Công nhân mong đổi đời nhờ xuất khẩu lao động

Lương thấp, công nhân (CN) không đủ trang trải cuộc sống và chăm lo cho gia đình. Không ít trong số họ đã nghĩ tới việc đi xuất khẩu lao động, mong có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Công nhân KCN Thăng Long tìm hiểu thông tin tuyển dụng LĐ. Ảnh: N.N

Công nhân KCN Thăng Long tìm hiểu thông tin tuyển dụng LĐ. Ảnh: N.N

“Ham” đi xuất khẩu lao động

Hiện nay, lương công nhân tại các KCN-KCX trên địa bàn Hà Nội dao động trong khoảng 5 triệu đồng/người/tháng (chưa kể tăng ca). Nếu trừ mọi chi phí sinh hoạt, nhà ở, điện nước… thì CN không dành dụm được nhiều. Với thu nhập như hiện nay, không ít CN đã tìm đến các trung tâm môi giới xuất khẩu lao động. Theo suy nghĩ của họ, cùng với sức lực bỏ ra, thì thu nhập làm việc tại nước ngoài cao hơn rất nhiều so với ở Việt Nam. Và họ hy vọng sau vài ba năm hết hạn hợp đồng, khi trở về họ sẽ có một số vốn nhất định để kinh doanh hay kinh tế ổn định hơn. Còn làm CN như bây giờ, không ăn thua gì, tương lai mờ mịt.

Theo quan sát của PV Báo Lao Động, các trang tuyển dụng việc làm tại nước ngoài đang thu hút rất nhiều CN tại KCN trên địa bàn cả nước.

Anh Nguyễn Văn Tuyên (sinh năm 1995, đang làm việc tại Cty TNHH Canon VN, KCN Bắc Thăng Long), bày tỏ: “Tôi làm việc tại KCN này cũng được hơn 3 năm rồi. Lương CN vừa đủ trang trải chi phí cuộc sống hằng ngày. Tháng nào tăng ca nhiều thì tôi cũng để dành được chút ít. Nghĩ về tương lai tôi thấy nản quá. Hiện tôi đang “ham” lắm, tôi cũng muốn đi vài ba năm để khi về có một cục dành dụm. Chứ cả đời làm CN như thế này, tôi không thấy tương lai”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, các nước mà CN muốn đi nhiều nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc...

Xuất khẩu lao động có thật sự tốt?

Có rất nhiều CN đang có ý định được đi lao động nước ngoài để thay đổi cuộc sống, song không ít những cạm bẫy mang tên “xuất khẩu lao động” đang chờ họ. Nhiều trang web lừa đảo mọc ra nhằm dụ dỗ những người thiếu hiểu biết và cả tin. Đồng thời, không phải người lao động nào đi làm việc tại nước ngoài cũng tìm kiếm được công việc ổn định, thu nhập như mong muốn. Không ít người phải bỏ việc giữa chừng để về nước vì không chịu được áp lực cũng như nỗi nhớ nhà.

Chị Ngô Thị Nhung (đang làm việc tại Cty Samsung, Thái Nguyên) chia sẻ: “Tôi tăng ca nhiều và làm việc hầu như kín tuần, kín tháng, chi tiêu dành dụm, tiết kiệm cũng để dành được một khoản cho mỗi tháng. NLĐ đi xuất khẩu lao động không phải đều gặp thuận lợi. Tôi có cô bạn đang làm việc bên Nhật Bản, khi tôi nói ý định, cô bạn đó khuyên tôi không nên vì thật ra số tiền kiếm được sau ba năm cũng bằng tôi làm việc, chi tiêu tiết kiệm khi làm ở Việt Nam. Bên đó tuy lương có cao (khoảng 18 triệu đồng/tháng) nhưng chi phí sinh hoạt, các loại chi tiêu cũng cao hơn Việt Nam nhiều lần. Mỗi lần chuyển tiền về Việt Nam cũng mất phí lớn. Tôi sợ lắm và vẫn nghĩ rằng làm ở nước mình vẫn tốt hơn. Chi tiêu ít một tí nhưng được ở quê hương, được gần bố mẹ lại không sợ bị lừa”.

NGUYỄN NGA

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/cong-doan/cong-nhan-mong-doi-doi-nho-xuat-khau-lao-dong-664130.bld