Công Phượng vẫn cần học từ Công Vinh

Công Phượng có trên tài Công Vinh, hay có đóng góp nhiều cho bóng đá Việt Nam hay không thì phải chờ thêm vài năm nữa để kiểm chứng. Nhưng ngay lúc này có thể thấy nếu Công Phượng muốn thành ngôi sao thì không thể không học hỏi người đàn anh của mình.

Trận đấu giao hữu với CHDCND Triều Tiên kết thúc với một thắng lợi giòn giã , kèm với đó, không thể "tránh" được những lời tung hô. Thế nhưng ngoài những bài viết ca ngợi sự xuất sắc của Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Thanh,... người ta vẫn phải dành một phần "đất" để nói về Lê Công Vinh . Thật sự tiền đạo 31 tuổi này là một "ngôi sao" của bóng đá Việt , thông tin về anh luôn "hot" và kéo được sự quan tâm của khán giả. Công Vinh có kiểu nổi tiếng hơi "showbiz", chẳng hạn như anh đăng một tấm hình ăn mừng chiến thắng trong phòng thay đồ thì sẽ có người sẵn sàng vào chỉ trích rằng tại sao phòng thay đồ lại... bừa bộn như thế? Tức là nhiều khi người ta chẳng quan tâm gì đến chuyên môn mà chỉ "soi" nhiều đến những chuyện bên lề.

Lê Công Vinh có lượng fan và anti fan lớn. Ảnh: Internet.

Cầu thủ mà nổi tiếng như ngôi sao giải trí như vậy, ở Việt Nam có lẽ chỉ có Công Vinh và "tiệm cận" với anh, có thể là Công Phượng . Hãy nghe những tiếng hú hét khi cầu thủ này được thay vào sân ở trận giao hữu với CHDCND Triều Tiên vừa qua, nó cho thấy Công Phượng vẫn là cái tên được chờ đợi và kỳ vọng nhất hiện nay. Sự thể hiện khi ở độ tuổi 19 của Công Phượng khiến người ta thần tượng anh, nhưng sự nổi tiếng đó sau này được bồi thêm bằng kha khá chuyện bên lề, biến Công Phượng thành ngôi sao giải trí với chuyện tình cảm, đời tư,... phô bày trên mặt báo.

Tất nhiên, nổi tiếng như vậy không có gì là xấu cả. Thậm chí cầu thủ biết sử dụng tốt hình ảnh của mình thì mới xứng là cầu thủ chuyên nghiệp. Nhưng vấn đề là những cầu thủ như thế luôn có lượng fan và anti-fan cực lớn. Và rồi họ sẽ phải làm quen với việc bị "ghét" vì những lý do trời ơi đất hỡi. Điều này sẽ tạo nên một áp lực không nhỏ cho sự nghiệp của một cầu thủ, đặc biệt là cầu thủ trẻ mới bước vào giai đoạn đỉnh cao. Nhìn vào Công Phượng, có thể thấy sau màn tỏa sáng từ lứa U19, những năm gần đây ở các cấp độ U23 hay ĐTQG, anh chưa thể hiện được đúng như kỳ vọng của người hâm mộ, ngay cả dưới triều đại của HLV Hữu Thắng, Công Phượng cũng chưa cho khán giả sống lại những cảm xúc lúc xưa. Phong độ có phần chững lại đó, rất có thể có một phần do áp lực khi trở thành người nổi tiếng.

Đây cũng là điểm mà Công Phượng có thể học từ Công Vinh. Tiền đạo của Becamex Bình Dương từng nhiều lần chịu áp lực cực lớn, chẳng hạn như cái lần anh "vạ miệng" đòi giải nghệ. Cái hay của Công Vinh là anh vượt qua được hết những áp lực đó, và tiếp tục là tiền đạo hàng đầu của Việt Nam, dù tất nhiên vẫn "duy trì" một lượng anti-fan đáng nể. Công Vinh đáp trả dư luận chủ yếu bằng những gì anh thể hiện trên sân, kiểu như khi người ta bảo anh hết thời, thì anh liên tục ghi bàn. Chỉ trích Công Vinh thì có thể dẫn chứng một vài tình huống, nhưng khó có lúc nào có thể xem anh là "tội đồ", vì mỗi giải đấu, mỗi trận đấu của ĐTQG anh đều có những dấu ấn rất riêng. Ví như kỳ AFF Cup 2008 lịch sử, thật ra Công Vinh thể hiện không tốt, nhưng cuối cùng các bình luận viên nước ngoài cũng phải gọi anh là người hùng của Việt Nam sau cú đánh đầu ngược vào lưới Thái Lan. Hay như kỳ AFF Cup gần đây nhất là năm 2014, chúng ta thi đấu tệ trước người Malaysia, HLV Miura và nhiều cầu thủ "hứng gạch" từ dư luận nhưng chẳng ai trách Công Vinh vì những gì anh thể hiện trên sân đã quá tốt rồi.

Công Phượng có dấu hiệu chững lại về mặt chuyên môn. Ảnh: Đình Viên.

Nếu như Công Phượng học được từ Công Vinh cách đối đầu, vượt qua áp lực dư luận, hay thậm chí đáp trả nó bằng cách thể hiện trên sân, với tiềm năng của mình, Công Phượng hoàn toàn có thể trở thành một tượng đài. Còn nếu không, e rằng sẽ có thêm một thần đồng không chịu lớn mà chết chìm trong dư luận.

(Bạn đọc: Phan Huỳnh Tuấn)

19:45 08/10/2016

Nguồn Bóng Đá: http://www.bongda.com.vn/cong-phuong-van-can-hoc-tu-cong-vinh-d362615.html