Công nhân may sống chật vật vì lương thấp

69% công nhân được hỏi cho biết họ không có đủ tiền để trang trải nhu cầu sinh hoạt của mình, 31% không tiết kiệm được gì từ tiền lương trong tháng, 37% cho biết họ luôn ở trong tình trạng vay nợ từ bạn bè, người thân hay hàng xóm để bù lấp thiếu hụt chi tiêu trong tháng.

Những con số này được nêu trong báo cáo khảo sát "Tiền lương không đủ sống và hệ lụy" mà tổ chức Oxfam Việt Nam cùng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) vừa công bố mới đây. Khảo sát được thực hiện tại 6 doanh nghiệp dệt may có quy mô trên 200 lao động, thuộc 4 vùng lương ở hai miền Bắc, Nam.

Bà Phạm Thu Lan - Viện Phó Viện Công nhân và Công đoàn cho biết: "Kết quả khảo sát được thực hiện qua phỏng vấn với mẫu nhỏ, với 157 người gồm công nhân, quản lý, chuyên gia, cán bộ Nhà nước. Dù chưa thể hiện bức tranh toàn ngành may nhưng qua đó nhiều đánh giá có giá trị nhất định đối với người sử dụng lao động, các nhà quản lý và người lao động".

Báo cáo khảo sát đã nêu lên những thực trạng về thu nhập, đời sống công nhân ngành may.

Báo cáo khảo sát đã nêu lên những thực trạng về thu nhập, đời sống công nhân ngành may.

Cụ thể về kết quả khảo sát, 69% công nhân cho biết họ không có đủ tiền để trang trải nhu cầu sinh hoạt của mình, 31% không tiết kiệm được gì từ tiền lương trong tháng, 37% cho biết họ luôn ở trong tình trạng vay nợ từ bạn bè, người thân hay hàng xóm để bù lấp thiếu hụt chi tiêu trong tháng.

Liên quan tới vấn đề làm thêm giờ và vấn đề sức khỏe, 65% công nhân nói rằng họ thường xuyên làm thêm giờ, 22% không sử dụng thời gian nghỉ giữa giờ, nếu có đi vệ sinh thì nhanh chóng để quay về làm việc, 28% lo lắng về việc làm quá nhiều giờ trong ngày và ảnh hưởng của làm thêm giờ tới sức khỏe. Bên cạnh đó, gần 70% số công nhân được hỏi cho biết họ "hiếm khi" hoặc "chưa bao giờ" có thời gian rảnh để đi chơi, thăm bạn bè vì họ thường xuyên phải làm thêm giờ và 23% công nhân đang sống trong nhà trọ tạm bợ.

Đánh giá về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lê Hoa - Phó Giám đốc Tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho biết: “Tình trạng tiền lương thấp trong chuỗi cung ứng ngành may đang làm cho công nhân và gia đình họ bị mắc kẹt trong vòng nghèo đói. Khi nói đến nghèo đói, chúng ta nói đến tình trạng người lao động không thể đáp ứng các nhu cầu cơ bản để có một cuộc sống tử tế cho họ và gia đình họ - không nhất thiết giống chuẩn nghèo chính thức của Chính phủ hoặc chuẩn nghèo của Ngân hàng Thế giới. Những chuẩn nghèo này là chưa đủ để đảm bảo một cuộc sống đàng hoàng”.

Theo đó, không ít công nhân ngành may còn phải sống chật vật vì lương thấp. (Ảnh minh họa. Nguồn Hanoimoi)

Ngoài những con số về thực trạng thu nhập, đời sống của người lao động ngành may, báo cáo khảo sát còn chỉ ra nhiều cách các công ty may tiết giảm chi phí lao động như: Trên 45% doanh nghiệp trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân không đầy đủ số lượng cho người lao động, giảm bớt yêu cầu dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe cho công nhân…

Chuyên gia lao động Vũ Quang Thọ phân tích “Như chúng ta biết, tiền lương không đủ sống sẽ khiến cho người lao động không đảm bảo được các mối quan hệ cũng như điều kiện sinh hoạt, dinh dưỡng, nhà ở…”.

Trước thực trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, để đảm bảo đời sống cho công nhân, cần doanh nghiệp minh bạch về đơn hàng, tính toán đơn giá tiền lương và định mức lao động; xây dựng lộ trình nâng mức lương tối thiểu hiện tại lên mức lương đủ sống.

Phạm Diệp

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/cong-nhan-may-song-chat-vat-vi-luong-thap-87889.html