Công Phượng lùi lại và HAGL tiến lên

Quyền uy và tài năng của Kiatisuk đang thay đổi Công Phượng, thay đổi hàng thủ HAGL và biến đội bóng phố núi thành cỗ máy không thể ngăn chặn ở V.League 2021.

Từ thua CLB Sài Gòn trong ngày mở màn tới chuỗi 4 chiến thắng liên tiếp, từ thắng sát nút SLNA tới đè bẹp đội TP.HCM, từ một điểm ở Hà Tĩnh tới kéo sập pháo đài Hàng Đẫy, từ Công Phượng tịt ngòi tới nổ súng liên tục, HAGL của Kiatisuk Senamuang đang khiến cả V.League phải cúi đầu.

Mọi thứ, từ vị trí trên BXH, thông số thi đấu tới giải thưởng tập thể, cá nhân, đều cho thấy HAGL là không thể ngăn cản ở thời điểm này.

 HAGL đang thể hiện phong độ ấn tượng tại V.League 2021. Ảnh: Minh Chiến.

HAGL đang thể hiện phong độ ấn tượng tại V.League 2021. Ảnh: Minh Chiến.

Lỳ lợm và đa dạng

Trước thềm cuộc đối đầu tâm điểm tại vòng 8 V.League 2021, HLV Lê Huỳnh Đức và Đà Nẵng hiểu rõ sức mạnh của HAGL. Bởi thế, dù có lợi thế sân nhà, họ vẫn không dám tấn công dồn dập. HAGL cũng hiểu áp lực từ hơn 20.000 khán giả ở Hòa Xuân, nên lựa chọn giải pháp phòng ngự phản công. Lựa chọn chặt chẽ từ cả hai đội khiến hiệp một gần như không có tình huống đáng kể nào.

Thế bế tắc lẽ ra sẽ được phá vỡ sớm hơn nếu HAGL có Lương Xuân Trường, người đủ khả năng tung ra những đường chuyền đột biến từ sân nhà cho Nguyễn Văn Toàn. Đó cũng là phương án tấn công từng nhiều lần được ông Park Hang-seo áp dụng ở tuyển Việt Nam. Nhưng tại Hòa Xuân, Xuân Trường ngồi ngoài.

Cục diện cù cưa ấy chưa từng là điểm mạnh của HAGL. Kịch bản quen thuộc trong quá khứ là HAGL cố gắng kiểm soát bóng, lao về phía trước theo thói quen trước khi dính đòn phản công và bại trận.

Nhưng tại Hòa Xuân, điều đó không xảy ra. HAGL của Kiatisuk tỏ ra là đội bóng biết mình, biết người.

Thực tế chứng minh Kiatisuk đã đúng. Không cần người phát động Xuân Trường, HAGL vẫn thắng nhờ 2 tình huống tỏa sáng của Văn Toàn và Nguyễn Công Phượng.

Cả hai đều là những pha bóng theo kiểu tình huống, không phải phong cách ban bật, không đến từ thế trận kiểm soát, áp đảo. Bàn đầu tiên là một cú sút xa hiếm thấy từ Văn Toàn, bàn thứ hai là quả phạt đền tới sau một tình huống phạt góc.

90 phút ở Hòa Xuân giống hệt 90 phút ở Hà Tĩnh. Nhưng khác với lần đó, HAGL tự tin hơn rất nhiều. Khi không thể thắng bằng thế trận, những ngôi sao của HAGL vẫn giải quyết được trận đấu bằng sự đột biến cá nhân.

So với quá khứ, HAGL hiện nay đủ đa dạng để nhập trận theo nhiều cách khác nhau, đủ lỳ lợm để chơi giằng co với đối thủ và quan trọng nhất, đủ lạnh lùng để giành chiến thắng.

Sự lỳ lợm là điều HAGL thể hiện rõ ở mùa giải năm nay. Đồ họa: Minh Phúc.

Điểm tựa hàng thủ

Nhưng điều gì đã giúp HAGL dám chơi cù cưa kiểu đó trên sân khách?

Muốn đá kiểu đó, các đội bóng phải có một tuyến phòng ngự mạnh. Trước khi Văn Toàn mở tỷ số, cục diện trận đấu giống như một cuộc thi gan giữa HAGL và Đà Nẵng. Hai bên chờ đợi nhau xem bên nào sẽ đứng vững lâu hơn, hai hàng thủ thử sức nhau xem bên nào sẽ phạm sai lầm trước. Và cuối cùng, HAGL là người thắng.

Kịch bản ấy chưa từng ưu ái HAGL trong quá khứ, nhưng đã được họ lặp đi lặp lại nhiều lần ở mùa giải 2021. Trước đó, HAGL cũng lì lợm thi gan cùng CLB TP.HCM và đội Viettel. Cả hai trận, họ đều ghi bàn sau phút 30.

Các bàn thắng của Công Phượng và Văn Toàn rất ấn tượng. Nhưng chính hàng thủ mới điều giúp HAGL “thay da đổi thịt” ở mùa giải này.

Lần gần nhất, đội bóng phố núi thua bàn là trước CLB Bình Định tại vòng 3 V.League 2021. 5 trận vừa qua, Huỳnh Tuấn Linh không một lần phải vào lưới nhặt bóng, trong đó, có 4 trận diễn ra trên sân khách. HAGL có hàng công mạnh nhất giải đấu (14 bàn), nhưng hàng thủ mới đem tới sự khác biệt (thua ít nhất với 3 bàn).

Điều gì đã thay đổi hàng thủ HAGL?

Hãy kể một câu chuyện để hiểu hơn về đội bóng này. Trước thềm giải U19 Quốc tế 2014 ở TP.HCM, một đài truyền hình làm một đoạn phim quảng cáo về HAGL với hình ảnh đại diện là 4 cầu thủ Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh và Đông Triều.

Đó cũng là 4 cầu thủ Gia Lai được sang Arsenal thử việc hồi năm 2012, có vị thế cực lớn tại HAGL và U19 Việt Nam, được mô tả như tương lai của nền bóng đá. Trong lứa U19 ấy, Đông Triều chắc suất đá chính dù đội tuyển sở hữu không ít trung vệ giỏi như Lục Xuân Hưng, Hoàng Văn Khánh...

Chuyện của Đông Triều ở U19 năm ấy phản ánh tư tưởng dùng người của HAGL trong một giai đoạn dài sau này. Chừng nào những cầu thủ trưởng thành từ lứa JMG và Năng khiếu còn đủ sức, HAGL luôn ưu ái suất đá chính cho họ. Ở tuyến trên, tư tưởng ấy không tạo thành vấn đề. Nhưng tại hàng thủ, điều đó luôn cản bước HAGL.

Hàng phòng ngự là điểm tựa vững vàng của HAGL. Ảnh: Quang Thịnh.

Xuyên suốt 6 mùa giải đã qua, HAGL chưa từng có đủ hậu vệ giỏi. Mùa 2020, HAGL có A Hoàng đá chính ở hàng thủ. Mùa 2019, Nguyễn Hữu Anh Tài, Lê Đức Lương, Lê Văn Sơn được trao cơ hội...

A Hoàng, Anh Tài, Đức Lương, Văn Sơn... không phải những cầu thủ phòng ngự đẳng cấp. Bằng chứng là họ hiếm khi hiện diện tại các đội tuyển Việt Nam. Nhưng vì nhiều yếu tố, họ vẫn ở đó, vẫn đứng trong hàng thủ HAGL.

Mùa 2021, điều đó đã thay đổi. Ba hợp đồng quan trọng của HAGL đều nằm ở hàng thủ, đều là các tuyển thủ quốc gia (Tuấn Linh, Nguyễn Hữu Tuấn và Nguyễn Văn Việt).

Sự đầu tư ấy chưa từng xuất hiện trong 6 năm qua và ngay lập tức mang tới hiệu quả. Hữu Tuấn cùng 2 trung vệ ngoại Damir Memovic và Kim Dong-su hợp thành hàng thủ hay nhất V.League 2021. Ngược lại với đội TP.HCM ưu tiên 3 ngoại binh cho hàng công, HAGL dồn nguồn lực quan trọng ấy cho hàng thủ.

Nếu không tính hai cánh của Vũ Văn Thanh và Nguyễn Phong Hồng Duy mang thiên hướng tấn công trong hệ thống 3-4-3, toàn bộ hàng thủ, gồm cả thủ môn Tuấn Linh, đều không tới từ hệ thống đào tạo của Gia Lai. Đó thực sự là một cuộc cách mạng. Không rõ thay đổi ấy có chịu tác động từ Kiatisuk không, nhưng rõ ràng, ông đang hưởng lợi từ điều đó.

"Cách mạng" ở vị trí của Công Phượng

Cuộc cách mạng thứ hai ở HAGL liên quan tới vị trí của Công Phượng. Từ ngày còn ở U19 cho tới khi lên chuyên nghiệp, dù tại CLB hay đội tuyển Việt Nam, khi thăng hoa tại V.League hay lúc bế tắc ở giải Bỉ, Phượng chưa từng rời khỏi hàng công. Vậy mà Kiatisuk đã kéo anh khỏi vị trí đó.

Có thể tưởng tượng được những ngạc nhiên từ Công Phượng và HAGL khi Kiatisuk đưa ra quyết định ấy. Những băn khoăn càng trở nên lớn hơn khi tiền đạo này tịt ngòi liên tiếp trong 4 vòng. Trước những chỉ trích tất nhiên ập đến, Kiatisuk mỉm cười ở phòng họp báo sau trận gặp Hà Tĩnh. Ông bảo: “Cứ chờ xem”.

Ngay trận kế tiếp, Công Phượng ghi bàn. Và khi đã nổ súng, anh không dừng lại. Tiền đạo tuyển Việt Nam có 3 bàn trong 4 trận kế tiếp, cùng với Văn Toàn (5 bàn) tạo thành cặp tấn công đáng sợ nhất giải đấu.

Hãy thử nghĩ xem, nếu không phải Kiatisuk, nếu không được bầu Đức trao quyền trượng, HLV khác có dám đối xử với “quốc bảo” của HAGL, ngôi sao của tuyển Việt Nam theo cách ấy? Ai sẽ thuyết phục Phượng hạ mình, hạn chế cái tôi? Ai bảo được Phượng lùi về tuyến sau? Ai đủ quyền lực, đủ uy tín để Phượng tin rằng anh vẫn có thể chơi tốt tại vị trí xa lạ? Chỉ có thể là Kiatisuk.

Nhưng điều thú vị là HAGL hôm nay chưa phải phiên bản hay nhất của họ khi Nguyễn Tuấn Anh vẫn chấn thương. Kiatisuk đã rất thành công trong việc khơi dậy khát vọng chiến thắng, dựng lại hàng thủ vốn xộc xệch cũng như khai phá Công Phượng ở vị trí mới. Những thay đổi của “Sắc” đã giúp HAGL đè bẹp các đối thủ, xô đổ nhiều kỷ lục, thiết lập những cột mốc mới chỉ sau 8 vòng.

Họ có lẽ chỉ cần thêm một chiến thắng nữa, để được thừa nhận, để dám tự tin nói về ngôi vô địch. Đó là cuộc đối đầu với CLB Hà Nội, ông hoàng của bóng đá Việt Nam một thập niên qua, tại vòng 10.

Nếu vượt qua đối thủ này, có lẽ không còn ai ở V.League đủ sức ngăn cản HAGL.

Highlights Đà Nẵng 0-2 HAGL Văn Toàn và Công Phượng lần lượt ghi bàn giúp thầy trò huấn luyện viên Kiatisuk Senamuang trở lại ngôi đầu bảng V.League sau vòng 8 chiều 8/4.

Minh Chiến

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cong-phuong-lui-lai-va-hagl-tien-len-post1202662.html