Công nhận văn bằng nước ngoài: Bộ LĐTBXH bỏ, Bộ GDĐT vẫn 'ôm'

Bộ LĐTB&XH đã ban hành quy định người dân không cần làm thủ tục công nhận văn bằng, chứng chỉ của cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài. Trong khi đó, Bộ GDĐT có cả một Trung tâm Công nhận văn bằng.

Như Dân Việt đã thông tin, quy định và thủ tục công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp đang gây nhiều phiền hà với những người học thật, thi thật và có bằng cấp thật. Quy định này như giấy phép con đối với rất nhiều người dân, kể cả hàng nghìn trường hợp được Nhà nước cử đi học.

Quy định này do Bộ GDĐT ban hành trong Quyết định số 77/2007/QĐ-BGDĐT năm 2007 và Thông tư số 26/2013/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của quyết định 77 vào năm 2013.

Nhiều người cảm thấy thủ tục công nhận văn bằng của Bộ GDĐT không sát thực tế, vô lý và “đánh đồng” người được Nhà nước cử đi học với những người sử dụng bằng giả, kém chất lượng.

Một cán bộ quản lý từng được đào tạo tại Pháp trả lời trên báo chí về quy trình để công nhận văn bằng: “Đầu tiên phải dịch bằng tiến sĩ. Dịch xong thì lại yêu cầu bằng thạc sĩ. Khi mình nộp bằng thạc sĩ thì họ lại yêu cầu bằng ĐH. Sau khi đã dịch xong hết các bằng thì họ lại yêu cầu phải nộp giấy tờ chứng minh thời gian mình đi học (gồm 4 cuốn hộ chiếu, các quyết định điều động đi học...). Đến phút cuối họ lại đòi thêm bảng điểm đại học...”.

Việc công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp hiện vẫn còn nhiều bất cập

Việc công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp hiện vẫn còn nhiều bất cập

Cũng gặp vướng trong thủ tục công nhận bằng, bà Hà Thị Hường (Hà Nội) từng phải gửi thắc mắc đến Cổng thông tin Điện tử Chính phủ để nhờ giải đáp.

Theo trả lời của Bộ GDĐT, ngoài các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 6 Quyết định 77, người có văn bằng cần gửi kèm theo hồ sơ minh chứng thời gian học ở nước ngoài, gồm một trong các tài liệu liên quan sau: xác nhận của cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước sở tại; xác nhận của cơ sở giáo dục nước ngoài nơi đã học tập; bản sao hợp lệ hộ chiếu có đóng dấu ngày xuất, nhập cảnh.

Trường hợp người có văn bằng đã tốt nghiệp không còn giữ hộ chiếu, hoặc hộ chiếu đã bị cơ quan thu giữ để lưu hồ sơ (Bộ Quốc Phòng), có thể xin xác nhận của cơ quan/đơn vị đã cử đi học, xác nhận cơ quan/đơn vị đã cử đi và trở về nước sau khi hoàn thành khóa học và đã được cấp bằng.

Nếu người có văn bằng không có Giấy xác nhận của cơ quan cử đi học, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (nay là Cục Quản lý Chất lượng) vẫn tiến hành thủ tục thu nhận hồ sơ, sau đó Cục sẽ gửi công văn và email tới cơ sở giáo dục nước ngoài đã cấp bằng cho học viên để xác minh chương trình và văn bằng đó.

Vậy là, người muốn được công nhận bằng phải vượt qua “một rừng” thủ tục, điều này không phù hợp với định hướng cải cách thủ tục hành chính đang được Chính phủ đẩy mạnh.

Trong khi đó, từ đầu năm 2018 Thông tư 34/2017/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐTBXH đã bãi bỏ quy định làm thủ tục công nhận văn bằng, chứng chỉ của cơ sở giáo dục nước ngoài. Đây được coi là một bước tiến trong cải cách hành chính của Bộ này.

Điểm đáng chú ý trong Thông tư kể trên là Bằng, chứng chỉ được công nhận tại Việt Nam khi được cấp bởi cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoạt động hợp pháp ở nước ngoài mà các chương trình đào tạo đã được cơ quan, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của nước đó công nhận hoặc được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về giáo dục của nước đó cho phép thành lập và được phép cấp bằng, chứng chỉ.

Quan điểm của Bộ Lao động TB&XH là không làm thủ tục công nhận văn bằng cho từng cá nhân. Trách nhiệm của người có văn bằng, chứng chỉ là cung cấp minh chứng về tính hợp pháp của cơ sở giáo dục nghề nghiệp cấp bằng cho người sử dụng lao động khi có yêu cầu.

Ông Lê Quân – Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết: “Việc không bắt buộc từng người dân làm thủ tục công nhận văn bằng phù hợp với thông lệ quốc tế, thực hiện đúng chủ trương cải cách hành chính, giảm phiên hà và chi phí cho người dân”.

Đại biểu Quốc hội Lê Thị Lan (Bắc Giang) góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục:

Thực tiễn việc công nhận văn bằng trong thời gian vừa qua đã phát sinh nhiều hạn chế, bất cập, như các trường hợp văn bằng do nước ngoài cấp cho người Việt Nam, trường hợp không phải làm thủ tục công nhận văn bằng - chưa được đề cập trong dự thảo luật và chưa giao cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định cụ thể về điều kiện, trình tự, thủ tục công nhận văn bằng của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp.

Như vậy, quy định hiện hành về công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp còn cứng nhắc và chưa đáp ứng được tính đa dạng của hệ thống văn bằng trên thế giới cũng như các phương thức đào tạo mới; và trong một số trường hợp chưa tạo điều kiện thuận lợi cho người học khi đề nghị công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp.

Vinh Hải

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/ban-doc/cong-nhan-van-bang-nuoc-ngoai-bo-ldtbxh-bo-bo-gddt-van-om-936662.html