bộ Chính trị đã đồng ý và đưa ra chủ trương phải giải quyết càng sớm càng tốt cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, nếu để kéo dài, tình hình sẽ trở nên phức tạp... Ngày 6 và 7-12-1978, Bộ Chính trị và Quân ủy T.Ư thông qua lần cuối kế hoạch phản công và tiến công giải phóng Cam-pu-chia.

Ngày 23-12-1978, kiên quyết đáp trả việc Pôn Pốt điều động 19 trong tổng số 23 sư đoàn chủ lực, chuẩn bị mở cuộc tiến công sâu vào đất ta, ta lập tức mở cuộc phản công và tiến công trên toàn tuyến biên giới thực hiện quyết tâm chiến lược đã đề ra. Ta dùng một lực lượng rất mạnh, đủ các quân, binh chủng, gồm 18 sư đoàn của ba quân khu (5, 7, 9) và ba quân đoàn (2, 3, 4) cùng 600 xe tăng và xe bọc thép, 137 máy bay, 160 tàu thuyền chiến đấu và vận tải, tổng số hơn 27 vạn người, phối hợp lực lượng quân sự, chính trị của Bạn, tiến công thần tốc, bất ngờ, mãnh liệt.

Ngày 7-1-1979 giải phóng Thủ đô Phnôm Pênh; ngày 8-1-1979, Ðảng nhân dân cách mạng Cam-pu-chia thành lập; tiếp đó ngày 12-1-1979, Bạn tuyên bố thành lập Nước cộng hòa nhân dân Cam-pu-chia, công bố chính sách đối nội, đối ngoại, quyền đại diện chân chính, hợp pháp của nhân dân Cam-pu-chia. Ðến ngày 17-1-1979, giải phóng thị xã cuối cùng là Kô-kông, đánh sập chính quyền Pôn Pốt trong cả nước, giải phóng nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng. Ngày 18-12-1979, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Bạn ký hiệp ước hòa bình, hữu nghị và hợp tác toàn diện. Theo yêu cầu của Bạn, quân đội ta để lại một bộ phận lực lượng ở lại Cam-pu-chia thực hiện nghĩa vụ quân tình nguyện, cùng chuyên gia các ngành giúp Bạn truy quét địch, bảo vệ thành quả cách mạng đã giành được.

Ðể kịp thời tác chiến về hậu cần, do có sẵn cơ sở vật chất kỹ thuật được triển khai trong chiến tranh giải phóng, cho nên công tác hậu cần không bị động; hậu cần các cấp đã nhanh chóng điều chỉnh chuyển sang bảo đảm cho sẵn sàng chiến đấu ngay từ khi chúng lấn chiếm biên giới. Từ tháng 6-1978, thực hiện nghị quyết của T.Ư Ðảng, quyết tâm của Bộ Chính trị, Quân ủy T.Ư, công tác chuẩn bị hậu cần đã được triển khai khẩn trương và toàn diện. Trong đó, Tổng cục Hậu cần chỉ đạo hậu cần các quân khu, quân đoàn vừa bảo đảm cho chiến đấu biên giới, vừa tích cực dự trữ chuẩn bị cho tổng tiến công. Ðồng thời, tăng cường lực lượng quân y, vận tải nhằm nâng cao công tác bảo đảm hậu cần của các đơn vị, trong đó Quân khu 5 được tăng cường thêm 56 xe ô-tô; Quân khu 7: 100 xe ô-tô, Quân khu 9: 47 xe ô-tô và một đội điều trị; Quân đoàn 2: 146 xe ô-tô; Quân đoàn 3: 108 xe ô-tô và một đội điều trị; Quân đoàn 4: 124 xe ô-tô và một đội điều trị; Quân chủng Hải quân: 40 xe ô-tô...

Cùng với đó, ta tăng cường mở rộng tổ chức và lực lượng hậu cần ở phía nam. Tổng cục Hậu cần tổ chức thêm một tiểu đoàn vận tải thủy, một phân đội ô-tô tiếp phẩm đường dài, hai trạm chế biến hải sản (1.000 tấn/năm). Tiếp nhận hai tiểu đoàn vận tải ô-tô của Tổng cục Kỹ thuật và Tổng cục Xây dựng kinh tế. Ðưa một bộ phận của Sư đoàn vận tải ô-tô 571, bốn đội điều trị, một số tổ vệ sinh phòng dịch từ phía bắc vào phía nam. Ðồng thời, Tổng cục Hậu cần tăng cường chỉ đạo giúp đỡ hậu cần các quân khu, quân đoàn tổ chức thêm các cơ sở, phân đội bảo đảm hậu cần… Về hậu cần địa phương, nhờ được tiếp quản cơ quan, cơ sở của các đoàn hậu cần của Miền giao cho khi giải thể, hậu cần đã khẩn trương sắp xếp, bố trí cán bộ về các phân đội hậu cần của tỉnh, huyện, các trung đoàn, tiểu đoàn địa phương mới thành lập.

Trong bảo đảm hậu cần cho các lực lượng chiến đấu, Tổng cục Hậu cần đã chỉ đạo, giúp đỡ hậu cần các quân khu, quân đoàn triển khai các căn cứ (bộ phận) phía trước để bảo đảm cho các lực lượng chiến đấu bảo vệ biên giới. Quá trình phát triển tổng tiến công và truy quét địch, công tác hậu cần gặp rất nhiều khó khăn, có những yêu cầu rất khác với khi phục vụ bộ đội đánh địch ở bên trong biên giới. Do vậy, Tiền phương Tổng cục Hậu cần đã hình thành hai sở chỉ huy đi theo hai hướng: Hướng chủ yếu: Sở chỉ huy phía trước của Tiền phương Tổng cục Hậu cần nằm trong Sở chỉ huy Tiền phương của Bộ, có nhiệm vụ theo dõi nắm tình hình công tác bảo đảm cho các đơn vị hoạt động trên hướng chủ yếu (Quân khu 7, Quân đoàn 3, Quân đoàn 4 và các quân chủng, binh chủng). Hướng quan trọng: "Tiền phương nhẹ" của Tổng cục Hậu cần nằm trong Sở chỉ huy nhẹ của Tiền phương của Bộ, có nhiệm vụ theo dõi, nắm tình hình công tác bảo đảm cho các đơn vị: Quân khu 9, Quân đoàn 2 và lực lượng thủy quân đánh bộ khi phối hợp tác chiến với Quân đoàn 2.

Chỉ trong một thời gian ngắn của năm 1977 và đầu năm 1978, ngành hậu cần đã nhanh chóng xây dựng thêm một số phân đội và hình thành sớm thế bố trí khá vững chắc, đáp ứng kịp thời yêu cầu của tác chiến, từ những ngày đầu khi địch lấn chiếm cho đến khi đánh địch ra khỏi biên giới và tổng tiến công giải phóng hoàn toàn Cam-pu-chia.

Trong hơn hai năm (tháng 4-1977 - 6-1979) của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và giúp nhân dân Cam-pu-chia lật đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Xari, công tác bảo đảm hậu cần đã đạt được những kết quả to lớn. Tổng số vật chất bảo đảm được 213.150 tấn, trong đó có 81 nghìn tấn hàng quân nhu (68.480 tấn lương thực, 6.944 tấn thực phẩm, 3.000 tấn nhu yếu phẩm, 3.376 tấn quân trang); 4.350 tấn hàng quân y; 97 nghìn tấn xăng, dầu; 30 nghìn tấn hàng doanh trại. Giúp Bạn 33,6 triệu đồng, 20.900 tấn vật chất các loại; vận chuyển 180 nghìn tấn hàng... Ngành Hậu cần đã không ngừng vươn lên, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của toàn quân, toàn dân ta...

Công tác hậu cần trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam để lại nhiều bài học có giá trị. Kế thừa, phát triển những bài học đó trong điều kiện mới của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, chúng ta tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, quan điểm hậu cần toàn dân của Ðảng và bám sát thực tiễn đất nước, yêu cầu, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng... Nhất là, tiếp tục đẩy mạnh kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh, xây dựng tiềm lực, thế trận hậu cần tại chỗ theo tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X), Nghị định 152/2007/NÐ-CP, Nghị định 02/2016/NÐ-CP của Chính phủ, các chiến lược quốc phòng, chiến lược quân sự...; (đẩy mạnh xây dựng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ (KVPT) vững chắc trong tình hình mới, trong đó chú trọng quy hoạch, tích cực, chủ động, chuẩn bị trước thế trận hậu cần chiến lược, chiến dịch, KVPT liên hoàn, vững chắc, có khả năng cơ động cao.

Ngành hậu cần, trước hết là các cơ quan chức năng của Tổng cục Hậu cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, tham mưu Bộ Quốc phòng quy hoạch và triển khai xây dựng các căn cứ hậu cần chiến lược, chiến dịch, phù hợp thế bố trí chiến lược mới. Tham mưu các địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn xây dựng tiềm lực, thế trận hậu cần KVPT; tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư xây dựng căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần KVPT theo quy hoạch, lộ trình đã xác định...

Ðặc biệt, cần triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp xây dựng ngành hậu cần quân đội vững mạnh, đủ khả năng làm nòng cốt tiến hành công tác hậu cần toàn dân, đáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Hậu cần các cấp tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 623-NQ/QUT.Ư của Quân ủy T.Ư về "Công tác hậu cần quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo".

Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị xây dựng các kế hoạch, đề án... phù hợp tình hình thực tiễn, bảo đảm tốt cho sẵn sàng chiến đấu, đặc biệt là bảo vệ chủ quyền biển, đảo, biên giới, các đơn vị, lực lượng làm nhiệm vụ ở các khu vực trọng điểm… Ðồng thời, hậu cần các cấp phát huy hơn nữa tinh thần chủ động "thấy trước, lo trước", tích cực xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các văn kiện hậu cần bảo đảm cho tác chiến, cho phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, nhất là kế hoạch, phương án bảo đảm hậu cần cho phòng tránh, đánh trả địch tiến công hỏa lực, tác chiến bảo vệ chủ quyền biển, đảo, biên giới, chống chia cắt chiến lược...

Tăng cường huấn luyện, luyện tập, diễn tập hậu cần theo các phương án, tình huống tác chiến bảo vệ Tổ quốc; phối hợp các địa phương nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng hậu cần dự bị động viên và chủ động chuẩn bị chu đáo mọi mặt về hậu cần, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, góp phần bảo đảm cho Quân đội hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/cung-suy-ngam/item/38739402-cong-tac-hau-can-cho-cuoc-chien-tranh-bao-ve-to-quoc-o-bien-gioi-tay-nam.html