Công Phượng kinh doanh và trào lưu cầu thủ Việt làm kinh tế

Đính hôn với con gái của một gia đình danh giá, mở công ty riêng trong khi vẫn đang đầy hoài bão lớn lao cùng bóng đá, Công Phượng thuộc nhóm cầu thủ Việt biết 'chơi bóng bằng đầu'. Những đồng tiền tích lũy từ sân cỏ được đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau, như một sự đảm bảo cho tương lai.

Công Phượng hứng thú tập tành kinh doanh với tôn chỉ "buôn có bạn, bán có phường". Ảnh: Kenh14.vn

Công Phượng cũng như phần đông các cầu thủ bóng đá, có một tuổi thơ vất vả, cha mẹ nhọc nhằn mưu sinh và bản thân phải nỗ lực đêm ngày. Điều may mắn cho Phượng là anh trưởng thành ở lò đào tạo HAGL, nơi bầu Đức bắt lũ trẻ học đạo đức thậm chí còn khắt khe hơn bóng đá.

Bởi vậy, khi có danh tiếng và tiền bạc, một phần thu nhập anh gửi về cho bố mẹ sửa sang nhà cửa, ổn định cuộc sống ở quê nhà Đô Lương (Nghệ An). Một phần, anh tự tìm hướng đầu tư bằng cách mở một quán cafe ở Gia Lai.

Trên đỉnh cao nhiều gió, Công Phượng không phải không vướng vào những scandal cả trên sân cỏ lẫn đời tư. Nhưng anh điềm tĩnh vượt qua tất cả, để trả lời dư luận bằng những bước tiến thầm lặng trong sự nghiệp. Phượng có thể không thành công khi du học ở Nhật, ở Bỉ, nhưng kinh nghiệm quốc tế giúp anh khi trở lại có chỗ đứng vững vàng ở đội tuyển Việt Nam và V-League. Dù là HAGL hay đội bóng mới CLB thành phố Hồ Chí Minh, Phượng đều khẳng định vai trò trụ cột.

Và cũng thầm lặng như trên sân bóng, anh ghi những bàn thắng quan trọng cho cuộc đời mình. Có một người vợ con nhà gia thế, có thêm một công ty tư nhân chuyên về lĩnh vực thể thao và thời trang, Công Phượng thuộc nhóm những cầu thủ có thể chơi bóng mà không phải “nặng đầu” lo kinh tế.

Lúc này, thế hệ Công Phượng có thể tạm coi là một thế hệ cầu thủ văn minh. Họ ít dính chuyện thị phi, trụy lạc. Thay vào đó là những hình ảnh người chồng, người cha chí thú, căn cơ, biết cách dùng đồng tiền bóng đá để sinh lời.

Trung vệ Bùi Tiến Dũng sau năm 2018-2019 thành công ở các cấp độ đội tuyển đã có một cơ ngơi vững chãi cho mình là quán cafe bóng đá. Hồng Duy thì rất biết lấy tên tuổi của mình để “đánh bóng” cơ hội bán hàng mỹ phẩm online. Văn Toàn, Duy Mạnh, Quang Hải cũng đều chỉ cần vài năm thành danh để có khối tài sản đủ để yên tâm cống hiến.

Nhìn về quá khứ, không nhiều cầu thủ nội có được đường đi nước bước chín chắn và khôn ngoan. Thời tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2008 và nhận được mưa tiền thưởng, lót tay, lương tháng cao ngất, số cầu thủ giàu tăng vọt nhưng người sang thì vẫn hiếm hoi.

Tiền đạo Anh Đức thuộc diện “đột biến” thời bấy giờ bởi có tư duy kinh tế rành mạch ngay từ khi còn rất trẻ. Cả sự nghiệp, Anh Đức chỉ ở Bình Dương, và “điền thổ” của anh cũng gắn liền với mảnh đất này. Anh Đức đá bóng chưa chắc nhiều tiền bằng những ngôi sao cùng thời, nhưng anh biết dùng tiền đúng chỗ. Anh mở shop thể thao, vợ anh quản lý nhà hàng, làm đại lý cho một vài thương hiệu mới đổ bộ vào Việt Nam lúc đó… Kết quả là khi cùng thầy Park Hang-seo vô địch AFF Cup 2018, “lão tướng” Anh Đức xuất hiện với tư cách một… doanh nhân kiêm tiền đạo.

Có một điều đặc biệt là hầu hết những cầu thủ biết chắt chiu vốn liếng từ bóng đá đều có chung vị trí: Thủ môn. Cựu tuyển thủ Thế Anh, Quang Huy, Tấn Trường là những người khai mở sân cỏ nhân tạo cho bóng đá phong trào. Thế Anh đi khắp Bắc – Nam, Quang Huy triển khai mạng lưới của anh ở quê nhà Nam Định, còn Tấn Trường “phủ sóng” thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Tháp…

Một cái tên không thể không nhắc đến, là Công Vinh. Dù khá im hơi lặng tiếng gần đây, Vinh luôn được trân trọng bởi ý thức nghề nghiệp và đầu óc nhạy bén làm kinh tế. Khi chơi bóng, Công Vinh luôn là trường hợp đặc biệt đến mức “cá biệt” bởi những tiêu chuẩn hà khắc mà anh tự đề ra trong việc răn mình và chơi với bạn. Khi giải nghệ, anh cũng khiến nhiều người sững sờ bởi thứ tư duy quản lý bóng đá, một bước lên hàng Chủ tịch câu lạc bộ…

Gây dựng những trung tâm “gõ đầu trẻ” dạy bóng đá phong trào cũng là hướng đi được nhiều cựu cầu thủ lựa chọn. Nữ có Ngọc Châm, nam có Như Thuần, Bảo Khanh, Danh Minh, kể cả tay chơi khét tiếng một thời Vũ Như Thành khi đứng tuổi cũng quay về dạy bóng đá.

Đá bóng là một nghề rất bạc, lại lắm rủi ro. Yêu nghề và biết hoạch định tương lai, những người tử tế như Công Phượng, Công Vinh, Anh Đức… sẽ là tấm gương cho ngày càng nhiều cầu thủ trẻ học hỏi và phấn đấu.

Anh Đức

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/bong-da/969319/cong-phuong-kinh-doanh-va-trao-luu-cau-thu-viet-lam-kinh-te