Công tác dân số ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số: 'Bình mới, rượu cũ', tập tục khó đổi dời

Già hóa dân số nhanh, mất cân bằng giới tính, bất lực trong quản lý dân số… là một trong nhiều vấn đề nan giải mà công tác dân số hiện nay đang phải đối mặt. Hơn thế nữa, 2 khu vực đô thị, thành phố và miền núi, hải đảo của nước ta đang có sự khác biệt ngày càng lớn trong nhận thức về kế hoạch hóa gia đình.

Gia đình 3 thế hệ người Thái tại Lai Châu được tiếp cận với các biện pháp kế hoạch hóa gia đình từ rất sớm và không sinh con thứ 3. Ảnh: TTH

Giàng A Thông, thanh niên người dân tộc Mông ở Tả Phìn, huyện Sa Pa, Lào Cai đưa con trai 3 tuổi đến trạm xá xã khám bệnh. A Thông trông qua chỉ như một thanh niên vừa qua tuổi 20, nhưng đã có 4 đứa con. 3 con đầu là gái đều nhỏ thó. Đứa thứ 4 là con trai, nhưng hay ốm sốt, sức khỏe yếu, nên A Thông phải đích thân đưa con đến bệnh xá điều trị.

Hoàn cảnh gia đình cũng nghèo, nên cảnh nhiều con nheo nhóc càng khó khăn. Bọn trẻ không được chăm sóc y tế tốt nên hay ốm, người nhỏ yếu, buồn bã. Được hỏi về chuyện sinh nhiều con, A Thông khẳng định, vì sinh con gái nên phải sinh nhiều, đến khi có con trai mới thôi, và nói: “Người Mông phải có con trai chứ, không thì có lỗi với tổ tiên”.

Nơi cư trú của Giàng A Thông không quá heo hút và cách biệt với đô thị. Hơn nữa, nơi này là trung tâm du lịch, khách du lịch thường xuyên ghé tới. Người dân có cơ hội được giao lưu, mở mang ở nhiều lĩnh vực. Tả Phìn là 1 trong 16 xã khó khăn của Sa Pa, tuy nhiên, Trạm y tế của xã có y sĩ và cô đỡ thôn bản. Thế nhưng, một con số giật mình được trung tâm y tế xã đưa ra là Tả Phìn có tới 60% các trường hợp sinh con là đẻ tại nhà. Phụ nữ dân tộc thiểu số đẻ tại nhà cũng không mời cô đỡ thôn bản. Họ chỉ có sự trợ giúp từ chồng và mẹ chồng.

Y sĩ Hoàng Thị Hường, Trạm trưởng Trạm y tế xã Tả Phìn cho hay, vài năm gần đây, không có ca đẻ nào tại trạm. Người dân đẻ tại nhà là chủ yếu. Những người khá giả và hiểu biết hơn thì đẻ ở bệnh viện huyện hoặc tỉnh. Công cuộc vận động người dân thường xuyên khám bệnh, chăm sóc y tế và đẻ tại trạm y tế đã thất bại. 2 cô đỡ thôn bản ở đây từng được đào tạo, tập huấn, tuy nhiên, họ chưa có dịp nào để thực nghệ.

Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Lào Cai thừa nhận, vấn đề lớn mà họ tiếp tục phải đối mặt trong nhiều năm sắp tới là tỉ lệ người dân sinh con thứ 3 trở lên - vấn đề đã cũ đến muôn thuở của miền núi - vẫn rất cao. So với năm trước, số trẻ sinh ra là con thứ 3 ở Lào Cai tăng lên 29 trẻ trong tổng số 1.523 trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên trong năm 2017.

Các viên chức dân số, cộng tác viên dân số hiện nay vẫn bền bỉ với các chiến dịch truyền thông giảm mức sinh mà không đủ thời gian cho nhiều vấn đề mới hơn như tầm soát trước sinh, sức khỏe người cao tuổi, tảo hôn và hôn nhân cận huyết... Một thực tế là rào cản lớn nhất đối với truyền thông dân số chính là vấp phải tập tục văn hóa địa phương, đặc trưng của từng dân tộc thiểu số.

Qua nhiều năm làm công tác dân số, một số cộng tác viên dân số chia sẻ rằng thường thì người Mông dễ vận động đặt vòng tránh thai để kế hoạch hóa gia đình hơn. Người Dao thì lựa chọn uống thuốc tránh thai, do một số quan niệm kiêng cữ riêng của họ về duy trì nòi giống, về sinh đẻ và mức độ can thiệp y tế vào cơ thể người. Những cộng tác viên dân số ít kinh nghiệm hơn, hoặc còn trẻ và không biết nói tiếng dân tộc thiểu số thì chịu thua ngay từ đầu. Chỉ biết vận động, họ không đồng ý, cũng không có cách nào khác.

Bề ngoài ai cũng nói công tác dân số ở miền núi có đổi mới nhiều mặt, người dân tiếp cận nhiều hơn, sâu hơn, nhưng trên thực tế, công tác dân số vẫn không thể chạm đến các tầng sâu giá trị văn hóa tinh thần, rào cản tập tục vẫn còn, như là “bình thì mới, nhưng rượu vẫn cũ”.

Trong lúc này, các đô thị lớn, dẫn đầu là thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang phải khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con. Điều này nằm trong dự đoán về xu hướng sinh ít, sinh 1 con, và không sinh con ở các đô thị phát triển có hạ tầng cơ sở tốt. Một số vùng đô thị, mức sinh xuống thấp, có nơi thấp rất xa so với mức sinh thay thế.

Ngược lại, càng khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa với đáp ứng hạ tầng thấp kém thì thực trạng mức sinh cao, sinh nhiều con không hề thuyên giảm. Người có tri thức, có điều kiện nuôi dạy con tốt thì không sinh nhiều con; người kém hiểu biết, điều kiện sống thấp thì sinh nhiều con không kiểm soát. Trẻ thành thị thì béo phì, khủng hoảng tâm lý, tự kỉ; trẻ miền núi thì vẫn thiếu dinh dưỡng, tỉ lệ bệnh cao. Đây là gánh nặng cho y tế, an sinh xã hội và phát triển kinh tế xã hội cả một vùng.

Việt Nam là một trong 5 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, sắp đi qua thời kỳ dân số vàng và rơi vào thời kỳ mất cân bằng giới tính. Điều này cho thấy, công tác dân số trong tương lai còn khó khăn hơn nhiều so với vài thập kỷ qua với muôn vàn chuyện dở khóc, dở cười về dân số.

Cần khẳng định rằng, dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự phát triển đất nước. Chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển gắn với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh bảo đảm phát triển nhanh và bền vững là quan điểm, đường lối đúng đắn. Đặc biệt, các vùng dân tộc thiểu số, nhóm dân cư yếu thế tiếp tục được Nhà nước chăm lo, hỗ trợ, tạo điều kiện tiếp cận bình đẳng trong giáo dục và y tế.

Giàng A Thông và con trai thứ 4 tại Trạm y tế Tả Phìn. Ảnh: TTH

Trong khi đó, hiện tượng bùng nổ các cặp vợ chồng trung niên sinh con thứ 3 hiện nay được đánh giá là xu hướng không kéo dài, chỉ là kết quả của sự khống chế giảm sinh bắt buộc trong khi tâm lý người Việt vẫn muốn đông con nhiều cháu, trọng nam khinh nữ. Hiện nay, kế hoạch hóa gia đình được xem là không quá áp lực và có nới lỏng ở một vài trường hợp đặc biệt, cho nên mức sinh con thứ 3 có thể tăng lên.

Việc Sở Y tế Phú Thọ có thông tin về việc các cặp vợ chồng là công chức, viên chức Nhà nước sinh con thứ 3 ngày càng nhiều và họ sẽ tiếp tục có biện pháp cắt giảm sức nóng của xu hướng này bằng cách cấm cấp “chứng nhận y tế bảo hộ” bừa bãi cho các cặp vợ chồng sinh con thứ 3. Các tỉnh khác tương tự cách làm này để ổn định dân số cho mỗi địa phương, cho thấy kế hoạch hóa gia đình vẫn là nền tảng, là động lực cho sự phát triển toàn diện của xã hội. Đây cũng là chủ đề của Ngày Dân số thế giới 2018: “Thành công của kế hoạch hóa gia đình là tiền đề cho sự phát triển bền vững”.

Thụy Văn

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/cong-tac-dan-so-o-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-binh-moi-ruou-cu-tap-tuc-kho-doi-doi/