Công phá thị trường rạp chiếu phim Việt: CGV là công thần hay tội đồ?

Nhiều năm qua, CGV liên tục bị các đối thủ ở Việt Nam 'tố cáo' độc quyền trên thị trường rạp chiếu phim. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, sự có mặt của CGV đã khiến thị trường phim Việt sôi động hơn; mặt khác, do chính sách bảo hộ trong nước, CGV cũng đã phải gồng mình để cạnh tranh.

Chi đậm để giành thị phần

Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam (mã chứng khoán: PNC) đã công bố tài liệu lấy ý kiến cổ đông về việc chuyển nhượng 12,5% vốn điều lệ Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam với giá 160 tỷ đồng, để giảm tỷ lệ sở hữu tại CJ CGV xuống còn 7,5%.

Động thái này được Phương Nam đưa ra trong bối cảnh kết quả kinh doanh của Công ty khá “bết bát” trong nhiều năm qua, cùng với khoản nợ 7 triệu USD sắp đến ngày đáo hạn mà chưa có nguồn chi trả. Được biết, đơn vị nhận chuyển nhượng phần vốn góp của Phương Nam là Công ty cổ phần Đầu tư Kim Cương Đen - một công ty mới được thành lập từ 26/4/2018 với vốn điều lệ 120 tỷ đồng.

Chuỗi rạp CGV được đầu tư mới, âm thanh sống động, có chỗ để người ngồi chờ xem suất phim như quán cà phê…

Chuỗi rạp CGV được đầu tư mới, âm thanh sống động, có chỗ để người ngồi chờ xem suất phim như quán cà phê…

Giới phân tích cho rằng, việc Phương Nam thoái vốn cũng đồng nghĩa với việc CGV đẩy mạnh thị phần khu vực TP.HCM. CGV đang tạo khoảng cách cạnh tranh khá xa so với các rạp cùng khu vực.

Cuối năm 2017, ông Sim Joon Beom, Tổng giám đốc CJ CGV đã công bố kế hoạch sẽ rót thêm 200 triệu USD đầu tư vào Việt Nam trong giai đoạn 2018 - 2020, kèm theo mục tiêu đưa Việt Nam vào top 5 quốc gia có nền điện ảnh phát triển.

Thời điểm đó, CGV đang vận hành 54 hệ thống cụm rạp (trong tổng 144 hệ thống cụm rạp của cả nước) với 324 phòng chiếu tại 19 tỉnh, thành phố, với tổng kinh phí đầu tư hơn 200 triệu USD.

Sau sự rút lui của cụm rạp Platinum vào đầu năm 2017, CGV, Lotte và một số cụm rạp mới đã vươn lên để chiếm khoảng trống bỏ lại. Thực tế, để giành thị phần gần như tuyệt đối tại thị trường Việt Nam, CJ CGV Việt Nam và Lotte Cinema đều đã “chi đậm” từ lúc bắt đầu gia nhập thị trường bằng việc liên tục rót tiền để mở rộng số lượng cụm rạp.

Liên tục bị “tố”

Chính những động thái đầu tư mạnh mẽ của CGV cùng với những gì đã làm được ở thị trường Việt Nam khiến Hiệp hội Phát hành và phổ biến phim Việt Nam và một số đối thủ nhiều lần lên tiếng “tố cáo”.

Mới đây, Hiệp hội này đã có văn bản gửi Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) với nội dung: điện ảnh Việt Nam đang đối diện với âm mưu thôn tính của công ty nước ngoài. Trong đó, Hiệp hội chỉ đích danh Tập đoàn CJ (Hàn Quốc), thông qua nhiều phương thức khác nhau, đã thực hiện hoạt động tập trung kinh tế với một số doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh trong ngành sản xuất phim, phát hành phim và rạp chiếu phim.

Theo Hiệp hội Phát hành và phổ biến phim Việt Nam, Tập đoàn CJ thông qua các công ty con đã nắm giữ 40% rạp chiếu phim và hơn 60% thị phần phát hành phim. Vì vậy, việc tập trung kinh tế với doanh nghiệp khác trong cùng lĩnh vực đương nhiên thuộc phạm vi điều chỉnh và thậm chí có thể vi phạm điều cấm của Luật Cạnh tranh.

Do đó, Hiệp hội đề nghị Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng tiến hành điều tra, xác minh, làm rõ các dấu hiệu vi phạm các quy định của Luật Cạnh tranh về tập trung kinh tế nhằm ngăn chặn nguy cơ thị trường và nền điện ảnh Việt Nam bị nước ngoài lũng đoạn.

Đây không phải lần đầu CGV gặp phải những tố cáo. Năm 2016, CGV từng bị 8 nhà sản xuất, phát hành phim trong nước (gồm: BHD, Galaxy, Skyline, Golden Media, Saigon Media, MVP, Early Risers và Công ty VAA) khiếu nại với Hiệp hội Điện ảnh về việc ăn chia thiếu công bằng, bất hợp lý tại các cụm rạp của mình.

Theo đó, phim Việt Nam do CGV phát hành tại hệ thống rạp khác có ty lệ ăn chia là 55/45 (CGV hưởng 55%). Trong khi đó, phim Việt Nam do các doanh nghiệp trong nước phát hành tại hệ thống CGV, tỷ lệ vẫn là 45/55 (chủ phim chỉ hưởng 45%). Các doanh nghiệp cũng khiếu nại, CGV ủng hộ các phim do Hàn Quốc sản xuất với số lượng nhiều hơn, thời gian vào các khung giờ vàng lâu hơn.

CGV ngay lập tức đưa ra thông cáo phản bác. Sau đó, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cũng khẳng định 8 doanh nghiệp nói trên không đủ bằng chứng để khiếu nại CJ CGV Việt Nam và chưa tuân thủ đúng thủ tục khiếu nại vụ việc cạnh tranh, các thông tin nêu trong đơn chưa rõ ràng, đầy đủ và chưa có các bằng chứng kèm theo. Vụ việc chìm dần, không có hướng giải quyết hay thông tin mới nào được đưa ra.

Đến năm 2017, Hiệp hội Phát hành và phổ biến phim Việt Nam lại “tố” CGV là doanh nghiệp thống lĩnh thị trường với hơn 40% thị phần rạp chiếu và hơn 60% thị phần phát hành phim điện ảnh tại Việt Nam.

“Theo quy định của Luật Điện ảnh và cam kết WTO, nhà đầu tư nước ngoài không được sở hữu quá 51% vốn điều lệ tại các doanh nghiệp phát hành, phổ biến phim. CGV là doanh nghiệp có 80% vốn đầu tư nước ngoài (đầu tư trong giai đoạn trước khi Việt Nam gia nhập WTO), do vậy, chỉ được phép kinh doanh trong một số lĩnh vực hạn chế đã đăng ký, không được phát hành phim Việt Nam”, Hiệp hội này cho hay.

Một số luật sư cho rằng, CGV có hành vi kinh doanh trái phép, không đúng với giấy phép kinh doanh hạn chế đã có để thu lợi bất chính lớn trong một thời gian dài. Ước tính, doanh thu bán vé từ các phim Việt Nam do CGV phát hành từ năm 2015 đến hết quý III/2017 là 881,6 tỷ đồng.

Mức độ ảnh hưởng của CGV ngày càng lớn khi thị phần và kết quả kinh doanh tiếp tục tăng trưởng. Năm 2017, CGV Việt Nam đạt doanh thu 130,6 tỷ won (tương đương gần 2.800 tỷ đồng). Trung bình, mỗi ngày chuỗi rạp này thu về hơn 7,6 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt hơn 6,5 tỷ won (gần 140 tỷ đồng).

Sôi động thị trường phim Việt

Năm 2011, Công ty CJ CGV (Hàn Quốc) đã chiếm quyền khống chế tại MegaStar thông qua việc mua lại 92% cổ phần của Công ty Envoy Media Partners, nhưng đến cuối năm 2013, CJ mới chính thức chuyển đổi thương hiệu MegaStar tại Việt Nam thành CGV.

Giới chuyên môn am hiểu về thị trường phim Việt Nam cho rằng, thực ra CGV đầu tư ở Việt Nam cũng bị thiệt thòi. Do chính sách bảo hộ, ưu tiên các rạp phim trong nước, những phim nào Galaxy mua bản quyền thì sau 7 - 10 ngày, CGV mới được chiếu. Trong khi đó, những phim do CGV sản xuất thì các rạp khác đều có cùng lúc để bán vé lấy doanh thu. Đó là chưa kể, mức thuế doanh nghiệp CGV phải chịu cao hơn so với doanh nghiệp trong nước.

Thực tế, nhờ CGV mà gần đây, phim Việt Nam sôi động hẳn lên. Giai đoạn 2013-201, CGV phát hành 4 trong số 10 phim Việt có doanh thu cao nhất. Đáng chú ý, các phim này đều do chính diễn viên Việt Nam đóng, với những vai diễn để đời. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam làm phim phát hành gần đây thường chạy theo lợi nhuận, ít chú trọng nội dung.

Cũng phải nói thêm, các bộ phim thành công của CGV đều là phiên bản làm lại của Hàn Quốc, nhưng đó là hướng đi của “ông lớn” này. Điều đó cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam cũng nên tập trung vào nội dung cốt lõi nhiều hơn là chạy theo lợi nhuận. Thậm chí, có quan điểm còn cho rằng, nếu cứ mải mê theo đuổi các vụ kiện cáo, thì doanh nghiệp điện ảnh Việt Nam sẽ còn bị bỏ lại phía sau xa hơn.

CGV đang có kế hoạch IPO trên sàn giao dịch chứng khoán Hàn Quốc để huy động vốn nhằm củng cố vị trí thống trị trên thị trường Đông Nam Á. Tập đoàn mẹ CJ đang nhắm mục tiêu vào khu vực này vì mức lợi nhuận hứa hẹn trong tương lai, trong đó, Việt Nam được coi là “vùng lõi”. Theo đó, mỗi năm, CGV sẽ mở thêm 12-15 cụm rạp, trong đó có 4-5 cụm rạp tại các tỉnh, thành phố xa các khu vực trọng điểm.

Theo ông Sim Joon Beom, CGV là doanh nghiệp được thành lập tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam và cần được đối xử công bằng. Việc phân biệt doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có thể gây ra những hiểu lầm đáng tiếc về môi trường đầu tư ở Việt Nam.

Anh Hoa

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/cong-pha-thi-truong-rap-chieu-phim-viet-cgv-la-cong-than-hay-toi-do-d84452.html