Công tác dân vận góp phần đem lại thắng lợi cuộc cách mạng tháng tám năm 1945

Ngay từ khi mới ra đời, trong Chánh cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt của Đảng xác định: 'Đảng phải thu phục cho được đại bộ phận dân cày và phải dựa vào hạng dân cày nghèo làm thổ địa c.m đánh trúc bọn đại địa chủ và phong kiến'(1).

Mít tinh tại Nhà hát Lớn Hà Nội sau Cách mạng Tháng Tám. Ảnh tư liệu

Mít tinh tại Nhà hát Lớn Hà Nội sau Cách mạng Tháng Tám. Ảnh tư liệu

Đảng xây dựng khối đoàn kết rộng rãi với các giai cấp, các tầng lớp nhân dân yêu nước và các tổ chức cách mạng, chỉ đánh đổ các lực lượng và các đảng phái phản cách mạng: “Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, Thanh niên, Tân Việt... để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp. Còn đối với bọn phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư sản An Nam mà chưa rõ mặt phản c.m thì phải lợi dụng, ít lâu mới làm cho họ đứng trung lập. Bộ phận nào đã ra mặt phản c.m (Đảng lập hiến…) thì phải đánh đổ”(2).

Tại Hội nghị thành lập Đảng, Đảng đã thống nhất chủ trương xây dựng các tổ chức công hội, nông hội, Hội phản đế để thu hút công nhân và nông dân không thể kết nạp vào Đảng; các tầng lớp trí thức, tiểu tư sản vào tổ chức phản đế. Tiếp đó, Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng (từ ngày 27 đến 31/3/1935) thông qua Nghị quyết về công tác phản đế liên minh. Nghị quyết khẳng định: “Đảng Cộng sản phải dùng hết, kéo hết các lực lượng phản đế xứ Đông Dương ra mưu cuộc vận động dân tộc giải phóng. Mặt trận phản đế bao hàm chẳng những quần chúng công nhân, nông dân lao động, dân nghèo thành thị, mà cả các lớp, các phần tử lẻ tẻ, cấp tiến trong các giai cấp khác, các lớp lao động người dân tộc thiểu số, người ngoại quốc… Không phân biệt chủng tộc, nam nữ, tôn giáo, xu hướng chính trị, đảng phái, hễ ai có tính chất phản đế là có thể kéo vào Mặt trận phản đế”(3); “Hình thức mặt trận thống nhất phản đế phải tùy theo điều kiện mà định ra”(4). Đảng Cộng sản lãnh đạo Mặt trận phản đế.

Ngày 26/7/1936, Hội nghị lãnh đạo chủ chốt Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Ban Chỉ huy ở ngoài họp tại Thượng Hải (Trung Quốc) chủ trương lập “Mặt trận thống nhất nhân dân Đông Dương”(5) để thu hút các giai cấp, các đảng phái, các đoàn thể chính trị và tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau, các dân tộc trong toàn Đông Dương cùng nhau đấu tranh đòi tự do lập hội, tự do tổ chức, tự do ngôn luận, ngày làm 8 giờ, thực hiện luật lao động, mở rộng các cơ quan quản lý kinh tế, tài chính, các hội đồng dân biểu các cấp, thi hành tuyển cử tự do dân chủ, bình đẳng về kinh tế và chính trị giữa người Pháp và người Đông Dương…

Chủ trương lập Mặt trận nhân dân phản đế rộng rãi là sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược và sự thay đổi sách lược kịp thời, chính xác phù hợp với trào lưu chung của cách mạng thế giới và tình hình cụ thể ở Đông Dương. Chủ trương huy động “quảng đại nhân dân từ thành thị cho tới thôn quê, từ các dân tộc tiền tiến cho tới các bộ lạc hậu tiến, từ các phần tử có giác ngộ cho tới những lớp dân chúng mấy lâu nay còn yên tĩnh rụt rè, nay trở ra tham gia Mặt trận thống nhất”(6). Chính sách của Mặt trận phản đế là đoàn kết, lôi kéo không chỉ tiểu tư sản, tư sản dân tộc cách mạng mà cả tư sản cải lương và nhân sĩ dân chủ vốn là địa chủ có thể tham gia.

Tuy vậy, sách lược Mặt trận nhân dân phản đế phù hợp với chiến lược và sách lược nói chung của Quốc tế Cộng sản, song chưa phù hợp với tình hình Đông Dương. Xuất phát từ thực tế vận dụng sách lược Mặt trận của Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, Đảng Cộng sản Đông Dương đề ra chủ trương thành lập Mặt trận dân chủ Đông Dương (Hội nghị Trung ương tháng 7/1936 đề ra chủ trương lập Mặt trận. Hội nghị Trung ương tháng 3/1937 đề ra đường lối mặt trận và đến Hội nghị Trung ương tháng 3/1938 mới đề ra nhiệm vụ, tên gọi chính thức và các hình thức tổ chức Mặt trận). Nguyên nhân chính là do “Đảng do dự trong việc đặt tên cho mặt trận, không đưa ra Hội nghị Trung ương thảo luận chính thức”(7). Mặt trận dân chủ Đông Dương nhằm lôi kéo “những phần tử cấp tiến dân chủ người Pháp, người Nam, người Miên, người Lào, người Trung Quốc, người Thổ… cần cùng nhau mật thiết liên hợp lại tranh đấu lập Mặt trận dân chủ mạnh mẽ mới có thế lực tranh đấu chống với thế lực phản động thuộc địa, đòi thực hiện những yêu cầu trên”(8).

Ngày 1/9/1939, phát xít Đức tấn công Ba Lan, mở đầu cuộc chiến tranh thế giới thứ hai. Từ ngày 6 đến 8/11/1939, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tại Bà Điểm (Hóc Môn - Gia Định) quyết định chủ trương thành lập Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương để tranh đấu chống đế quốc chiến tranh, chống xâm lược phát xít, đánh đổ đế quốc Pháp, vua chúa bổn xứ và tất cả bọn tay sai của đế quốc đòi hòa bình cơm áo, thực hiện nền độc lập hoàn toàn cho các dân tộc Đông Dương với quyền dân tộc tự quyết (9).

Trước những diễn biến mau lẹ của tình hình, ngày 28/1/1941, sau 30 năm xa Tổ quốc, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã về nước, đặt cơ quan tại làng Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng để trực tiếp chỉ đạo công tác thí điểm xây dựng Mặt trận Việt Minh nhằm tập hợp đông đảo nhân dân vào hàng ngũ các đoàn thể cứu quốc. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương diễn ra tại Khuổi Nậm, làng Pác Bó (Trường Hà, Hà Quảng, Cao Bằng) từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941, quyết định thành lập ở mỗi nước một mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi. Ở Việt Nam, theo đề nghị của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị quyết định lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh). Việt Nam độc lập đồng minh lấy cờ đỏ ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh làm biểu tượng. Các đoàn thể yêu nước chống đế quốc đều thống nhất lấy tên là “hội cứu quốc” như Công nhân cứu quốc hội, Nông dân cứu quốc hội, Thanh niên cứu quốc hội… Tất thảy vì mục tiêu cứu nước, giải phóng dân tộc.

Tháng 10/1941, Tổng bộ Việt Minh công bố Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ nói rõ tôn chỉ, mục đích của Mặt trận Việt Minh: “Liên hiệp hết thảy các từng lớp nhân dân không phân biệt tôn giáo, đảng phái, xu hướng chính trị nào, giai cấp nào, đoàn kết chiến đấu để đánh đuổi Pháp - Nhật, giành quyền độc lập cho xứ sở”(10). Quy định điều kiện gia nhập Mặt trận Việt Minh là kết nạp từng đoàn thể, không cứ đảng phái, đoàn thể nào của người Việt Nam hay của các dân tộc thiểu số sống trong nước Việt Nam, không phân biệt giai cấp, tôn giáo và xu hướng chính trị, hễ thừa nhận mục đích, tôn chỉ, chương trình của Việt Minh và được Tổng bộ Việt Minh thông qua, đều được gia nhập Việt Minh. Và như vậy, lần đầu tiên trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân ta, một khối đoàn kết toàn dân được kiến tạo rộng rãi, vững chắc và phát triển mạnh mẽ từ Bắc đến Nam, ở miền ngược và miền xuôi, ở nông thôn và thành thị, tạo nên sức mạnh tổng hợp vĩ đại, góp phần to lớn nhanh chóng giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Chỉ tồn tại trong 10 năm, nhưng Mặt trận Việt Minh là hình thức điển hình đầu tiên trong việc thống nhất mọi lực lượng có thể tập hợp được, thực hiện xuất sắc công tác dân vận của Đảng.

Hiện nay, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực, đất nước đang có cả những thuận lợi, thời cơ đan xen với những khó khăn, thách thức, Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định : “Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa”(11). Hơn bao giờ hết việc đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận; tham mưu, phối hợp tuyên truyền, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào “Dân vận khéo” và công tác dân vận năm 2019 với chủ đề “Năm dân vận chính quyền” đến cán bộ, đảng viên, hội viên, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân; chung sức xây dựng nông thôn mới gắn với “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Nghị quyết số 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, tích cực chủ động vận động nhân dân thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh là một việc cần phải tiến hành thường xuyên, liên tục mà công tác dân vận của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Cách mạng Tháng Tám là sự khởi đầu thắng lợi vẻ vang.

___________________________________

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, H. 2002, T.2. tr.4.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, H. 2002, T.2. tr.4.

(3)Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, H. 2002, T.5. tr.85.

(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, H. 2002, T.5. tr.86.

(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, H. 2002, T.6, tr.222.

(6) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, H. 2002, T.6, tr.224.

(7) Trường Chinh: Góp ý kiến “Sơ thảo Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam”. Tài liệu lưu trữ Viện Lịch sử Đảng.

(8) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, H. 2002, T.6, tr.597.

(9) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, H. 2002, T.6, tr.537.

(10) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, H. 2002, T.7, tr.149

(11) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H. 2016, tr. 55.

PGS, TS Vũ Quang Vinh - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/cong-tac-dan-van-gop-phan-dem-lai-thang-loi-cuoc-cach-mang-thang-tam-nam-1945-110611.html