Công nhân Nghệ An muốn giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện nay

Trong buổi tiếp xúc của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và Liên đoàn Lao động tỉnh với công nhân lao động tại 4 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đa phần người lao động đều không đồng tình với nội dung tăng tuổi nghỉ hưu trong Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi).

Ngày 12/8, Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An tổ chức tiếp xúc với công nhân lao động tại 4 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để tiếp thu ý kiến góp ý trực tiếp từ công nhân, lao động về nội dung Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi). Các đồng chí: Trần Văn Mão – Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Nguyễn Tử Phương – Chủ tịch LĐLĐ tỉnh dẫn đầu đoàn công tác. Ảnh: Thanh Quỳnh

Ngày 12/8, Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An tổ chức tiếp xúc với công nhân lao động tại 4 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để tiếp thu ý kiến góp ý trực tiếp từ công nhân, lao động về nội dung Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi). Các đồng chí: Trần Văn Mão – Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Nguyễn Tử Phương – Chủ tịch LĐLĐ tỉnh dẫn đầu đoàn công tác. Ảnh: Thanh Quỳnh

Đoàn công tác làm việc tại 4 doanh nghiệp gồm: Công ty CP Vật liệu xây dựng và thương mại Thanh Ngọc (Thanh Ngọc, Thanh Chương); Công ty TNHH Prex Vinh (Lạc Sơn, Đô Lương); Công ty TNHH SangWoo Việt Nam (khu công nghiệp VSIP, Hưng Tây, Hưng Nguyên) và Công ty TNHH May Phú Linh (Diễn Lâm, Diễn Châu).

Nội dung lấy ý kiến về mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ/năm (theo điều luật hiện hành) lên 400 giờ/năm; tăng tuổi nghỉ hưu của nữ từ 55 (theo điều luật hiện hành) lên 60 và nam từ 60 (theo điều luật hiện hành) lên 62.

Tăng tuổi nghỉ hưu chưa phù hợp với đối tượng lao động trực tiếp

Tại Công ty CP Vật liệu xây dựng và thương mại Thanh Ngọc (xã Thanh Ngọc, huyện Thanh Chương) có gần 100 công nhân lao động, trong đó có đến 80% là nữ công nhân trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất gạch và các vật liệu xây dựng khác. Qua tiếp xúc lấy ý kiến, đa phần người lao động ở đây đều có nguyện vọng giữ nguyên độ tuổi nghỉ hưu theo Luật hiện hành là 55 tuổi với nữ và 60 tuổi đối với nam.

Theo chia sẻ của công nhân tới đoàn công tác thì điều kiện sản xuất tại đây mang tính đặc thù, người lao động phải làm việc trong môi trường độc hại, điều kiện làm việc khắc nghiệt và mất sức như nung gạch, vận chuyển, bốc vác sản phẩm trực tiếp bằng tay. Do đó, công nhân thường phải đối mặt với nhiều bệnh nghề nghiệp như xương khớp, viêm đường hô hấp sau khoảng thời gian từ 1 đến 2 năm làm việc.

“Dù biết nghỉ hưu sớm thì mức hưởng lương hưu sẽ không cao nhưng tôi đành phải chấp nhận vì mình không đủ sức khỏe để làm việc sau tuổi 50”, chị Nguyễn Thị Lê (45 tuổi) – công nhân nhà máy chia sẻ.

Hơn 80% lao động của CP Vật liệu xây dựng và thương mại Thanh Ngọc là công nhân nữ và phải làm việc trong môi trường lao động khắc nghiệt. Ảnh: Thanh Quỳnh

Tại Công ty TNHH Prex Vinh (xã Lạc Sơn, huyện Đô Lương), chị Trần Võ Thị Thủy (40 tuổi) – người đã có hơn 5 năm làm việc tại đây, chia sẻ: “Chúng tôi phải ngồi may ít nhất 8 tiếng/ngày, chưa kể thời gian tăng ca. Là công ty may nên đòi hỏi công nhân phải có sự linh hoạt, nhanh nhẹn trong thao tác, tuy nhiên, sau tuổi 40 sức khỏe của công nhân bắt đầu có xu hướng giảm, sự linh hoạt trong thao tác khó đáp ứng được yêu cầu của công việc. Cá nhân tôi nghĩ việc tăng tuổi nghỉ hưu như đề xuất của Bộ LĐTB&XH chỉ phù hợp với những người làm công việc bàn giấy và lao động gián tiếp, còn lao động trực tiếp sẽ rất khó đáp ứng được”.

Đối với Công ty TNHH SangWoo Việt Nam- khu công nghiệp VSIP (Hưng Tây, Hưng Nguyên), đại diện Ban Giám đốc công ty cũng khẳng định, công ty ưu tiên những lao động trẻ, năng động bởi năng suất làm việc và tính thích nghi của lực lượng này cao hơn hẳn so với các lao động lớn tuổi. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu đối với lao động trực tiếp sẽ đẩy các công nhân lớn tuổi rơi vào tình trạng tự đào thải khi không thể đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp.

“Nếu muốn kéo dài tuổi nghỉ hưu thì phải phân loại theo từng ngành nghề cụ thể, đặc thù cũng như một cơ chế mở cho người lao động trực tiếp được lựa chọn”, đại diện Ban Giám đốc Công ty Sangwoo chia sẻ thêm.

Đoàn công tác trao đổi với công nhân lao động Công ty TNHH Prex Vinh (xã Lạc Sơn, huyện Đô Lương). Ảnh: Thanh Quỳnh

Cần có chế độ đãi ngộ thích hợp khi làm thêm giờ

Tại công TNHH May Phú Linh - xóm 2 Nam Lâm (xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu), lực lượng công nhân bày tỏ nguyện vọng tới đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và Liên đoàn Lao động tỉnh về chế độ đãi ngộ khi làm thêm giờ.

Theo đó, dù nhu cầu nghỉ ngơi của người lao động là như nhau, nhưng hiện tại thời gian làm việc của người lao động khối ngoài Nhà nước đang nhiều hơn 8 giờ/tuần so với khối Nhà nước. Đối với công ty đặc thù như ngành may mặc, khoảng thời gian mùa Đông cho đến cận Tết được xem là cao điểm khi lượng hàng hóa cần sản xuất và tiêu thụ là rất lớn nên càng đòi hỏi công nhân phải tăng ca. Vì vậy, về thời giờ làm thêm, cần tính lũy tiến tiền làm thêm giờ theo tỷ lệ giờ sau cao hơn giờ trước.

Công nhân lao động trả lời phiếu khảo sát ý kiến góp ý Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi). Ảnh Thanh Quỳnh

Cùng chung quan điểm trên, các công nhân tại Công ty CP vật liệu xây dựng và thương mại Thanh Ngọc kiến nghị, cần có những cuộc khảo sát, buổi đối thoại lắng nghe ý kiến của người lao động trực tiếp để thấu hiểu sâu sắc nguyện vọng của người lao động. Đối với nội dung tăng giờ làm thêm, cần tính theo mức lũy tiến để tránh trường hợp doanh nghiệp không tuyển thêm lao động, tận dụng làm thêm để vắt kiệt sức của lực lượng công nhân.

Thanh Quỳnh

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/cong-nhan-nghe-an-muon-giu-nguyen-tuoi-nghi-huu-nhu-hien-nay-251056.html