Công tác biên soạn, phát hành tài liệu pháp luật tài chính ngày càng thực chất, hiệu quả

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã quan tâm tổ chức triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và đạt một số kết quả tích cực. Trong đó, nội dung, hình thức PBGDPL được thực hiện hiệu quả; mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật đa dạng, phong phú, nhất là trong công tác biên soạn, phát hành tài liệu pháp luật tài chính.

Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua, công tác biên soạn, phát hành tài liệu pháp luật, đặc biệt là pháp luật tài chính, đề cương giới thiệu văn bản quy phạm pháp luật tài chính được đưa vào nề nếp và thực hiện thường xuyên, kịp thời ngay khi văn bản được ban hành.

Bộ Tài chính đã vận dụng linh hoạt, hiệu quả các hình thức, phương pháp PBGDPL khả thi, phù hợp với yêu cầu và điều kiện thực tế như: PBGDPL trực tiếp, xây dựng tủ sách pháp luật, sử dụng mạng internet và mạng nội bộ, tổ chức biên soạn tài liệu, thi tìm hiểu pháp luật, xây dựng các mô hình điểm…

Đáng chú ý trong năm 2021 và 9 tháng đầu năm 2022, ngay sau khi các dự án Luật, Pháp lệnh do Bộ Tài chính chủ trì xây dựng đã được Quốc hội thông qua, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Tư pháp và Hội đồng PBGDPL của Chính phủ soạn thảo đề cương giới thiệu Luật để làm tài liệu giới thiệu, phổ biến cho các Sở Tư pháp, cho các tổ chức pháp chế của các Bộ, ngành.

Bên cạnh đó, đã thực hiện sao gửi, biên soạn và phát hành tài liệu đối với hầu hết các Luật đã được Quốc hội thông qua, các Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ và các văn bản có liên quan cho cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Tài chính và các đối tượng chịu tác động là các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp, nhân dân, cụ thể ở một số lĩnh vực.

Điển hình như trong lĩnh vực hải quan, trong năm 2021 và 9 tháng đầu năm 2022, đã biên soạn, phát hành tài liệu pháp luật với khoảng 18.000 tờ rơi, tờ gấp. Nội dung tập trung vào các quy định mới trong lĩnh vực hải quan với các đối tượng chủ yếu là người khai hải quan, người nộp thuế và doanh nghiệp.

Trong lĩnh vực thuế, ngay trong quá trình soạn thảo đến khi các văn bản quy phạm pháp luật mới trong lĩnh vực thuế được ban hành, đã biên soạn và phát hành tài liệu tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong ngành Thuế và các đối tượng chịu tác động là cơ quan tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân.

Trong năm 2021 và 9 tháng đầu năm 2022, việc PBGDPL thông qua việc biên soạn, phát hành tài liệu pháp luật luôn được chú trọng và đã đạt được nhiều kết quả. Cụ thể, Bộ Tài chính đã tổ chức in và phát hành trên hàng nghìn cuốn sách giới thiệu về Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật Phí và lệ phí, sách hỏi đáp về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp....

Ngoài ra, trong năm 2021, Bộ Tài chính đã biên soạn và phát hành 01 ấn phẩm về Biểu tổng hợp thuế xuất - nhập khẩu ưu đãi và ưu đãi đặc biệt của Việt Nam năm 2021-2022 để phổ biến các Nghị định về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam dành cho các quốc gia thành viên của các Hiệp định thương mại tự do mà Việt nam tham gia.

Trong lĩnh vực chứng khoán, trong năm 2021 và 9 tháng đầu năm 2022, đã triển khai công tác PBGDPL, giới thiệu các Luật đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong Ngành thông qua nhiều hình thức như: sao gửi tài liệu trực tiếp; gửi tài liệu vào thư mục dùng chung hoặc thư điện tử...

Việc biên soạn, phát hành tài liệu bao gồm các Luật, Nghị định liên quan đến lĩnh vực chứng khoán tới cán bộ, công chức, viên chức trong Ngành được triển khai kịp thời. Cùng với đó, thường xuyên biên soạn các câu hỏi, giải đáp liên quan đến Luật Doanh nghiệp, pháp luật về chứng khoán để đăng tải trên Cổng thông thông tin điện tử của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật biên soạn và phát hành bộ sách Luật Chứng khoán năm 2019 và các văn bản quy định chi tiết thi hành.

Trong lĩnh vực Kho bạc, hàng năm, trên cơ sở Quyết định ban hành Kế hoạch PBGDPL của Bộ, Kho bạc Nhà nước đã ban hành Kế hoạch PBGDPL của toàn hệ thống, đồng thời quán triệt các đơn vị thuộc và trực thuộc thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.

Theo đó, đã tổ chức biên soạn, phát hành hàng nghìn tài liệu pháp luật phục vụ cho công tác tuyên truyền, PBGDPL; Xây dựng và tập hợp các văn bản pháp luật liên quan đến từng lĩnh vực thành các cẩm nang hướng dẫn nghiệp vụ hoặc các bộ câu hỏi, đáp nghiệp vụ chuyên môn góp phần định hướng một cách chuyên sâu và có tác dụng phổ biến rõ rệt nhất đến cán bộ, công chức, viên chức khi tác nghiệp.

Trong lĩnh vực Dự trữ, Bộ Tài chính đã biên soạn và xuất bản các cuốn sách hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động dự trữ quốc gia, văn bản quản lý nội ngành đến các cán bộ, công chức giúp hoạt động tra cứu, áp dụng văn bản hiệu quả hơn. Trong năm 2021 và 9 tháng đầu năm 2022 đã biên tập và in ấn hàng trăm cuốn tài liệu “Hệ thống văn bản về công tác bảo vệ bí mật nhà nước” để phục vụ tra cứu.

Đối với lĩnh vực đầu tư công, đã biên soạn, xuất bản cuốn sách “Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn thực hiện” hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính đầu tư công như: Luật Đầu tư công, Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công; Thông tư số 96/2021/TT-BTC ngày 11/11/2021 của Bộ Tài chính quy định về hệ thống mẫu biểu sử dụng trong công tác quyết toán....

Trong lĩnh vực giá, Bộ Tài chính đã biên soạn và phát hành một số cuốn sách về giá như: Luật giá và các văn bản hướng dẫn thi hành; Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thẩm định giá.

Trong lĩnh vực tài sản công, năm 2021, được sự hỗ trợ của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), Bộ Tài chính đã phát hành 03 cuốn sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ công tác quản lý, sử dụng tài sản công; nghiệp vụ mua sắm tài sản công theo phương thức tập trung và nghiệp vụ công tác quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng...

Việt Dũng

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/cong-tac-bien-soan-phat-hanh-tai-lieu-phap-luat-tai-chinh-ngay-cang-thuc-chat-hieu-qua.html