Công tác bảo vệ trẻ em đang được làm… ngược

Đây là phát biểu của bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc Trẻ em – Bình đẳng giới thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP HCM tại hội nghị chia sẻ thông tin và tham vấn báo chí về công tác truyền thông trong lĩnh vực bảo vệ quyền trẻ em chiều 22/6.

Hội nghị do Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM phối hợp với Sở LĐ-TB&XH thành phố và Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) tổ chức.

Theo bà Trần Thị Kim Thanh, công tác bảo vệ trẻ em đang được làm ngược, hiện nay mới đi vào giải quyết hậu quả các vụ trẻ em bị xâm hại. “Đáng lẽ việc can thiệp, hỗ trợ trẻ em cần được làm sớm để phòng ngừa, giúp trẻ em không bị xâm hại tình dục và bạo lực. Thực tế, công tác can thiệp, hỗ trợ lại làm sau, khi trẻ đã bị xâm hại. Cùng với giải quyết hậu quả, cần thúc đẩy các hoạt động can thiệp, hỗ trợ từ sớm cho trẻ em”, bà Thanh nói.

Câu hỏi đặt ra ai là người bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự bí mật đời sống riêng tư của trẻ em? Các đại biểu cho biết một số báo mạng thời gian qua đăng tải thông tin liên quan đến xâm hại trẻ em nhưng làm ảnh hưởng đến bí mật đời sống riêng tư của trẻ em.

Đăng hình ảnh, tên tuổi và cả người thân của bị hại. Bên cạnh đó, theo bà Thanh, với tần suất thông tin về xâm hại trẻ em như hiện nay đã làm cho một số phụ nữ không dám giao con cho chồng để đi công tác.

Một bất cập trong công tác bảo vệ trẻ em hiện nay là bộ máy nhân sự. Hiện từ cấp quận/huyện trở xuống chủ yếu là kiêm nhiệm và cộng tác viên làm công tác này. Tại TP HCM, cấp quận/huyện có trên 66% và phường/xã/thị trấn trên 81% là cộng tác viên làm công tác bảo vệ trẻ em.

Tỷ lệ cộng tác viên có trình độ cao đẳng/trung cấp, đại học chiếm tỷ lệ rất thấp, lần lượt là 10,4% và 12,2%; chỉ có 0,3% có trình độ đại học; có đến 4,6% chưa tốt nghiệp trung học cơ sở; một số người không biết đọc, biết viết, chỉ biết ký tên. Đặc biệt, hầu như chỉ có phụ nữ tham gia công tác bảo vệ trẻ em, trong khi có đến 5,5% trẻ em trai bị xâm hại.

“Chính sách, pháp luật có hay như thế nào đi chăng nữa mà không có con người thực hiện thì không thành công. Con người mới là quyết định mà đội ngũ nhân sự làm công tác bảo vệ trẻ như hiện nay khó đạt được hiệu quả như mong muốn”, bà Trần Thị Kim Thanh chia sẻ.

Tuyên truyền Luật Trẻ em và phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong trường học.

Tuyên truyền Luật Trẻ em và phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong trường học.

Bà Mai Thị Ngọc Mai, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Hồ Chí Minh cho biết, TP HCM quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Song, với một đô thị có quy mô dân số lớn, thành phố cũng đang đối diện với nhiều thách thức về: trẻ em lang thang xin ăn, trẻ em có nguy cơ lao động sớm, trẻ em bị xâm hại, bị ngược đãi, trẻ em vi phạm pháp luật, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng,…

Để cụ thể hóa trách nhiệm và rút ngắn thời gian xử lý các vụ việc, UBND TP HCM mới ban hành Quy trình phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục trên địa bàn thành phố.

Trong đó, quy định rõ trong vòng 2 tiếng đồng hồ kể từ thời điểm nhận thông tin vụ việc, người làm công tác bảo vệ trẻ em phường, xã, thị trấn phải báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý tính xác thực của thông tin cho Chủ tịch UBND và Trưởng ban Bảo vệ chăm sóc trẻ em phường, xã, thị trấn; đồng thời báo cáo nhanh về Thường trực Ban Điều hành Bảo vệ chăm sóc trẻ em quận, huyện (Phòng LĐ-TB&XH quận, huyện) để phối hợp và triển khai các biện pháp hỗ trợ, can thiệp theo quy định.

Trong vòng 8 giờ kể từ thời điểm nhận thông báo và hồ sơ của bệnh viện, cơ sở y tế, Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn có thẩm quyền gửi kiến nghị khởi tố bằng văn bản kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan đến cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận/huyện để xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm.

Trong khi đó, để bảo đảm an toàn cho trẻ em trong các cơ sở bảo trợ xã hội, Sở LĐ-TB&XH TP HCM vừa có hướng dẫn thực hiện kiểm soát nội bộ trong phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em tại các cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn thành phố. Theo đó, quy định cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại cơ sở bảo trợ xã hội không ở một mình với trẻ em mà không có người giám sát và chưa được sự chấp thuận của người quản lý trực tiếp hoặc lãnh đạo cơ sở; không kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ em…

Bà Hà Thị Bích Thu, Phó trưởng Phòng 2 - Viện Kiểm sát nhân dân TP HCM cho biết, từ đầu năm đến nay đã khởi tố 23 vụ xâm hại trẻ em, với loại tội phạm này quan điểm của Viện Kiểm sát là xử mức cao nhất theo luật định.

Ông Phạm Đình Nghinh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM cho biết, trong 6 tháng cuối năm 2020, Hội Bảo vệ quyền trẻ em thành phố sẽ đánh giá tính hiệu quả và tham vấn ý kiến chuyên gia nhằm từng bước nâng cao hiệu quả các mô hình, chương trình bảo vệ quyền trẻ em; phối hợp tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội ngoài công lập tham gia vào các chương trình nhằm thúc đẩy việc thực hiện quyền trẻ em; tiếp tục triển khai các hoạt động can thiệp, hỗ trợ khẩn cấp; tiếp tục triển khai các hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp lý cho trẻ em và gia đình của các em,…

Nguyễn Cảnh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/cong-tac-bao-ve-tre-em-dang-duoc-lam-nguoc-600155/