Công Phượng, Xuân Trường bị 'trả về': Gian nan cầu thủ Việt xuất ngoại

Sau Công Phượng tới lượt Xuân Trường phải về nước vì không thể hiện được giá trị chuyên môn của mình ở nước ngoài. Hành trình xuất ngoại cầu thủ của bóng đá Việt còn nhiều gian nan...

Công Phượng và Xuân Trường là hai trong số những cầu thủ trong lứa đầu tiên trưởng thành từ lò đào tạo HAGL Arsenal JMG, được xem là những tài năng mới của bóng đá Việt Nam hiện tại.

Đây cũng là hai cái tên mà bầu Đức - ông chủ HAGL, tin tưởng sẽ thỏa tham vọng xuất ngoại cầu thủ Việt của mình khi rót tiền của, tâm lực vào xây học viện bóng đá. Thế nhưng nhìn lại những chuyến xuất ngoại vừa qua của họ, công bằng mà nói thì đều chung một kết cục thất bại.

4 chuyến xuất ngoại của Công Phượng và Xuân Trường đều chưa thành công

4 chuyến xuất ngoại của Công Phượng và Xuân Trường đều chưa thành công

Tháng 12-2015, Công Phượng được HAGL "gửi" sang Mito Hollyhock (chơi giải J-League 2 của Nhật Bản) theo bản hợp đồng cho mượn với giá tượng trưng là 100.000 USD, thời hạn 1 năm. Gần 5 tháng sau lễ ký kết, Công Phượng được ra sân lần đầu, với khoảng 5 phút trên sân. Sau một mùa giải "dự bị là chính", HAGL buộc phải cho Công Phượng về đá V-League.

Mùa 2019 này, Công Phượng được HAGL chuyển hướng sang Incheon Utd của Hàn Quốc, cũng với bản hợp đồng 1 năm theo dạng cho mượn. Thế nhưng chỉ sau 4 tháng, tiền đạo của Việt Nam buộc phải xin về.

Với Xuân Trường, sau hai mùa giải 2016 (đá cho Incheon Utd) và 2017 (Gangwon Utd) không thành công ở Hàn Quốc, anh được HAGL cho thử thách ở môi trường bớt khốc liệt hơn là Thai-League, trong màu áo Buriram Utd.

Song cũng giống như chuyến xuất ngoại trước, Xuân Trường vẫn dự bị là chính. Sau 15 vòng đấu, anh được đội bóng Thái Lan cho ra sân tổng cộng hơn 300 phút, ghi 1 bàn, 1 đường kiến tạo và phải trở về nước khi chưa hết hợp đồng.

4 chuyến xuất ngoại đã qua của Công Phượng và Xuân Trường đều chung một bản chất, đó là hợp đồng cho mượn, thường xuyên dự bị và buộc phải về nước sau khi không đáp ứng được chuyên môn từ đội bóng nước bạn.

Có người lý giải thất bại của Công Phượng ở Incheon Utd là do... đồng đội của anh quá kém cỏi, chứ không phải do năng lực của cầu thủ này ?!

Cựu danh thủ Đức tưng vô địch World Cup 1990, ông Micheal Littbarski khi sang Việt Nam trong vai trò Đại sứ CLB VfL Wolfsburg để ký hợp đồng hợp tác với VFF, khi được hỏi về khả năng xuất ngoại của cầu thủ Việt đã nói: "Bóng đá rất đơn giản. Nếu bạn có năng lực thì chắc chắn sẽ có đội bóng tương xứng quan tâm, thậm chí săn đón bạn".

Công Phượng, Xuân Trường có thể khẳng định được giá trị của mình ở ĐTQG Việt Nam, ở HAGL nhưng rõ ràng khi "bơi" ra J-League, K-League, thậm chí là Thai-League đều chưa thể cạnh tranh được suất đá chính, chưa nói đến chuyện được các đội bóng khác săn đón.

Trước và sau Công Phượng, Xuân Trường, đang và sẽ có nhiều cầu thủ Việt khác tìm đường xuất ngoại. Bản thân Công Phượng cũng chuẩn bị sang Pháp thử việc ở đội bóng giải hạng 2 để tìm kiếm cơ hội.

Thành công hay thất bại vẫn còn ở thì tương lai, song chắc chắn đó sẽ là hành trình không bằng phẳng dành cho các cầu thủ Việt, bởi tính đào thải trong bóng đá chuyên nghiệp là rất khủng khiếp.

Song, muốn thành công thì không còn cách nào khác là đối mặt và vượt qua nó.

Trường hợp Đặng Văn Lâm chưa phải thành công

Trong 3 cầu thủ ĐT Việt Nam xuất ngoại sau thành công ở Asian Cup, ngoài Công Phượng, Xuân Trường là thủ môn Đặng Văn Lâm. So với hai đồng đội, Đặng Văn Lâm được ra sân thường xuyên trong màu áo Muangthong Utd, thế nhưng chưa thể gọi là thành công khi đội bóng của anh sau 15 vòng đấu vẫn đang chật vật tìm cách thoát nhóm xuống hạng.

Cũng cần nói thêm, Đặng Văn Lâm là sản phẩm đào tạo của bóng đá Cộng hòa Séc, chứ không phải các lò trong nước.

Băng Tâm

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-thao/cong-phuong-xuan-truong-bi-tra-ve-gian-nan-cau-thu-viet-xuat-ngoai/815712.antd