Công tác cải cách hành chính của Bộ Công thương phải thực sự đi vào chiều sâu

GDVN- Phó Thủ tướng Thường trực cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế mà Bộ Công Thương cần có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Ngày 6/8, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã làm việc với Bộ Công Thương về Chương trình tổng thể cải cách hành chính, giai đoạn 2011-2020.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình biểu dương và đánh giá cao những kết quả mà Bộ Công Thương đạt được trong công tác cải cách hành chính vừa qua, tạo sự chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu. Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu. Ảnh: VGP

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Thường trực cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế mà Bộ Công Thương cần có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Đề cập đến những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương cần tiếp tục triển khai một cách đồng bộ, quyết liệt và toàn diện các nội dung cải cách hành chính, trong đó lưu ý một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau.

Một là, tăng cường công tác chỉ đạo điều hành cải cách hành chính, tập trung chỉ đạo rà soát, xác định rõ những ưu điểm cũng như những hạn chế, yếu kém trong công tác cải cách hành chính của Bộ trong thời gian qua; làm rõ nguyên nhân của hạn chế, yếu kém cũng như trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong triển khai từng nhiệm vụ cải cách hành chính; đồng thời, đề ra các biện pháp cụ thể để khắc phục.

Giai đoạn 10 năm tới, công tác cải cách hành chính của Bộ phải thực sự đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, gắn với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.

Hai là, đẩy mạnh công tác xây dựng thể chế, bảo đảm hệ thống thể chế đồng bộ, thống nhất, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong các lĩnh vực mà Bộ, ngành Công Thương được phân công.

Trước mắt, Bộ Công Thương cần kịp thời hoàn thiện các Dự án Luật, Pháp lệnh và các đề án trong Chương trình công tác của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành pháp luật bảo đảm chất lượng, tiến độ;

Khắc phục triệt để tình trạng nợ đọng việc ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh; nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính hợp pháp, đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống văn bản.

Phối hợp với các bộ rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật để hạn chế sự xung đột, trùng lắp, chồng chéo của văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ.

Ba là, triển khai thực hiện nghiêm Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương. Tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc Bộ, bảo đảm phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của các Vụ, Cục, Tổng cục, các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ.

Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Chương trình hành động của Chính phủ về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Bốn là, đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức, thực hiện tốt việc xây dựng cơ cấu công chức, viên chức theo vị trí việc làm; hoàn thành xây dựng bản mô tả công việc, xây dựng khung năng lực làm cơ sở cho việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Triển khai có hiệu quả chính sách tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo quy định.

Việc tuyển dụng, sử dụng, lựa chọn công chức, viên chức cần công khai, minh bạch tiêu chí, tiêu chuẩn để ứng viên cạnh tranh công bằng, đáp ứng yêu cầu tuyển dụng được người có tài năng vào bộ máy;

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, giải quyết dứt điểm các vụ nổi cộm được dư luận, xã hội quan tâm, không để tình trạng bổ nhiệm đúng quy trình nhưng thực chất người được bổ nhiệm không xứng đáng với các tiêu chuẩn, điều kiện để được bổ nhiệm vào các vị trí công vụ.

Năm là, tổ chức triển khai có chất lượng, hiệu quả các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến công tác cải cách thủ tục hành chính.

Tổ chức triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính, thủ tục hành chính nhằm tăng cường tính hiệu quả, bền vững.

Tiếp tục đổi mới lề lối, phương thức làm việc thông qua gửi, nhận văn bản điện tử và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử; chuyển đổi từng bước việc quản lý, điều hành dựa trên giấy tờ sang điều hành bằng dữ liệu số.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, vận hành Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ, triển khai các chỉ tiêu kinh tế-xã hội của Bộ trên Hệ thống của mình và kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.

Lựa chọn, tái cấu trúc quy trình, cung cấp trên môi trường điện tử các thủ tục hành chính có nhu cầu lớn, liên quan đến hoạt động của người dân, doanh nghiệp kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia và tổ chức triển khai có hiệu quả Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", trong đó tập trung vào các nhiệm vụ phát triển thương mại điện tử, chuyển đổi số trong lĩnh vực năng lượng, sản xuất công nghiệp.

Sáu là, thường xuyên quán triệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 10 của Thủ tướng về chống nhũng nhiễu, tiêu cực, nhất là đối với cán bộ công chức thực hiện các thủ tục cấp phép có thể trục lợi.

Đối với lực lượng Quản lý thị trường cần tiếp tục sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng tin gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tăng cường cán bộ, nguồn lực cho những địa bàn trọng điểm, phức tạp, thực hiện tốt được nhiệm vụ được giao.

Bảy là, tăng cường công tác theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị; sử dụng hiệu quả Chỉ số cải cải cách hành chính trong theo dõi, đánh giá; quan tâm việc triển khai khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước của Bộ Công Thương và ngành Công Thương; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, công khai, minh bạch, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân, tạo sự đồng thuận của người dân, xã hội đối với việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính.

Nhật Minh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tieu-diem/cong-tac-cai-cach-hanh-chinh-cua-bo-cong-thuong-phai-thuc-su-di-vao-chieu-sau-post211435.gd