Công Phượng đi Tây, điếu cày thanh thản

Với những người nông dân quê Công Phượng, khi việc đồng áng đã xong, rít điếu cày bên bình trà chờ bội thu thế là thanh thản.

Với người phố Núi, chỉ cần Phượng được người Bỉ đón nhận, thế cũng đã là thành công để mà thanh thản…

Điếu cày là thanh thản

Hợp đồng của Nguyễn Công Phượng với Sint Truiden có thời hạn đến mùa hè năm 2020. Sau đó thì sao? Liệu Phượng có tiếp tục gắn bó với Sint Truiden hoặc chuyển đến một CLB châu Âu khác tốt hơn, hoặc liệu nỗ lực của Phượng có giúp anh đạt đẳng cấp chuẩn châu Âu hay không? Đó là mùa Hè 2020.

Mùa Hè 2020 cũng là thời điểm quê của Phượng - xã Mỹ Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An) với gần 6 nghìn con người hướng đến mục tiêu… đạt chuẩn nông thôn mới.

Ở cái xã thuần nông mà gia đình Công Phượng là một trong 1.420 hộ ấy, có Khu Di tích lịch sử Quốc gia Chiến thắng Truông Bồn, có danh hiệu Anh hùng LLVT, có chợ cóc và dĩ nhiên không có những khách sạng hạng sang tầm Phương Đông như ở thành Vinh.

Liệu năm 2020 Mỹ Sơn có đạt đích Nông thôn mới? Người quan tâm hơn cả có lẽ là Đảng bộ xã - những người đề ra mục đích ấy và phải đạt được mới thanh thản được.

Dân đương nhiên ủng hộ nhưng cái quan tâm lớn nhất của họ - những người thuần nông có lẽ ruộng đồng tốt tươi, có thêm nghề phụ, thêm thu nhập để khi việc đồng áng xong xuôi thì các bà "gọi nhau râm ran chè xanh", các ông quây quần với cái điếu cày để rít hơi thuốc lào. Đời thế là thanh thản.

Nhưng ở Mỹ Sơn, đâu chỉ có chuyện đồng áng là đáng bàn? Họ - khoảng 6 nghìn người, không bao giờ nói chuyện "Phương Đông" hay phương Tây, Mường Thanh, Mường Tè hay Mường Lát. Những con người như ông Nguyễn Công Sáng (49 tuổi) - được cho là phát hiện ra tài năng của Công Phượng sớm nhất khi "thằng Phượng mới vài tuổi ranh còn đá bóng rơm thời chăn trâu dưới chân đồi Yên Ngựa" thì vẫn bàn chuyện "thằng Phượng", về cái xứ này sẽ còn bao nhiêu "thằng Phượng" nữa… trong làn khói vần vũ như phượng bay của làn khói thuốc lào…

Nói nông nhàn là vậy. Cứ đồng áng hết mình chờ bội thu, trước khi thoải mái bên cái điếu cày phiếm đàm về "thằng Phượng". Đấy là thanh thản.

Phố Núi cũng… thanh thản

Chưa bao giờ người ta thấy bầu Đức nói nhiều đến như vậy, trong cái ngày chia tay Công Phượng ở TP.HCM để chuẩn bị cho hành trình sang Bỉ, chuẩn bị cho một bước ngoặt mới. Ông Đức nói rất nhiều. Dám chắc, nói xong, ông… thanh thản.

Nói gì khiến ông bầu phố Núi tuy không hút điếu cày như ông Nguyễn Công Sáng quê Phượng mà cũng có thể thanh thản? Thiên hạ biết cả rồi: "Thằng Phượng nó có tội gì đâu?".

Phượng sang Tây dự bị? Nhiều chuyên gia bóng đá không ảo tượng đều khẳng định điều đó, cầu thủ Việt Nam là ai mà đòi sang Bỉ đá chính ngay. Nên để khẳng định được vị trí, Phượng sẽ phải nỗ lực hơn rất nhiều những chàng trai châu Á khác mà người Nhật đưa sang Sint Truiden như Kosuke Kinoshita, Wataru Endo hay Yuta Koike.

Sint Truiden càng không "đủ tuổi nói chuyện" với Anderlecht, Club Brugge hay Standard Liege. Phượng có thể phải tham gia một cuộc chiến trụ hạng ở Jupiler Pro League.

Nhưng đến bọn trẻ con nghe người lớn rít điếu cày tám chuyện ở Mỹ Sơn cũng hiểu, rằng Jupiler Pro League là một giải đấu đẳng cấp khác tầm V.League. Nhưng cái khác lớn nhất, đó là cuộc chiến sòng phẳng và công bằng.

Trong cuộc chiến sòng phẳng đó, kẻ yếu, kẻ không có động lực tất thất bại và tuyệt nhiên không có cái gọi là "5 thằng ốm đánh 1 thằng mập". Và trong cuộc chiến công bằng như vậy, kẻ bại sẽ có những bài học để mà trưởng thành. Vậy thì việc Phượng được Sint Truiden chào đón là thành công hay thất bại?

Bầu Đức nói nhiều, rồi xong, rồi thành thản. Còn Công Phượng? Bỏ lại sau lưng cuộc chiến của "5 thằng ốm và 1 thằng mập", Phượng đi trong tâm thế của một kẻ thanh thản…

Na Miên

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cong-phuong-di-tay-dieu-cay-thanh-than-20190712135954967.htm