Công nhân nạo vét cống cần hơn những giọt nước mắt

Tại kỳ họp HĐND TPHCM ngày 11.7, đại biểu Nguyễn Thị Việt Tú chia sẻ, đã rơi nước mắt khi nghe anh công nhân thoát nước kể về công việc vất vả hằng ngày trong chương trình lắng nghe và trao đổi với chủ đề 'Ngập nước tại TPHCM, nguyên nhân và giải pháp'.

Công nhân thoát nước ngâm mình dưới cống rác thải - một công việc hết sức dơ bẩn, nặng nhọc. Ảnh: HTV7.

Công nhân thoát nước ngâm mình dưới cống rác thải - một công việc hết sức dơ bẩn, nặng nhọc. Ảnh: HTV7.

Nhiều người rơi nước mắt khi xem hình ảnh công nhân dầm mình trong cống nước hôi thối, đạp phải kim tiêm, dọn những thứ rất dơ bẩn mà người khác không muốn nhìn thấy.

Họ đã phải làm việc trong môi trường độc hại như vậy, nhưng thật đáng buồn, khi có những thứ đúng ra họ không phải nhặt, nếu như những người khác có ý thức không xả rác, nhất là đổ thẳng cả thùng rác xuống cống. Không ít người xem cống là nơi chứa rác, họ cũng thừa biết rằng rác sẽ gây ra nghẹt cống, sẽ hành hạ những người đi móc cống, nhưng họ vẫn cứ làm.

Nhưng cảm thông, chia sẻ, rơi nước mắt không làm vơi đi nỗi nhọc nhằn, bớt đi sự khổ ải của công nhân nạo vét cống, mà cần những hành động cụ thể, tích cực, hiệu quả.

Mức thu nhập của công nhân nạo vét cống là 11,5 triệu đồng/tháng gồm lương, bồi dưỡng độc hại. Ông Bùi Xuân Cường - Giám đốc Sở GTVT TPHCM - cho rằng, lương và chế độ cho những người thường xuyên làm việc trong môi trường độc hại, đe dọa đến sức khỏe như vậy là chưa thỏa đáng. Bà Phan Thị Thắng - Giám đốc Sở Tài chính - hứa sẽ tính toán lại lương, chế độ cho công nhân trực tiếp xuống cống và sẽ báo cáo sau.

Ai cũng có thể thấy rõ, với mức thu nhập đó là rất không tương xứng với công việc quá khổ cực và nguy hiểm cho sức khỏe, không thể không cải thiện để đảm bảo công bằng cho công nhân nạo vét cống. Một việc quan trọng khác là trang bị áo quần bảo hộ lao động tốt nhất, phù hợp với công việc ngâm mình dưới nước
ô nhiễm.

TPHCM là thành phố thông minh, đi đầu nhiều mặt về khoa học kỹ thuật, tiên phong trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thì phải sản xuất ra các sản phẩm máy móc có thể hỗ trợ nạo vét cống, hút bùn, rác thải đưa đi xử lý, hạn chế cơ bắp thủ công. Cao hơn là sản xuất robot, thay người nạo vét cống. Những việc này không khó, chẳng lẽ thành phố thông minh không làm được. Nếu như chưa sản xuất được thì việc tương đối thông minh là đi mua, đưa về sử dụng để cho người lao động bớt lầm than, xã hội văn minh hơn.

Cuối cùng là hành động, cán bộ HĐND thành phố nên ra quân một buổi đi dọn rác, lần lượt các sở ban ngành, đoàn thanh niên, hội phụ nữ, học sinh, sinh viên các trường học. Chia nhau làm, làm thường xuyên, bền bỉ, kiên nhẫn. Trực tiếp đi dọn rác sẽ xây dựng ý thức không xả rác.

Lê Thanh Phong

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/cong-nhan-nao-vet-cong-can-hon-nhung-giot-nuoc-mat-618070.ldo