Công tác dân vận góp phần tạo đồng thuận trong xã hội

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020, Ban chấp hành, Ban TVTU đã ban hành Kế hoạch số 34-KH/TU thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ X Đảng bộ tỉnh về công tác Dân vận, xác định phương châm hành động là 'Sâu sát, phù hợp, thiết thực, đồng thuận' với 4 nhiệm vụ và giải pháp, trọng tâm là tăng cường công tác Dân vận của các cơ quan nhà nước; nhân rộng phong trào thi đua Dân vận khéo, đã tác động sâu sắc làm thay đổi nhận thức và hành động trong hệ thống chính trị về công tác Dân vận trong tình hình mới.

Hoạt động khám bệnh cho người nghèo tại lễ ra quân làm công tác Dân vận Chung sức xây dựng nông thôn mới tại H.Cẩm Mỹ của Khối thi đua 10. Ảnh: NGUYỆT HÀ

Hoạt động khám bệnh cho người nghèo tại lễ ra quân làm công tác Dân vận Chung sức xây dựng nông thôn mới tại H.Cẩm Mỹ của Khối thi đua 10. Ảnh: NGUYỆT HÀ

* Củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng

Thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới, Tỉnh ủy Đồng Nai đã chọn công tác Dân vận chính quyền là nhiệm vụ trọng tâm và đột phá, đồng thời chỉ đạo các cơ quan nhà nước trong tỉnh đẩy mạnh việc triển khai thực hiện và cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy về công tác Dân vận của chính quyền gắn với thực hiện quy chế phối hợp giai đoạn 2015-2020; xác định trọng tâm là tập trung triển khai các giải pháp phát triển kinh tế, thực hiện an sinh xã hội, tăng cường công tác giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp đông người, kéo dài của công dân, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức. Đặc biệt là Trung tâm Hành chính công tỉnh được thành lập và tích cực thực hiện cải cách thủ tục hành chính; các địa phương, cơ sở đã thực hiện nhiều ứng dụng, mô hình trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Chuyên mục “Dân hỏi - Giám đốc Sở trả lời”, “Lãnh đạo huyện đối thoại trực tiếp với người dân”, “Dân vận và cuộc sống” được duy trì thực hiện trên sóng PT-TH Đồng Nai, đã tạo sự đồng thuận người dân, nâng cao trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong hệ thống chính trị tích cực tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước phát triển kinh tế - xã hội.

Tỉnh ủy quan tâm chỉ đạo đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Nổi bật trong nhiệm kỳ qua là các đoàn thể đã tiến hành khảo sát toàn diện để đánh giá đúng thực lực đoàn viên, hội viên nói chung, nòng cốt nói riêng; việc quản lý, giáo dục, bồi dưỡng, giao nhiệm vụ cho đoàn viên, hội viên được quan tâm; thường xuyên tham dự sinh hoạt chi đoàn, chi hội để kịp thời hướng dẫn nội dung sinh hoạt cho phù hợp với thực tiễn ở cơ sở. Nhiều hoạt động đa dạng, thiết thực, hướng về cơ sở, phát huy tốt vai trò nòng cốt trong tập hợp, tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh; phối hợp triển khai thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân. Kết quả, đã vận động trên 1 ngàn tỷ đồng cho các hoạt động nhân đạo, cứu trợ xã hội, chăm lo cho người nghèo, nạn nhân chất độc da cam, ủng hộ đồng bào bị thiên tai trong và ngoài tỉnh; các hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và giám sát cán bộ, đảng viên được chú trọng.

Thời gian qua, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã tổ chức trên 5.750 cuộc giám sát và 16 hội nghị phản biện xã hội về một số dự thảo nghị quyết của HĐND các cấp. Quan tâm củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ Mặt trận, đoàn thể theo hướng đổi mới, tinh gọn hoạt động hiệu quả; đến nay tỷ lệ tập hợp đoàn viên, hội viên đạt 69,57% trên tổng số quần chúng trong độ tuổi toàn tỉnh.

Phong trào thi đua Dân vận khéo trong hệ thống chính trị đạt nhiều kết quả nổi bật, đặc biệt Ban TVTU ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW về đẩy mạnh phong trào thi đua Dân vận khéo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020. Thông qua phong trào thi đua Dân vận khéo đã xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả và có sức lan tỏa trong cộng đồng, tác động tích cực đến các lĩnh vực của đời sống xã hội. 5 năm qua, các cấp, các ngành, địa phương đã đăng ký xây dựng được 11.890 mô hình với 6.012 tập thể và 5.878 cá nhân thực hiện (trong đó, lĩnh vực phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội có 6.963 mô hình, quốc phòng - an ninh có 1.754 mô hình, xây dựng hệ thống chính trị có 3.173 mô hình). Các mô hình Dân vận khéo đã góp phần động viên, cổ vũ các tầng lớp nhân dân, huy động nguồn lực từ trong nhân dân tham gia, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh đi đôi với quan tâm giải quyết những vấn đề bức thiết, chính đáng của nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

* Tạo sự đồng thuận trong xã hội

Việc triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với các giai cấp, tầng lớp nhân dân, các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội được các cấp ủy Đảng chỉ đạo xuyên suốt, nhất là vai trò của MTTQ và các đoàn thể trong công tác tuyên truyền vận động nhân dân phát huy quyền làm chủ, động viên tinh thần tự lực, giúp nhau vượt khó, tạo thêm việc làm tăng thu nhập, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, tạo điều kiện để nhân dân nhận thức sâu sắc hơn về sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền và nâng cao vai trò, vị trí của MTTQ, các đoàn thể trong việc phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đồng Nai có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhất là việc triển khai thực hiện đồng loạt các dự án trọng điểm quốc gia trên địa bàn như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Phan Thiết..., đã đặt ra yêu cầu phải thực hiện đồng bộ các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, công tác tuyên truyền, vận động để ổn định cuộc sống và tâm lý người dân sau thu hồi đất. Do đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền tăng cường công tác đối thoại, tiếp công dân để giải quyết khiếu nại, tố cáo, đặc biệt các vụ, việc khiếu kiện phức tạp, đông người, có thể phát sinh thành điểm nóng, xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng và thường xuyên của cơ quan, đơn vị.

5 năm qua, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp đã tổ chức trên 1.190 hội nghị đối thoại, riêng đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã tổ chức 5 hội nghị đối thoại trực tiếp với hơn 860 lượt đoàn viên, hội viên và nhân dân về các vấn đề nổi cộm, được dư luận xã hội quan tâm. Hệ thống dân vận, MTTQ, các đoàn thể tăng cường vai trò giám sát việc thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; theo dõi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền có những biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết những vấn đề bức xúc nảy sinh ở cơ sở.

Phạm Thị Kim Chung

Phó trưởng ban thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chinhtri/202010/ky-niem-90-nam-ngay-truyen-thong-cong-tac-dan-van-cua-dang-15-10-cong-tac-dan-van-gop-phan-tao-dong-thuan-trong-xa-hoi-3026077/