Công tác cai nghiện hướng tới thực chất, hiệu quả và điều trị tự nguyện

Đó là một trong những vấn đề nổi bật được đề cập tại Tọa đàm “Hiểm họa ma túy và hành động của chúng ta”, do Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB&XH) và Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) phối hợp tổ chức vào sáng nay, 14-6, tại Hà Nội.

Phát biểu ý kiến tại Tọa đàm, Thứ trưởng LĐTB&XH Nguyễn Trọng Đàm đề nghị Cục Phòng chống tệ nạn xã hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, báo chí tăng cường tuyên truyền nhằm thống nhất quan điểm: nghiện ma túy là bệnh mãn tính, cai nghiện là thực hiện đồng bộ các can thiệp hỗ trợ đáp ứng nhu cầu của người nghiện.

Đồng thời, bảo đảm thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ cho học viên trong thời gian chấp hành cai nghiện tại cơ sở cai nghiện; nghiên cứu ban hành quy chế quản lý người nghiện trong cơ sở cai nghiện theo hướng thân thiện, thực hiện quyền công dân; ban hành cơ chế chính sách đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa công tác cai nghiện, tăng cường công tác cai nghiện tự nguyện. Cùng với đó là đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.

Tại tọa đàm, các diễn giả tập trung thảo luận những vấn đề liên quan đổi mới công tác cai nghiện ở Việt Nam; một số can thiệp có hiệu quả với người sử dụng ma túy trên thế giới; mô hình điều trị nghiện tự nguyện tại cộng đồng; sự tham gia của các nhóm cộng đồng trong các chương trình can thiệp toàn diện cho người sử dụng ma túy; tình trạng thanh niên sử dụng ma túy tổng hợp tại nước ta hiện nay; phối hợp các biện pháp trong điều trị cho người nghiện...

Trong số này, đáng chú ý có nhiệm vụ đổi mới công tác cai nghiện hướng tới phát triển các cơ sở điều trị nghiện tự nguyện, với mục tiêu đến năm 2020 có 94% tổng số người được cai nghiện, điều trị là tự nguyện.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/33166702-cong-tac-cai-nghien-huong-toi-thuc-chat-hieu-qua-va-dieu-tri-tu-nguyen.html