Công nhân với nỗi lo thực phẩm nhiễm khuẩn E.coli tràn lan

Kết quả xét nghiệm trên 150 mẫu thịt heo, gà tại 5 tỉnh, thành khu vực Miền Đông Nam bộ do Viện Pasteur TPHCM thực hiện đã khiến cho CNLĐ và người dân không khỏi giật mình khi cả 100% mẫu này bị nhiễm khuẩn E.coli vượt giới hạn cho phép.

Thịt heo bày bán bên vệ đường không đảm bảo vệ sinh an toàn.Ảnh: HUYỀN TRÂN

Công nhân đối mặt với thực phẩm nhiễm khuẩn

Phóng viên có mặt tại chợ tự phát trên đường Nguyễn Xí (phường 13, quận Bình Thạnh, TPHCM) và ghi nhận hai bên đường là hàng loạt những điểm thực phẩm như thịt lợn, gà, vịt, cá được bày bán trong điều kiện hết sức nhếch nhác, dơ bẩn. Tại một số khu vực chợ gần các KCN Tân Bình, KCN Tân Tạo, KCX Linh Trung - nơi có đông CNLĐ, tình trạng thịt heo, gà, cá cũng được bày bán tràn lan rất mất vệ sinh, ruồi nhặng bu đầy, bụi bặm, nước làm cá, chặt thịt đổ tràn ra cả đường.

Chị Nguyễn Thị Lý (quê Thanh Hóa, đang làm công nhân may tại KCN Tân Bình), sau giờ tan ca ghé ngang chợ Tân Trụ, chia sẻ: “Em ở trọ gần đây, sau khi tan ca em tranh thủ ghé mua một tí thịt hay cá về nấu ăn. Chủ yếu mình nhìn bằng mắt thường để cảm nhận thịt, cá có tươi không thôi, chứ thật tình làm sao biết được trong miếng thịt, con cá này có bị nhiễm hóa chất hay vi khuẩn không. Khi mua về, mình chịu khó rửa sạch và nấu chín kỹ thì sẽ hạn chế phần nào”.

Tương tự, gần các KCN Biên Hòa 1, Nhơn Trạch 1, 2 (Đồng Nai) hay KCN Bàu Bàng, Bình An (Bình Dương) cũng xuất hiện những khu chợ buôn bán thực phẩm chủ yếu phục vụ đối tượng công nhân, tuy nhiên các nguồn thực phẩm phần lớn không rõ nguồn gốc, điều kiện buôn bán cũng nhếch nhác, mất vệ sinh.

Không riêng những khu chợ tự phát, ngay cả những chợ truyền thống hiện nay trên địa bàn TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, tình trạng thực phẩm không rõ nguồn gốc, được bày bán trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh cũng diễn ra tràn lan; trong khi đó việc quản lý, kiểm soát từ các cơ quan chức năng gần như thả nổi. Chính những điều kiện này khiến cho thực phẩm rất dễ bị nhiễm khuẩn.

Còn đối với công nhân, vì mức thu nhập quá thấp nên sự tiện lợi cùng giá rẻ của thực phẩm được bày bán tràn lan ở các chợ truyền thống, chợ tự phát chính là sự lựa chọn không thể nào khác hơn, dù biết rằng nguy cơ thực phẩm ở những nơi này mất an toàn vệ sinh rất cao.

Dẹp lò mổ thủ công, XD chợ an toàn thực phẩm

Bà Phạm Khánh Phong Lan - Ban An toàn thực phẩm (ATTP) TPHCM - cho rằng, thực phẩm nhiễm E.coli chủ yếu do khâu giết mổ, lưu thông và phân phối chưa an toàn. Hiện TPHCM đã có đề án quy hoạch lò giết mổ hiện đại nhưng tiến độ chưa như mong muốn nên vẫn chấp nhận các lò mổ thủ công và bán hiện đại. Vì thế trước mắt cần phải siết chặt quản lý các cơ sở này để không xảy ra chuyện tiêm thuốc an thần như đã xảy ra trước đây và phải có sự tham gia của Ban ATTP, đồng thời gắn camera quan sát ở lò mổ, để từ đó có cơ sở phát hiện xử lý kịp thời.

“Nhằm đảm bảo cung cấp thực phẩm an toàn cho người dân, CNLĐ, thời gian tới, TPHCM cần chấn chỉnh lại khâu giết mổ, lưu thông và phân phối thực phẩm tươi sống; dẹp bỏ hoàn toàn các lò mổ thủ công, xóa bỏ chợ tạm, xây dựng mô hình thí điểm chợ an toàn thực phẩm. Ngoài ra, người dân cần mua thực phẩm ở các kênh phân phối hiện đại như siêu thị và các cơ sở thực phẩm có uy tín. Bên cạnh đó, luôn giữ nguyên tắc ăn chín, uống sôi nhằm tránh các nguy cơ nhiễm bệnh từ thực phẩm” - bà Lan nói.

Đặc biệt từ đây đến Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân, CNLĐ tăng cao, để cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, vừa qua, UBND TPHCM đã chỉ đạo các quận - huyện khoanh vùng và tiến tới giải quyết, mạnh tay xử lý những nơi buôn bán kém vệ sinh. Đồng thời, UBND TPHCM đã giao Sở Công Thương tăng cường tổ chức các cửa hàng lưu động bán thực phẩm, hàng tiêu dùng và các điểm bán hàng bình ổn giá ở các khu tập trung đông dân cư, KCX-KCN, để đáp ứng nhu cầu mua hàng hóa an toàn cho công nhân, người nghèo.

TS Nguyễn Vũ Thượng - Phó Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM - cho biết, phần lớn thịt heo, gà, vịt bán ở các chợ thường không đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn, dẫn đến thực phẩm bị nhiễm khuẩn E.coli (một loại vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy). Cụ thể: Từ tháng 4 đến tháng 8.2017, một nhóm nghiên cứu của Viện Pasteur đã thực hiện lấy 150 mẫu thịt heo, gà, vịt từ các chợ trên địa bàn 5 tỉnh, thành (Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và TPHCM) để khảo sát mức độ nhiễm khuẩn E.coli. Kết quả cho thấy, cả 150 mẫu thịt này đều có số lượng vi khuẩn E.coli vượt quá giới hạn cho phép theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng lấy mẫu các sản phẩm thủy sản tươi sống như sò, chem chép, hàu, nghêu và kết quả cho thấy, có 63,9% mẫu (94/147 mẫu) được phát hiện nhiễm vi khuẩn E.coli, trong đó có 24 mẫu nhiễm E.coli ở mức độ nặng.

KIM ĐỒNG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/cong-doan/cong-nhan-voi-noi-lo-thuc-pham-nhiem-khuan-ecoli-tran-lan-581431.ldo