Công tác dân vận ở tỉnh Tuyên Quang: Thành tựu và bài học kinh nghiệm

TCCS - Xuất phát từ nhiệm vụ chính trị, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp của tỉnh Tuyên Quang chủ động thực hiện tốt công tác dân vận. Điều đó góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh, tạo sự đồng thuận xã hội và củng cố niềm tin của nhân dân trong tỉnh đối với Đảng và chính quyền.

Lực lượng dân quân xã Thanh Tương (huyện Na Hang) hỗ trợ nhân dân chuyển nhà ra khỏi nơi nguy hiểm - Nguồn: baotuyenquang.com.vn

Trong những năm qua, nhất là từ khi thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 03-6-2013, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” đến nay, công tác dân vận ở tỉnh Tuyên Quang đạt được những thành tựu quan trọng:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí của công tác dân vận trong tình hình mới.

Để thực hiện tốt công tác dân vận, các cấp ủy chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân vận, nhất là Nghị quyết số 25-NQ/TW đến từng cán bộ, đảng viên và đoàn viên, hội viên của các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng; xác định công tác dân vận là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Đồng thời, không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục về công tác dân vận, làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm vững, tán đồng mục tiêu, quan điểm và nhiệm vụ của công tác dân vận. Sáu năm qua, toàn tỉnh tổ chức trên 176.700 buổi tuyên truyền miệng thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở về công tác dân vận.

Triển khai quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc Quyết định số 290-QĐ/TW, ngày 25-02-2010, của Bộ Chính trị, về ban hành “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”; Kết luận số 03-KL/TW, ngày 13-5-2016, của Ban Bí thư, về “Tiếp tục thực hiện Quyết định số 290 của Bộ Chính trị khóa X về Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”; Quyết định số 12-QĐ/TU, ngày 2-6-2010, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, về ban hành “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh Tuyên Quang”. Đồng thời, triển khai quán triệt Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 20-10-2015, của Ban Bí thư, về “Tăng cường sự đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số” và Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân. Thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý việc phát tán các ấn phẩm có nội dung truyền bá mê tín dị đoan, truyền bá đạo trái phép.

Thứ hai, tập trung giải quyết kịp thời, có hiệu quả nguyện vọng chính đáng của nhân dân, làm cho nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.

Các cấp ủy chỉ đạo thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân và kịp thời giải quyết theo quy định. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án về phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho 94.244 lao động; quan tâm thực hiện tốt chính sách đối với người có công với cách mạng và chính sách giảm nghèo. Tổ chức lấy ý kiến của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và đại diện nhân dân trước khi ban hành các chủ trương, cơ chế, chính sách có liên quan đến quyền và lợi ích của nhân dân, như thực hiện quy hoạch, giải phóng mặt bằng, kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa đường giao thông nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa, xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ nhân dân, chương trình xây dựng nông thôn mới, công tác quản lý đô thị. Công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân và công tác hòa giải ở cơ sở được thực hiện thường xuyên. Hằng tháng, hằng quý, cấp ủy các cấp nghe báo cáo tình hình; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn giải quyết, không để đơn thư khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài, vượt cấp..., góp phần bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của công dân, tạo lòng tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền.

Thứ ba, tăng cường và đổi mới công tác dân vận của các cơ quan nhà nước.

Công tác dân vận của các cơ quan nhà nước được các cấp ủy quan tâm chỉ đạo thực hiện. Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường và đổi mới công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, gắn với việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, đồng thời kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở của tỉnh, gồm 21 thành viên.

Triển khai thực hiện tốt Kết luận số 114-KL/TW, ngày 14-7-2015, của Ban Bí thư, về “Nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp” và Chỉ thị số 16/CT-TTg, ngày 16-5-2016, của Thủ tướng Chính phủ, về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới”. Ban hành cơ chế, chính sách cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị của Đảng đối với giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức, doanh nhân, thế hệ trẻ, phụ nữ, cựu chiến binh, người cao tuổi, như cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao; khuyến khích phát triển trang trại; hỗ trợ sản xuất hàng hóa đối với một số cây trồng, vật nuôi; ưu đãi đối với học sinh Trường Trung học phổ thông Chuyên tỉnh Tuyên Quang và học sinh tham gia đội tuyển của tỉnh dự thi chọn học sinh giỏi quốc gia...

Đẩy mạnh việc công khai các quy định cụ thể về trách nhiệm phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức để nhân dân biết và giám sát, kiểm tra việc thực hiện. Ủy ban nhân dân tỉnh có Quyết định số 214/QĐ-UBND, ngày 28-6-2017, về ban hành “Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện cải cách hành chính đối với các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý nhà nước trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang”. Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính; đổi mới lề lối làm việc, phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Chỉ số cải cách hành chính năm 2017 của tỉnh tiếp tục duy trì xếp thứ hạng 22/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Thứ tư, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện có hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương.

Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, gắn với thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua đó, tạo sự đồng thuận trong xã hội, thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia, góp phần thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của địa phương; đồng thời kịp thời phát hiện, biểu dương, nhân rộng các nhân tố mới, các điển hình tiên tiến trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Thứ năm, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng để tập hợp nhân dân, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc.

Các cấp ủy chỉ đạo tiếp tục thực hiện tốt Kết luận số 62-KL/TW, ngày 8-12-2009, của Bộ Chính trị, về “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”; chỉ đạo nâng cao chất lượng, đổi mới nội dung, cách thức tuyên truyền, vận động nhân dân. Đặc biệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy định số 09-QĐ/TU, ngày 20-7-2017, “Về nội dung, phương pháp làm việc của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội”. Đồng thời, chỉ đạo thực hiện tốt công tác phối hợp giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc với chính quyền cùng cấp trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị; khắc phục tình trạng hành chính hóa trong công tác hội. Lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển tổ chức đoàn, hội; phát hiện, lựa chọn, bồi dưỡng những đoàn viên, hội viên ưu tú cho Đảng.

Thứ sáu, quan tâm xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp vững mạnh.

Các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, kiện toàn Ban Dân vận các cấp theo phân cấp quản lý; luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ là người dân tộc thiểu số, cán bộ có bản lĩnh chính trị, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác dân vận trong điều kiện mới. Tính đến nay, Ban Dân vận Tỉnh ủy được giao 19 biên chế; Ban Dân vận của 7 huyện ủy, thành ủy có 21 biên chế; toàn tỉnh có 141 khối dân vận cơ sở với 1.338 thành viên. Thực hiện chủ trương Trưởng ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, đến nay đã thực hiện ở cấp tỉnh và 3 huyện Chiêm Hóa, Yên Sơn, Hàm Yên. Đồng thời, quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Thứ bảy, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác dân vận.

Cấp ủy các cấp thường xuyên quan tâm chỉ đạo kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện cũng như việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác dân vận. Từ năm 2013 đến hết tháng 3-2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy và các Ban Chỉ đạo của tỉnh tổ chức 10 cuộc kiểm tra, 6 cuộc giám sát đối với 220 tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, Chương trình hành động số 30-CTr/TU, ngày 10-9-2013, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV, về thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW và việc triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận, công tác dân tộc, công tác tôn giáo, cũng như việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Qua kiểm tra, giám sát, có sự đánh giá những kết quả đạt được, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và đề ra giải pháp khắc phục kịp thời.

Từ những thành tựu nói trên, bước đầu có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm trong công tác dân vận ở tỉnh Tuyên Quang:

Một là, công tác dân vận phải luôn được sự quan tâm và đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, cùng sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong triển khai, tổ chức thực hiện.

Hai là, công tác dân vận phải gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào thi đua “Dân vận khéo”, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, quan tâm xây dựng giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức, doanh nhân, thế hệ trẻ, phụ nữ, cựu chiến binh, người cao tuổi; đồng thời gắn với thực hiện tốt công tác dân tộc và công tác tôn giáo.

Ba là, thường xuyên quan tâm đến công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, gắn với thực hiện cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; thực hiện nghiêm túc Quy chế Dân chủ ở cơ sở; thực hiện tốt vai trò, chức năng giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, đồng thời không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của các tổ chức này.

Bốn là, thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ dân vận các cấp. Cán bộ dân vận phải nắm vững các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hiểu rõ phong tục, tập quán, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; biết phối hợp và tranh thủ vai trò của người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo; kịp thời tham mưu, đề xuất giải pháp thực hiện tốt công tác dân vận.

Năm là, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân vận. Kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội giải quyết những kiến nghị, đề nghị hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Trong thời gian tới, để thực hiện tốt hơn nữa công tác dân vận, toàn hệ thống chính trị của tỉnh Tuyên Quang, nhất là cấp ủy và đội ngũ cán bộ dân vận các cấp cần chú trọng thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

1- Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, Chương trình hành động số 30-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV và các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương Đảng về công tác dân vận, gắn với thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương Đảng về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

2- Đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng, trọng tâm là thực hiện tốt Kết luận số 62-KL/TW, ngày 8-12-2009, của Bộ Chính trị, về “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” và Kết luận số 03-KL/TW, ngày 13-5-2016, của Ban Bí thư, về “Tiếp tục thực hiện Quyết định số 290 của Bộ Chính trị khóa X về Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”. Tập trung chỉ đạo thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội gắn với thực hiện Quy định số 124-QĐ/TW, ngày 02-02-2018, của Ban Bí thư, “Về giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”.

3- Tăng cường chỉ đạo đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, trọng tâm là tiếp tục thực hiện Kết luận số 114-KL/TW, ngày 14-7-2015, của Ban Bí thư, về “Nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp” và Kết luận số 120-KL/TW, ngày 7-01-2016, của Bộ Chính trị, về “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở”. Tiếp tục cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận đối với các tầng lớp xã hội.

4- Thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc và công tác tôn giáo, đặc biệt là Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 20-10-2015, của Ban Bí thư, về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số” và Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 10-01-2018, của Bộ Chính trị, về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX “Về công tác tôn giáo trong tình hình mới”. Đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy trong việc thực hiện công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng đồng bào có đạo; đấu tranh phòng, chống các hành vi lợi dụng các vấn đề dân tộc và tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.

5- Quan tâm xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận, gắn với thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Kịp thời củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện các nhiệm vụ của công tác dân vận./.

Đông Hải

Nguồn Tạp chí cộng sản: http://www.tapchicongsan.org.vn/home/xay-dung-dang/2019/53925/cong-tac-dan-van-o-tinh-tuyen-quang-thanh-tuu-va-bai.aspx