Công nhân và câu chuyện dùng Smartphone

Trong thời buổi công nghệ phát triển, đa phần công nhân đều sử dụng Smartphone (điện thoại thông minh), không chỉ để liên lạc mà còn để giải trí và giao lưu, kết bạn qua mạng xã hội, cập nhật tin tức, kiếm thêm thu nhập… Đặc biệt, với nhiều công nhân, Smartphone đã trở thành công cụ hữu ích để họ học hỏi, trau dồi kiến thức, nâng cao tay nghề.

Có dịp tiếp xúc và trò chuyện với công nhân lao động, đặc biệt là những công nhân giỏi, có nhiều sáng kiến sáng tạo có giá trị làm lợi lớn cho công ty, chúng tôi mới biết, ngoài những chương trình tập huấn, đào tạo về chuyên môn tại công ty, công nhân cũng đã chủ động sử dụng Smartphone để tìm tỏi, học hỏi, nâng cao tay nghề.

Công nhân lao động sử dụng Smartphone để cập nhật thông tin và nâng cao kiến thức

Công nhân lao động sử dụng Smartphone để cập nhật thông tin và nâng cao kiến thức

Anh Nguyễn Văn Định – người được mệnh danh là “cây sáng kiến” của Công ty TNHH Kỹ thuật chính xác Ngọc Đức chia sẻ, từ khi vào làm việc tại công ty, anh đã có những đóng góp nhất định bằng những sáng kiến cải tiến kỹ thuật như: Sáng kiến cải tiến máy tự động tán pin và tự động dập, chuyển từ thao tác thủ công sang thao tác bằng máy, giúp tiết kiệm 3 công nhân và có giá trị làm lợi cho công ty 252 triệu/năm; sáng kiến cải tiến máy khoan, giảm từ 3 người/ 3 máy xuống 1 người/ 3 máy, tiết kiệm được 168 triệu/năm…

Theo anh Định, để có thể đáp ứng được yêu cầu của công việc chuyên môn tại bộ phận chế tạo của công ty, ngoài những khóa đào tạo, nâng cao tay nghề do công ty tổ chức, anh đã chủ động, tích cực tìm tòi, sáng tạo và vận dụng các phương pháp cải tiến kỹ thuật vào quá trình sản xuất để tăng năng suất lao động. Và một trong những công cụ hữu hiệu giúp anh làm được điều đó là chiếc Smartphone anh đang sử dụng.

Nhận thấy việc mua hàng online đang diễn ra ngày càng phổ biến, nhiều công nhân lao động đã tận dụng điều đó để bán hàng online trên mạng xã hội với các mặt hàng rất đa dạng như: Quần áo, mỹ phẩm, đồ dùng, thực phẩm hay đặc sản của vùng quê…

Chị Bùi Thị Thủy, đang làm việc tại Công ty Panasonic (KCN Thăng Long) chia sẻ: “Tôi làm ở Công ty Panasonic thu nhập trung bình cũng được 6 - 7 triệu đồng/tháng. Nhưng vì muốn tăng thêm thu nhập để có tiền tích cóp làm vốn trang trải cho cuộc sống sau này nên thời gian rảnh tôi còn kinh doanh online trên mạng xã hội Facebook.”

“Dùng Smartphone có kết nối mạng Internet, tôi có thể truy cập Google để tra cứu, tìm hiểu về cấu tạo của các loại máy móc, đồng thời, đặt ra những câu hỏi để được những người có kinh nghiệm chuyên môn giải đáp, từ đó tôi học hỏi và ứng dụng vào công việc của mình. Ngoài ra, với vai trò là cán bộ an toàn lao động của công ty, tôi cũng đã chủ động sử dụng Smartphone để tìm hiểu thêm các kiến thức về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ để có thể hướng dẫn cho người lao động trong công ty” – anh Định chia sẻ.

Smartphone cũng là một trong những công cụ hữu hiệu giúp công nhân cập nhật các tin tức thời sự và những chế độ, chính sách mới nhất liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của người lao động. Anh Nguyễn Văn Thái, công nhân Công ty Jtec (KCN Thăng Long) chia sẻ, trước đây, chúng tôi gần như chỉ cập nhật thông tin qua các tờ báo giấy được phát miễn phí như báo Lao động Thủ đô, báo Lao động… và qua các buổi tập huấn, tuyên truyền do Công đoàn phối hợp với chuyên môn tổ chức.

Giờ đây, nhờ có Smartphone, chúng tôi được cập nhật tin tức nhanh hơn và thuận tiện hơn. Ví như, báo Lao động Thủ đô tổ chức buổi giao lưu trực tuyến về chính sách tiền lương và Bảo hiểm xã hội cho người lao động, nếu như không trực tiếp tham gia thì phải đợi đến khi báo giấy phát hành chúng tôi mới được cập nhật.

Còn nếu sử dụng Smartphone, chúng tôi sẽ cập nhật trực tiếp buổi trực tuyến qua báo điện tử Lao động Thủ đô và có thể đặt câu hỏi để chuyên gia trả lời. Ngoài ra, tôi cũng thường xuyên sử dụng Smartphone truy cập Cổng thông tin điện tử của tổ chức Công đoàn để cập nhật, tìm hiểu những thông tin mới nhất liên quan đến chế độ, quyền lợi của người lao động.

Nhiều công nhân lao động chia sẻ, họ đã thoát khỏi cuộc sống nhàm chán chỉ biết đến công ty và nhà trọ nhờ Smartphone. Theo chị Nguyễn Thị Hoa, công nhân đang làm việc tại Công ty Sei (KCN Thăng Long), có Smartphone, chúng tôi không chỉ được cập nhật kịp thời các thông tin liên quan đến người lao động mà còn được cải thiện về đời sống tinh thần thông qua các chương trình giải trí trên mạng Internet.

Đặc biệt, từ ngày có Smartphone, nỗi nhớ gia đình trong tôi cũng đã được giảm bớt bởi tôi và gia đình thường xuyên trò chuyện bằng cuộc gọi video, vừa có thể nghe được giọng nói vừa có thể nhìn thấy nhau. Không chỉ thế, tôi còn có thể dễ dàng kết bạn và giao lưu với bạn bè thông qua việc sử dụng Smartphone để lên mạng xã hội Facebook, Zalo…

Bằng việc sử dụng Smartphone, nhiều công nhân đã kiếm thêm được thu nhập thông qua việc chạy xe ôm công nghệ, bán hàng online trên mạng xã hội vào những khoảng thời gian rảnh rỗi. Anh Vũ Văn Thế, công nhân đang làm việc tại KCN Quang Minh chia sẻ, thu nhập của công nhân phụ thuộc nhiều vào đơn hàng của công ty, nếu đơn hàng nhiều, thu nhập trung bình của anh cũng được gần chục triệu/tháng vì tăng ca thường xuyên, có khi làm cả Chủ nhật mới hết hàng.

Nhưng cũng có lúc công ty ít đơn hàng, ít việc, không tăng ca, thu nhập vì thế mà cũng giảm đi đáng kể. Những lúc đó, anh lại tăng ca bằng cách chạy xe ôm công nghệ. “Xung quanh KCN Quang Minh tập trung rất đông công nhân nên lượng khách hàng đi xe cũng không phải là ít.

Cứ có thời gian rảnh là tôi lại bật ứng dụng trên Smartphone để đợi khách đặt xe, đặc biệt, những ngày cuối tuần, nhiều người có nhu cầu đi thăm hỏi người thân hoặc sang bên nội thành để đi chơi nên lượng khách đi xe tăng lên đáng kể. Nếu chịu khó chạy xe thì mỗi ngày trung bình cũng kiếm được trăm nghìn, ngày cuối tuần, chạy cả ngày thì cũng được 200.000 – 300.000 đồng” – anh Thế bày tỏ.

Nhận thấy việc mua hàng online đang diễn ra ngày càng phổ biến, nhiều công nhân lao động đã tận dụng điều đó để bán hàng online trên mạng xã hội với các mặt hàng rất đa dạng như: Quần áo, mỹ phẩm, đồ dùng, thực phẩm hay đặc sản của vùng quê… Chị Bùi Thị Thủy, đang làm việc tại Công ty Panasonic (KCN Thăng Long) chia sẻ: “Tôi làm ở Công ty Panasonic thu nhập trung bình cũng được 6 - 7 triệu đồng/tháng. Nhưng vì muốn tăng thêm thu nhập để có tiền tích cóp làm vốn trang trải cho cuộc sống sau này nên thời gian rảnh tôi còn kinh doanh online trên mạng xã hội Facebook.”

Theo chị Thủy, nhận thấy quanh khu vực chị thuê trọ tập trung rất nhiều gia đình công nhân sinh sống, đa phần những gia đình đó đều có con nhỏ nhưng do đi làm tối ngày, ít có thời gian đi chợ hay đến các cửa hàng để sắm đồ cho con nên họ thường lên mạng xã hội Facebook để mua hàng online và nhờ ship đến tận nơi vừa tiện lợi vừa đỡ tốn thời gian.

Chính vì thế, chị đã quyết định kinh doanh online mặt hàng quần áo trẻ em. Việc kinh doanh online cũng tương đối đơn giản, chỉ cần có mối nhập hàng và sử dụng Smartphone chụp ảnh, quay clip giới thiệu sản phẩm, trả lời khách hàng. Do bán hàng chất lượng, uy tín nên lượng khách hàng tìm đến shop online của chị ngày càng đông vì thế mà nguồn thu nhập của chị cũng tăng thêm 2 - 3 triệu đồng mỗi tháng nhờ kinh doanh online.

Mai Quý

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/cong-nhan-va-cau-chuyen-dung-smartphone-93257.html