Công nhân thắt lưng buộc bụng

Giá điện, giá xăng tăng kéo theo vật giá tăng cao, buộc công nhân phải cắt giảm tối đa mọi chi tiêu, kể cả bữa ăn hằng ngày

Vừa đi làm về, chị Nguyễn Thị Biên - công nhân (CN) Công ty TNHH Freetrend A (KCX Linh Trung 2); ở trọ tại phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP HCM - tá hỏa khi thấy hóa đơn tiền điện. "Tháng này, tiền điện tăng 300.000 đồng so với tháng trước. Em đã dặn là hạn chế sử dụng quạt nhiều mà anh không nghe" - vợ chồng chị Biên bắt đầu cãi nhau. Hai đứa con ngơ ngác nhìn cha mẹ mà không hiểu chuyện gì xảy ra.

Phải cắt sữa của con

Vợ chồng chị Biên từ Thanh Hóa vào TP HCM đã 10 năm. Thu nhập của chị nếu tính luôn tăng ca khoảng 7 triệu đồng tháng. Thu nhập từ công việc bốc vác của anh Lê Văn Định, chồng chị, cũng chỉ 6 triệu đồng mỗi tháng.

Nhiều công nhân phải cắt giảm tối đa chi tiêu trước việc giá cả tăng nhanh

Nhiều công nhân phải cắt giảm tối đa chi tiêu trước việc giá cả tăng nhanh

Vợ chồng chị Biên có hai con nhỏ đang học cấp một nên chi tiêu gói ghém vừa đủ để trả tiền nhà, tiền điện, tiền nước và cho con đi học. Gần đây, giá xăng tăng, điện tăng nhưng lương không tăng, vợ chồng chị chẳng biết lấy đâu bù vào khoảng thiếu hụt.

"Nhà tôi chỉ có một chiếc quạt, một cái tủ lạnh mini đựng thức ăn, một bếp điện và một tivi nhưng mỗi tháng trả tiền điện đã 500.000 đồng. Nay hóa đơn lên đến 800.000 đồng/tháng thì biết lấy gì bù vào khoản này? Tiền học cho 2 đứa nhỏ đã cố định, tiền ăn cũng không sao cắt giảm được. Ngày trước, mỗi tháng mua một thùng sữa tươi 300.000 đồng cho 2 đứa, nay chắc phải cắt khoản này" - chị Biên than thở.

Cùng chung tình cảnh này là vợ chồng anh Phạm Minh Tâm và chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, CN Công ty Chăn nuôi và Chế biến thực phẩm Sài Gòn. Công ty đóng tại quận Bình Thạnh, TP HCM, vợ chồng anh Tâm, chị Hạnh phải thuê nhà trọ tại quận trung tâm nên giá phòng, giá điện, giá nước vô cùng đắt đỏ. Tiền nhà mỗi tháng 2,8 triệu đồng, tiền nước 8.000 đồng/m3, tiền điện 3.000 đồng/KWh. Dù thiết bị sinh hoạt trong nhà rất ít và đi làm suốt ngày nhưng gia đình anh chị phải trả 3,3 - 3,5 triệu đồng mỗi tháng tiền nhà, tiền điện, tiền nước. Thu nhập của anh chị tổng cộng mỗi tháng khoảng 12 triệu đồng nên phải chi tiêu dè sẻn để gửi về cho con trai ở quê 2 triệu đồng tiền ăn, tiền học.

"Vợ chồng tôi không dám đi đâu, xài gì vì sợ con ở quê gọi lên đóng tiền học hay mua sắm gì đó. Năm nay cháu học lớp 12, sắp thi đại học, hy vọng con thi đậu, làm nghề gì thu nhập cao hơn chứ làm CN như ba mẹ vất vả quá" - anh Tâm bày tỏ.

Không dám đưa con đi siêu thị

Cắt giảm chi tiêu là điệp khúc chung của nhiều CN khi giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng.

Chúng tôi đến khu nhà trọ phường Phước Long A, quận 9, TP HCM của vợ chồng chị Lê Thị Thùy Lan, CN Công ty TNHH Nidec Copal (Khu Công nghệ cao TP HCM), đúng vào giờ ăn tối. Bữa ăn lèo tèo chỉ có rau muống luộc chấm trứng dầm nước mắm. Riêng món cháo của con chị có vài con tôm nhỏ bằng ngón tay. Chị than: "Rau muống giờ cũng tăng giá, ngày trước mua 10.000 đồng là vợ chồng ăn thoải mái, nay phải tăng lên 15.000 đồng mới đủ ăn. Chiều tan ca về, đi tới đi lui, tôi không biết mua gì, phải mua bó rau muống và vài cái trứng ăn cho qua bữa".

Chồng chị Lan chạy xe ôm công nghệ, trước đây trừ tiền xăng mỗi ngày cũng thu nhập được 300.000 - 500.000 đồng nên anh ăn uống ngoài đường vào buổi trưa. Nay giá xăng tăng, buổi trưa anh phải mang cơm ở nhà theo, nước cũng phải tự nấu xách theo, không dám mua cả chai nước suối.

Khổ nhất là mấy tuần nay, trời nóng hầm hập nhưng vợ chồng chị Lan không dám dẫn con đi siêu thị - niềm vui của cả nhà vào cuối tuần. Trước đây, mỗi lần đi siêu thị, vợ chồng chị thưởng cho con bữa gà rán, rồi mua sữa, mua đồ chơi. "Cuối tuần là thằng nhỏ lại nhắc nhưng vợ chồng tôi lờ đi, bảo ba phải đi làm. Vào siêu thị sợ con đòi ăn, đòi mua thì lấy tiền đâu ra. Người lớn sao cũng được chứ trẻ đòi mà không mua tội lắm" - chị Lan bày tỏ. Lùa vội chén cơm, anh Tĩnh, chồng chị Lan, vội khoác áo lao ra đường để kiếm thêm vài cuốc xe.

Trong khi đó, mỗi lần về quê ở Long An, chị Cao Thị Hằng, CN Công ty TNHH Pou Yuen (quận Bình Tân, TP HCM), lại tranh thủ "thồ" đồ ở nhà lên. Chiếc xe máy của chị chất đầy gạo, trứng vịt, cá khô, rau, chuối… "Đem lên thì ăn cũng chỉ được vài ngày, chẳng thấm gì nhưng tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy" - chị Hằng phân trần.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/cong-doan/cong-nhan-that-lung-buoc-bung-20190608214520381.htm