Công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức Tư pháp tiếp tục được quan tâm

Kiện toàn đội ngũ cán bộ; chú trọng CCHC, tăng cường ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC là những nội dung quan trọng được Sở Tư pháp quan tâm thực hiện trong những năm qua.

Kiện toàn, củng cố tổ chức đội ngũ cán bộ của các cơ quan Tư pháp

Ngay từ đầu năm 2020, Sở Tư pháp đã chú trọng việc kiện toàn, củng cố tổ chức đội ngũ cán bộ của các cơ quan Tư pháp; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hiện việc điều động, luân chuyển công chức phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ; điều động, bố trí đủ công chức tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa của Sở theo quy định tại Nghị định 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 18/2020/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội ban hành quy định thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC trên địa bàn TP; triển khai, rà soát việc sắp xếp lại tổ chức, hoạt động của các chi nhánh TGPL TP theo Nghị định số 144/2017/NĐ-CP và chỉ đạo của Bộ Tư pháp, qua đó báo cáo, tham mưu UBND TP ban hành Quyết định số 1846/QĐ-UBND về việc giải thể chi nhánh số 8 thuộc Trung tâm Trợ giúp pháp lý. Đến nay Trung tâm TGPL Nhà nước đã thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo đúng quy định. Sở nghiêm túc triển khai công tác đánh giá công chức, viên chức, người lao động hàng tháng theo Quyết định số 3814-QĐ/TU của Thành ủy Hà Nội

Công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức Tư pháp tiếp tục được quan tâm thực hiện: Sở đã cử cán bộ, công chức, viên chức tham dự các lớp đào tạo nâng cao trình độ chính trị, năng lực quản lý, kỹ năng lãnh đạo, kiến thức quốc phòng an ninh, đáp ứng yêu cầu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác đề ra; Tiếp tục phối hợp với Học viện Tư pháp triển khai hoạt động bồi dưỡng định kỳ, chuẩn hóa nghiệp vụ tư pháp-hộ tịch ở cơ sở. 9 tháng đầu năm, Sở đã mở 4 lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho 400 học viên là công chức các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Sở, công chức phòng Tư pháp cấp huyện và công chức Tư pháp – hộ tịch cấp xã trên địa bàn TP.

Danh mục TTHC chuẩn hóa được niêm yết công khai tại các đơn vị cơ sở. Ảnh: L.A

Danh mục TTHC chuẩn hóa được niêm yết công khai tại các đơn vị cơ sở. Ảnh: L.A

Chú trọng CCHC và phát triển CNTT

Để đảm bảo các nhiệm vụ CCHC được thực hiện thường xuyên, kịp thời, Sở Tư pháp đã ban hành các kế hoạch thực hiện nhiệm vụ CCHC, cải cách tư pháp, ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC; duy trì hoạt động của Ban chỉ đạo về xây dựng chính quyền điện tử - CCHC - Xây dựng và triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015 thông qua các cuộc họp và văn bản triển khai. Hoàn thành việc xây dựng tài liệu áp dụng và ban hành quyết định công bố hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Quốc gia TCVN ISO 9001:2015. Đã tổ chức góp ý, hướng dẫn tự đánh giá, chấm điểm xác định chỉ số CCHC của TP.

Sở tổng hợp, rà soát và có tờ trình tham mưu UBND TP đề nghị ban hành quyết định công bố danh mục TTHC được sửa đổi, bổ sung; danh mục TTHC chuẩn hóa; danh mục TTHC bãi bỏ trong lĩnh vực tư pháp thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp TP, UBND cấp huyện, UBND cấp xã trên địa bàn TP Hà Nội và liên thông với Bộ Tư pháp.

Trong quý II-2020, Sở đã phối hợp cùng đơn vị tư vấn xây dựng và đưa vào vận hành thử nghiệm trên Cổng dịch vụ công trực tuyến đối với 85 TTHC lĩnh vực tư pháp, qua đó hoàn thành chỉ tiêu, yêu cầu của UBND TP về triển khai 100% dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực tư pháp. Thường xuyên rà soát điều chỉnh nội dung, biểu mẫu, quy trình của các dịch vụ công (DVC) trực tuyến lĩnh vực tư pháp, đảm bảo theo đúng quy định.

Sở Tư pháp cũng đã có văn bản đề nghị Văn phòng UBND TP chỉ đạo ngừng vận hành DVC trực tuyến đối với 32 TTHC do các TTHC này đã được bãi bỏ theo Quyết định của Bộ Tư pháp hoặc đã hết thời gian thực hiện theo quy định của pháp luật; đồng thời yêu cầu đơn vị tư vấn DVC TP sửa đổi, bổ sung, chuẩn hóa một số DVC theo quy định của các Thông tư, Quyết định mới ban hành của Bộ Tư pháp; Nghiên cứu triển khai kết nối, tích hợp dữ liệu giữa hệ thống DVC trực tuyến TP và các hệ thống thông tin, phần mềm của Bộ Tư pháp đảm bảo các quy định của Chính phủ.

Việc ứng dụng Hệ thống một cửa điện tử dùng chung, hệ thống quản lý văn bản, điều hành tác nghiệp được Sở Tư pháp duy trì ổn định, qua đó giúp nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành, giảm thiểu giấy tờ trong hoạt động hành chính của cơ quan; 100% các văn bản đến và đi của Sở được xử lý trên hệ thống quản lý văn bản.

Linh Anh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/cong-tac-dao-tao-boi-duong-cong-chuc-tu-phap-tiep-tuc-duoc-quan-tam-217352.html