Công tác bảo vệ chính trị nội bộ: Lấy phòng ngừa là chính

Bảo đảm sự trong sạch về chính trị trong nội bộ là một nhiệm vụ, giải pháp quan trọng được đề ra tại Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về 'Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa' trong nội bộ'. Trao đổi với Báo Hànôịmới, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo khẳng định, công tác bảo vệ chính trị nội bộ phải lấy phòng ngừa là chính.

Hà Nội sẽ phát huy vai trò giám sát của nhân dân để phòng ngừa vi phạm về chính trị nội bộ. Trong ảnh: Lãnh đạo quận Hoàng Mai đối thoại với người dân trên địa bàn quận. Ảnh: Thủy Tiên

- So với trước đây, công tác bảo vệ chính trị nội bộ hiện nay có gì mới, thưa đồng chí?

- Công tác bảo vệ chính trị nội bộ luôn được Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Ngày 28-2-2018, Bộ Chính trị (khóa XII) đã ban hành Quy định số 126-QĐ/TƯ “Một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng” thay thế Quy định số 57-QĐ/TƯ ngày 3-5-2007 của Bộ Chính trị (khóa X) “Một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng”. Ban Tổ chức Trung ương cũng đã ban hành Hướng dẫn số 19-HD/BTCTƯ ngày 12-9-2019 về thực hiện một số điều trong Quy định số 126-QĐ/TƯ.

Trong các văn bản nêu trên, công tác bảo vệ chính trị nội bộ có thêm nhiều nội dung mới theo hướng chặt chẽ hơn. Đặc biệt, công tác bảo vệ chính trị nội bộ chuyển mạnh trọng tâm từ xem xét lịch sử sang nắm bắt và giải quyết vấn đề chính trị hiện nay gắn với việc phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

- Thành ủy Hà Nội quan tâm triển khai tổ chức thực hiện công tác bảo vệ chính trị nội bộ như thế nào, nhất là trong quá trình chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp hiện nay?

- Ngay sau khi Trung ương ban hành các văn bản liên quan, Thành ủy đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nhằm nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình mới. Ban Tổ chức Thành ủy cũng đã tập huấn cho cán bộ chủ chốt và những người trực tiếp làm công tác bảo vệ chính trị nội bộ các cấp ủy trực thuộc Thành ủy về thực hiện những quy định mới.

Bảo vệ chính trị nội bộ cũng là một trong những nội dung được nêu rõ trong Chỉ thị số 35-CT/TƯ ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị (khóa XII) về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Khi ban hành Kế hoạch số 155-KH/TU ngày 8-7-2019, về tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, Thành ủy đã kịp thời tích hợp đầy đủ các nội dung trên. Trên cơ sở đó, Ban Tổ chức Thành ủy có hướng dẫn, các cấp ủy Đảng tiếp thu triển khai thực hiện nghiêm túc.

Qua theo dõi, chúng tôi thấy rằng, các cấp ủy đảng đã thực hiện nghiêm các bước bảo vệ chính trị nội bộ trong quá trình xem xét hồ sơ nhân sự; rà soát, thẩm tra, thẩm định về tiêu chuẩn, điều kiện, phẩm chất, năng lực, uy tín cán bộ theo quy định và tiêu chuẩn chính trị. Kết quả thực hiện đã giúp nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên; xử lý được những bất cập về công nhận văn bằng có yếu tố nước ngoài; phòng ngừa hiện tượng gian dối trong kê khai lý lịch...

- Có nhiều trường hợp hồ sơ nhân sự từ cơ sở chuyển lên bị Ban Tổ chức Thành ủy trả lại không, thưa đồng chí?

- Số lượng hồ sơ bị trả lại không nhiều, nhưng vẫn có. Vì thực tế, một số đơn vị trong quá trình rà soát, thẩm tra, thẩm định hồ sơ cán bộ, đảng viên còn thiếu chặt chẽ, có biểu hiện sơ suất, chủ quan.

- Công tác bảo vệ chính trị nội bộ hiện nay gặp những khó khăn ra sao, thưa đồng chí?

- Bảo vệ chính trị nội bộ là công việc thầm lặng, là nhiệm vụ không chỉ của các cán bộ chuyên trách, người đứng đầu cấp ủy mà còn là của mỗi tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị. Tuy nhiên, mức độ quan tâm không phải ở đâu, lúc nào cũng được thường xuyên và sát sao. Chưa kể, quá trình thẩm định một hồ sơ mất rất nhiều thời gian và đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan liên quan, trong khi đội ngũ cán bộ làm công tác này chủ yếu là kiêm nhiệm.

Mặc dù vậy, chúng tôi khẳng định, tại Hà Nội, công tác bảo vệ chính trị nội bộ, đặc biệt là nhiệm vụ thẩm định hồ sơ nhân sự luôn được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, chính xác để bảo đảm chất lượng nhân sự cấp ủy khóa mới.

- Thưa đồng chí, để tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong năm 2020, năm tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, chúng ta cần chú trọng những vấn đề gì?

- Bảo vệ chính trị nội bộ trước hết là bảo vệ Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, bảo vệ Hiến pháp và pháp luật Nhà nước, bảo vệ cán bộ, đảng viên, ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Bảo vệ chính trị nội bộ không phải là “bới lông tìm vết” mà phải lấy phòng ngừa là chính. Theo tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, nhiệm vụ hàng đầu là cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình hiện nay.

Chúng tôi cho rằng, quá trình chuẩn bị và tiến hành đại hội đảng bộ các cấp cần thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương về hồ sơ nhân sự, nhất là thực hiện đầy đủ, chất lượng các bước rà soát, thẩm tra, thẩm định bảo đảm tất cả phải đúng quy trình, không làm tắt. Trong quá trình đó, các cấp ủy cần tiếp tục thực hiện chặt chẽ công tác quản lý cán bộ, đảng viên, bao gồm cả kỷ luật phát ngôn; công tác đánh giá cán bộ hằng tháng; phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân đối với cán bộ, đảng viên.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Võ Lâm

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xay-dung-dang/958034/cong-tac-bao-ve-chinh-tri-noi-bo-lay-phong-ngua-la-chinh