Công Phượng, Văn Hậu và bài học từ Hàn - Nhật

Nếu nhìn vào hành trình quá khứ mà hai nền bóng đá Hàn Quốc và Nhật Bản từng trải qua, thì những gì xảy ra với Văn Hậu và Công Phượng mới chỉ là khởi đầu.

Mỗi cuối tuần trôi qua ở các giải vô địch quốc gia (VĐQG) châu Âu, nhiều cổ động viên (CĐV) Việt Nam giờ không chỉ hướng sự chú ý vào La Liga hay Ngoại hạng Anh, họ còn hướng sự quan tâm đến hai giải đấu ít nổi tiếng hơn: giải VĐQG Bỉ (Belgian Pro League) và giải VĐQG Hà Lan (Eredivisie). Người Việt bỏ công theo dõi hai giải đấu nói trên, bởi Nguyễn Công Phượng và Đoàn Văn Hậu - hai tài năng trẻ sáng giá nhất của bóng đá Việt - đang thi đấu tại đây.

Tháng 7.2019, Công Phượng chính thức sang Sint-Truidense theo bản hợp đồng cho mượn có thời hạn một năm. Hai tháng sau, tới lượt Văn Hậu nối gót sang Heerenveen. CĐV Việt Nam háo hức, vì trong lịch sử nền bóng đá, đây là lần đầu tiên người Việt có cầu thủ được chuyển nhượng sang các nền bóng đá tiên tiến ở châu Âu.

Nhưng sự háo hức nhanh chóng chuyển dần sang sốt ruột, rồi thất vọng. Trước khi trở về cùng đội tuyển quốc gia chuẩn bị cho loạt trận vòng loại World Cup 2022 vào giữa tháng 10, Công Phượng vắng mặt trận thứ tư liên tiếp ở giải VĐQG Bỉ. Trong 10 vòng đấu đầu tiên của giải Bỉ, chân sút của HAGL được đăng ký thi đấu ba trận, ra sân chơi 20 phút.

Công Phượng chơi cho Sint-Truidense ở Bỉ (ảnh trái) và Văn Hậu chơi cho Heerenveen ở Hà Lan - những người đầu tiên đặt nền tảng cho những bước đi xa hơn của bóng đá Việt Nam. Ảnh: TL

Công Phượng chơi cho Sint-Truidense ở Bỉ (ảnh trái) và Văn Hậu chơi cho Heerenveen ở Hà Lan - những người đầu tiên đặt nền tảng cho những bước đi xa hơn của bóng đá Việt Nam. Ảnh: TL

Với Đoàn Văn Hậu, mọi chuyện không khá hơn. Dù được đăng ký thi đấu trong cả ba vòng kể từ khi đến Heerenveen, hậu vệ quê Thái Bình chưa ra sân một phút nào.

Tuy nhiên, việc đặt quá nhiều kỳ vọng vào những cầu thủ đến từ một nền bóng đá “vùng trũng” của thế giới, xếp 99 trên bảng xếp hạng của FIFA có thể tạo ra ngộ nhận. Điều này không tốt cho sự phát triển của nền bóng đá, nếu nhìn vào hướng đi của hai nền bóng đá hàng đầu châu lục - Hàn Quốc và Nhật Bản.

Bóng đá du nhập vào Nhật Bản từ thế kỷ XIX, gần như sớm nhất châu Á. Tuy nhiên, phải đến đầu những năm 2000, nền bóng đá xứ sở mặt trời mọc mới thật sự cất cánh.

Tuyển Nhật lần đầu dự World Cup vào năm 2002. Đó là hệ quả của chiến lược làm bóng đá bài bản, từ phát triển giải VĐQG (J League) và phát triển cầu thủ trẻ. Cách làm ban đầu của các CLB Nhật Bản không khác mấy so với HAGL hay Hà Nội FC đang làm: cho cầu thủ “tu nghiệp” ở châu Âu với giá chuyển nhượng “rẻ như không”.

Từ Kazu Miura, Nanami đến sau này là Hidetoshi Nakata hay Sunsuke Nakamura, nhiều cầu thủ Nhật được xuất khẩu theo cách này. Nhưng thành công nhất có lẽ là Shinji Kagawa. Anh chơi cho Cerezo Osaka từ năm 17 tuổi, bốn năm sau được bán cho Dortmund với giá 350.000 euro. Đây là mức giá chuyển nhượng khá tượng trưng, bởi các CLB Nhật Bản luôn sẵn sàng để cầu thủ đến châu Âu phát triển sự nghiệp.

Kagawa không mất nhiều thời gian để chiếm suất đá chính trong màu áo Dortmund. Cho dù sau này có sự nghiệp không thật thành công tại Man Utd, nhưng không thể phủ nhận Kagawa là cầu thủ đẳng cấp cao nhất của bóng đá Nhật trong thời gian dài.

Theo thống kê từ Soccerways, Nhật Bản hiện có 185 cầu thủ đang thi đấu ở nước ngoài, trong đó hơn 123 cầu thủ chơi ở châu Âu. Các cầu thủ Nhật chơi ở Anh, Đức, Hà Lan, Pháp, thậm chí cả Phần Lan hay Thổ Nhĩ Kỳ. Và không phải ai cũng có sự nghiệp lẫy lừng như Kagawa.

Thần đồng một thời của Arsenal, Ryo Miyaichi là một ví dụ. Mười chín tuổi, anh đến thẳng Arsenal sau những năm tháng thi đấu ở trường trung học. Cầu thủ chạy cánh người Nhật có quá trình thử việc thành công ở Arsenal và được kỳ vọng trở thành ngôi sao châu Á mới. Nhưng sau năm năm, Miyaichi trải qua năm lần được Arsenal đem cho mượn đến các đội bóng khác, và giờ hài lòng với một suất đá chính trong màu áo St. Pauli - một đội bóng đang chơi ở giải hạng hai tại Đức.

Trường hợp mới nhất là Takuma Asano. Năm 2016, anh được Arsenal mua về từ Sanfrecce Hiroshima. Sau ba năm, tiền đạo sinh năm 1994 phải sang CLB nổi tiếng của Serbia Partizan Belgrade làm lại.

Trong số hàng trăm cầu thủ Nhật Bản ra châu Âu chơi bóng mỗi năm, rất nhiều người như Miyaichi hay Asano. Đó gần như là quy luật tất yếu của bóng đá đỉnh cao: chỉ những người tốt nhất được chọn.

Với bóng đá Hàn Quốc, mọi chuyện diễn ra theo một chiều hướng khác. Nền bóng đá xứ kim chi đi sau Nhật Bản, nhưng đang vươn mình trở thành ông lớn số hai khu vực. Giải VĐQG Hàn Quốc (K-League) không phát triển rầm rộ như J-League, họ cũng không lên kế hoạch tu nghiệp cầu thủ như Nhật.

Gần 10 năm trước, đội ngũ tuyển trạch của công ty Apertura Sports đến châu Á với tham vọng tìm những tài năng phương Đông, phục vụ tham vọng quảng bá lẫn nâng cấp chuyên môn. Khi đến Trung Quốc, Apertura Sports không tìm ra nổi một cầu thủ đủ sức ra sân ở Đức. Đến phút cuối trong chuyến du hành châu Á, họ tìm ra hai người, và những cầu thủ này nói tiếng Hàn Quốc.

Trước cuộc tìm kiếm của Apertura Sports nhiều năm, bóng đá Hàn Quốc đã ghi nhận thành công của Lee Young-pyo, một trong những cầu thủ Hàn thành công nhất ở châu Âu đầu thế kỷ XXI. Khác với các cầu thủ Nhật, cầu thủ Hàn Quốc được đánh giá cao ở khía cạnh thể lực, thể hình và nền tảng tiếp thu kỷ luật chiến thuật tốt.

“Với các cầu thủ châu Á, những CLB châu Âu tìm thấy nhiều yếu tố tuyệt vời. Đó là sự chăm chỉ, cầu tiến, tôn trọng mọi người và hiếm khi xảy ra vấn đề với huấn luyện viên”, Strachwitz - giám đốc Apertura Sports giải thích cho xu thế ưa sử dụng cầu thủ từ châu Á của các CLB châu Âu.

Không một nền bóng đá nào hóa rồng chỉ với hai cầu thủ đầu tiên sang châu Âu chơi bóng. Nhưng, Công Phượng và Văn Hậu đáng được động viên và khen ngợi, bởi họ chính là những người đầu tiên đặt nền tảng cho những bước đi xa hơn của bóng đá Việt Nam.

Nam Sơn

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/cong-phuong-van-hau-va-bai-hoc-tu-han-nhat-21100.html