Công Phượng tới Incheon và trên vai sứ mệnh thay đổi quá khứ

Hơn 2 năm trước, Công Phượng đầu quân cho CLB Mito Hollyhock với nhiều kỳ vọng nhưng điều khiến người ta nhớ nhất lại là khi anh đi phát tờ rơi. Lần xuất ngoại này liệu có khác?

Tháng 7 năm 2016, người hâm mộ Việt Nam sốc khi chứng kiến hình ảnh Công Phượng đứng ở ga tàu điện Nhật Bản, phát tờ rơi cho người dân nhằm mời chào họ tới sân xem một trận đấu của Mito Hollyhock. Thực tế, việc các cầu thủ bóng đá tại Nhật Bản làm những công việc xã hội là điều rất bình thường.

Nhưng với Công Phượng, đây lại là những hình ảnh đáng nhớ nhất của anh chứ không phải như bàn thắng, kiến tạo hay dấu ấn chuyên môn.

Chưa có dấu ấn chuyên môn

Chuyến xuất ngoại ấy của Công Phượng, cùng 2 người đồng đội là Xuân Trường (Incheon United) và Tuấn Anh (Yokohama) cuối cùng khép lại mà không mang nhiều ý nghĩa về chuyên môn. Đóng góp của họ nơi đất khách gần như không có với tổng số trận có lẽ đếm trên đầu ngón tay. Công Phượng năm ấy ra sân tổng cộng 80 phút tại J.League 2, không ghi bàn nào trong tổng số 5 trận.

Việc các cầu thủ Việt Nam xuất ngoại, tìm thử thách ở môi trường mới nhưng gần như không có đóng góp gì vốn từng xảy ra nhiều trước khi Công Phượng hay Xuân Trường "qua bển". Nhìn lại các trường hợp ra nước ngoài thi đấu, người hâm mộ Việt Nam phần nào hiểu được việc các đội bóng nước ngoài đưa những cái tên này về chưa bao giờ chỉ vì chuyên môn đơn thuần.

Công Phượng phát tờ rơi ở ga tàu điện thời còn chơi cho Mito Hollyhock.

Công Phượng phát tờ rơi ở ga tàu điện thời còn chơi cho Mito Hollyhock.

Lê Huỳnh Đức là trường hợp đầu tiên khi anh chuyển sang chơi cho một đội bóng Trung Quốc năm 2001. Cuối cùng, người hâm mộ nhận ra chuyến xuất ngoại của Huỳnh Đức là một phần trong việc quảng bá cho một hãng xe máy du nhập vào Việt Nam.

Công Vinh, một tiền đạo hàng đầu Việt Nam khác, có phần đỡ hơn. Nếu như chuyến đi tới Leixoes năm 2009 chỉ đơn thuần là du học thì lần tới chơi cho CLB Consadole anh phần nào để lại dấu ấn.

Công Vinh thi đấu tổng cộng 380 phút cho Consadole, vào sân 9 trận, đá đủ 90 phút 3 trận, ghi 2 bàn thắng, kiến tạo 2 lần. Nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng đây là chuyến đi "thương mại", quảng cáo cho một thương hiệu bia sắp xuất hiện ở Việt Nam.

Những trường hợp khác như Hữu Thắng năm 2008, Việt Thắng 2004, Trung Tuấn năm 2003 thậm chí còn không được chú ý vì không có nhiều ý nghĩa chuyên môn. Thậm chí Samson mùa giải qua cũng không thể trụ được ở Thái Lan, cuối cùng phải trở về Buriram.

Những bàn thắng đáng nhớ của Công Phượng trong năm 2018 Trong màu áo câu lạc bộ HAGL và đội tuyển U23 Việt Nam, tiền đạo Công Phượng đã chơi khá tốt và ghi nhiều bàn thắng quan trọng.

Công Phượng phiên bản 2019 đã khác

Những cầu thủ Việt Nam liên tiếp không thành công ở môi trường bóng đá nước ngoài khiến người hâm mộ hiểu rằng chuyên môn của họ không đủ tốt để CLB chủ quản phải sử dụng. Đơn cử như trường hợp của Công Phượng năm 2016.

Trước khi sang Mito, Công Phượng mới 21 tuổi, có mùa giải chuyên nghiệp đầu tiên trong cuộc đời (đá 25 trận nhưng chỉ ghi được 6 bàn) và không được đá chính ở tuyển Quốc gia. Hành trang duy nhất Phượng có lúc ấy là sức hút cực lớn ở Việt Nam mà nhiều đàn anh không thể có được.

Ở thời điểm sang Mito Hollyhock, dấu ấn của Công Phượng ngoài Việt Nam gần như là con số 0. Ảnh: Minh Chiến.

Cả trong nước lẫn trường châu lục, dấu ấn chuyên môn Công Phượng rất mờ nhạt. Không tốt ở cả chuyên môn lẫn phong độ nên việc một đội bóng ở một nền bóng đá mạnh như Nhật Bản chiêu mộ anh vì lý do chuyên môn thì có phần không hợp lý.

Vậy câu hỏi được đặt ra là khi chuyên môn đủ tốt, cầu thủ Việt Nam liệu có thể mơ về bầu trời mới chứ không phải V.League?

Đầu tiên phải khẳng định, Công Phượng của hiện tại đã không còn là cầu thủ trẻ thiếu kinh nghiệm, ham rê dắt như 2 năm trước. Một năm qua, những dấu ấn chuyên môn của Công Phượng để lại rất rõ nét và nó phần nào khiến người ta phải tự hỏi liệu chuyến xuất ngoại này của anh có khác trước?

Tại V.League, Công Phượng vừa trải qua mùa giải chuyên nghiệp thứ 3, cũng là mùa bóng thành công nhất của anh từ trước tới nay. Anh ra sân 24 trận, ghi 12 bàn, có 2 kiến tạo. Trong màu áo đội tuyển, Công Phượng có đóng góp không nhỏ trong các chiến dịch từ U23 châu Á, ASIAD, AFF Cup và Asian Cup.

Công Phượng liên tục làm khổ hàng phòng ngự Nhật Bản. Ảnh: AFC.

Đặc biệt tại Asian Cup - giải đấu đẳng cấp cao nhất mà tuyển Việt Nam tham gia, tiền đạo sinh năm 1995 chơi ấn tượng với 2 bàn thắng, 1 lần góp công vào 1 bàn thắng khác và nhiều tình huống làm khổ hàng phòng ngự của á quân Nhật Bản. Nó cho thấy những gì chân sút này làm được không chỉ gói gọn ở trong nước, trong khu vực mà phần nào tiếp cận châu lục.

Sau hơn 2 năm, Công Phượng đã thay đổi như vậy. Những gì Công Phượng thể hiện ở Asian Cup cho thấy sau khi Anh Đức chia tay tuyển Quốc gia, Công Phượng xứng đáng là tiền đạo hàng đầu, dẫn dắt hàng công của Việt Nam. Chính HLV Park Hang-seo trong ngày Công Phượng ra mắt đội bóng mới cũng khẳng định: "Cậu ấy hiện là tiền đạo hay nhất Việt Nam bây giờ".

Màn trình diễn đầy nỗ lực của Công Phượng trước Nhật Bản Đối đầu Nhật Bản tại tứ kết Asian Cup 2019 tối 24/1, "số 10" của đội tuyển Việt Nam đã có trận đấu đầy cố gắng và tạo ra một vài tình huống rất đáng chú ý.

Nhiệm vụ tiên phong

Trong buổi họp báo ra mắt đội bóng mới, Công Phượng có nói thế này: "Tôi đã làm việc chăm chỉ. Tôi muốn đóng góp cho Incheon với tư cách một cầu thủ Việt Nam và sẽ không để mọi người thất vọng".

Những lời nói ấy khiến người hâm mộ phần nào cảm nhận được niềm vui của Công Phượng khi góp mặt tại đội bóng Hàn Quốc. Không vui sao được khi chính Công Phượng đã nói, anh phải rất nỗ lực để có mặt ở đây và quả thực, anh xứng đáng được như vậy.

Hành trình đến với Incheon của Công Phượng không hề dễ dàng. Để đến được K.League, Công Phượng đã trải qua 2 năm không ngừng cố gắng mà xuất phát điểm của nó chính là chuyến xuất ngoại tới Mito Hollyhock năm 2016. Đó là bài học để anh có được ngày hôm nay.

Nhưng được chơi bóng ở đây vẫn là chưa đủ.

Công Phượng nở nụ cười tự tin trong ngày ra mắt Incheon United. Ảnh: Naver.

Hơn ai hết, chính Công Phượng hiểu rằng anh phải nỗ lực chứng tỏ bản thân mình tới chơi bóng cho Incheon hoàn toàn vì chuyên môn chứ không phải lý do nào khác

Nhưng bên cạnh đó, Công Phượng còn gánh trên vai nhiệm vụ là người đi đầu. Anh không phải là người đầu tiên xuất ngoại nhưng với những gì đã thể hiện, Công Phượng có thể trở thành cầu thủ Việt Nam đầu tiên gặt hái thành công ở miền đất mới - điều mà những tượng đài như Công Vinh, Huỳnh Đức hay chính anh chưa làm được.

Nói cách khác, ngoài chứng minh bản thân thì Công Phượng phải cho thấy cầu thủ Việt Nam hoàn toàn có thể chơi được ở những môi trường bóng đá đẳng cấp cao. Thành công của anh, nếu đạt được, sẽ là tiền đề để những cầu thủ tiếp theo của bóng đá Việt mạnh dạn đặt chân tới những nền bóng đá có đẳng cấp cao hơn.

Công Phượng vì thế gánh trên vai nhiệm vụ lớn của một người đi tiên phong. Chắc chắn trong 1 năm tới, sẽ có rất nhiều khó khăn chờ đón chân sút này.

Nhưng chẳng phải những hậu vệ hàng đầu châu lục của Nhật Bản đã bị Công Phượng làm khổ hay sao? Khó, nhưng Phượng với sự nỗ lực và khả năng đã được minh chứng hoàn toàn có thể làm được.

"Tôi không lo lắng về khả năng của Công Phượng. Cậu ấy có tâm lý vững vàng và sẽ vượt lên chính mình", trích lời HLV Park Hang-seo.

Công Phượng: 'Tôi muốn tìm suất thi đấu ở Incheon United' Tiền đạo của HAGL chưa nghĩ về suất đá chính, nhưng rất quyết tâm tạo dấu ấn với huấn luyện viên CLB Incheon United để được thi đấu nhiều hơn.

Phúc Long

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/cong-phuong-toi-incheon-va-tren-vai-su-menh-thay-doi-qua-khu-post916536.html