Công tác bảo tồn nhà cổ cần quyết liệt hơn

Từ năm 2013, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954. Nhưng đến nay, công tác bảo tồn, tiến độ cải tạo các biệt thự rất chậm trễ, trong khi các công trình vẫn tiếp tục xuống cấp và tiềm ẩn nguy hiểm.

Sau vụ cháy tại biệt thự 65 phố Nguyễn Thái Học, phường Điện Biên, quận Ba Đình (Hà Nội) xảy ra trưa 23-10, đến nay, công việc kinh doanh buôn bán của các cửa hàng tại tầng một ngôi nhà đã trở lại bình thường. Tuy nhiên, những người dân sinh sống chung quanh ngôi nhà này vẫn rất lo lắng. Bà Hòa, người bán hàng gần ngôi biệt thự cho biết, vụ cháy xảy ra vào buổi trưa, cho nên nhiều người dân đã nhanh chóng sử dụng các bình chữa cháy tại chỗ để hạn chế đám cháy lây lan, lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp có mặt kịp thời để dập lửa ngay khi đám cháy mới xảy ra. Nếu ngọn lửa bùng lên cao, gặp thời tiết hanh khô, gió mạnh, đám cháy lan rộng sang các công trình bên cạnh, thì hậu quả sẽ khôn lường.

Biệt thự số 65 phố Nguyễn Thái Học nằm trong danh mục nhóm hai thuộc các công trình được bảo tồn theo quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự cũ. Công trình có vị trí đẹp, một mặt quay ra phố Nguyễn Thái Học, một mặt quay ra ngõ Yên Thế. Ngôi nhà có ba tầng, lợp mái ngói, có khoảng lùi công trình hợp lý, hài hòa với không gian tuyến phố. Đây từng là nơi sinh sống của nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng của nước ta như các họa sĩ: Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm; nhà văn Vũ Tú Nam, nhạc sĩ Đỗ Nhuận… Hiện tại, ngôi nhà có gần 100 người đang sinh sống. Sau gần 100 năm sử dụng, công trình đã xuống cấp, biến dạng nghiêm trọng. Nhiều hạng mục bị hư hỏng, không được sửa chữa, khắc phục. Hệ thống dây điện, cáp viễn thông, đường ống dẫn nước sinh hoạt…, được đấu nối rất tùy tiện, gây mất mỹ quan đô thị và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Tình trạng cơi nới xảy ra tại nhiều vị trí. Các khoảng không gian chung tại tầng một bị lấn chiếm, trở thành nơi tập kết hàng hóa, sản xuất. Tường rào bị phá bỏ để mở cửa hàng kinh doanh. Không gian ngôi nhà trở nên ngột ngạt. Nhiều người dân sinh sống tại ngôi nhà phản ánh, đám cháy xảy ra là điều tất yếu, bởi khu vực tập kết nguyên vật liệu, sản xuất, kinh doanh tại tầng một rất lộn xộn. Dây cáp điện đi nổi, không được đấu nối cẩn thận, nằm lẫn với các vật liệu dễ cháy,… Điều khiến người dân lo sợ hơn cả là việc ngôi nhà có thể đổ sập bất cứ lúc nào do một số bức tường chịu lực ở tầng một đã bị các hộ dân phá bỏ để thông phòng, mở rộng cửa hàng kinh doanh. Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, ngôi nhà 65 phố Nguyễn Thái Học có kiến trúc đẹp, pha trộn đường nét kiến trúc kiểu Pháp và nét kiến trúc phương Đông. Đây là công trình có giá trị về kiến trúc và văn hóa, nhưng để như hiện trạng rất lãng phí. Công trình vốn thiết kế chỉ dành cho một gia đình, nhưng hiện nay gần một trăm con người sinh sống gây tình trạng quá tải. Tường rào và nhiều chi tiết kiến trúc rất đẹp ở tầng một ngôi nhà đã biến mất. Nhiều hạng mục xuống cấp, hư hỏng.

Từ năm 2013, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954, trong đó khuyến khích những nhà biệt thự có nhiều hộ dân quy về một chủ; tạo điều kiện cho những trường hợp đã làm nhà ở trong khuôn viên, đất lưu không di chuyển, tái định cư. Đồng thời lập phương án di chuyển người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm để cải tạo lại biệt thự,… Nhưng đến nay, công tác bảo tồn, tiến độ cải tạo các biệt thự rất chậm trễ, trong khi các công trình vẫn tiếp tục xuống cấp và tiềm ẩn nguy hiểm. Hơn một năm trước, biệt thự số 107 phố Trần Hưng Đạo, công trình cũng được xếp nhóm hai trong danh mục các biệt thự cũ cần được bảo tồn, đã bị sập, làm hai người chết, sáu người bị thương. Đầu tháng 8 năm nay, vụ sập nhà tại số 43 phố Cửa Bắc, làm hai người chết, bốn người bị thương cũng do ảnh hưởng từ việc phá dỡ công trình cũ ở liền kề ngôi nhà. Sau những sự cố đáng tiếc này, thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát, đánh giá an toàn chịu lực các công trình cũ, nguy hiểm, trong đó có các biệt thự để đề xuất phương án xử lý. Tuy nhiên, trong khi công việc này chưa thực hiện xong, thì các vụ việc phức tạp tiếp tục phát sinh. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do phần lớn các căn hộ trong nhà biệt thự đã được bán cho người dân theo Nghị định số 61. Nhiều hộ sẵn sàng cố thủ trong các căn hộ chật chội, chấp nhận điều kiện sống khó khăn, không đồng ý bán lại căn hộ, hoặc đưa ra mức giá quá cao, dẫn đến việc hợp chủ không thể thực hiện. Trong khi đó, công tác quản lý của chính quyền thiếu chặt chẽ, để người dân cơi nới, lấn chiếm không gian chung, sử dụng đất sai mục đích. Các cơ quan quản lý lúng túng trong việc hướng dẫn người dân hợp chủ, xử lý các sai phạm… Trách nhiệm chính trong công tác bảo tồn nhà cổ thuộc về người dân, những người đang trực tiếp sử dụng, quản lý và hưởng lợi từ ngôi nhà. Vì thế, UBND thành phố Hà Nội cần chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ rà soát, đánh giá chất lượng các ngôi nhà; thực hiện cấp giấy chứng nhận đối với những ngôi nhà có giá trị lịch sử, văn hóa, di tích cách mạng - kháng chiến và kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu. UBND các quận tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng; ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi tự ý cải tạo, phá dỡ nhà biệt thự; kiên quyết di chuyển người dân ra khỏi công trình nguy hiểm, có nguy cơ mất an toàn,…

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/hanoi/item/31130002-cong-tac-bao-ton-nha-co-can-quyet-liet-hon.html