Công nhận liệt sĩ thời bình với những trường hợp có hành động đặc biệt dũng cảm

Xem xét công nhận liệt sĩ thời bình với trường hợp chết do có hành động đặc biệt dũng cảm, thực hiện công việc đặc biệt nguy hiểm, cấp bách, để cứu người, tài sản của nhà nước, nhân dân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét dự thảo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét dự thảo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).

Dự thảo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) theo hướng xem xét công nhận liệt sĩ thời bình đối với những trường hợp chết do có hành động đặc biệt dũng cảm, thực hiện các công việc đặc biệt nguy hiểm, cấp bách, để cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, Nhân dân.

Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho biết khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét dự thảo Pháp lệnh, sáng 11/8.

Một số trường hợp được công nhận liệt sĩ dư luận xã hội không đồng tình

Công nhận liệt sĩ thời kỳ đất nước hòa bình (thời bình) là một trong các nội dung được Chính phủ tách riêng xin ý kiến trong lần sửa đổi này.

Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, theo quy định hiện hành, người dũng cảm cứu người, cứu tài sản của nhà nước và nhân dân khi chết thì được xem xét công nhận liệt sĩ. Thực tiễn áp dụng quy định này, nhiều trường hợp chết đuối nước khi cứu người, cứu tài sản hoặc tham gia phòng, chống bão lũ, chết do tai nạn khi làm nhiệm vụ… dù rất cần phải tuyên dương, ghi nhận trong xã hội song việc được công nhận liệt sĩ làm dư luận xã hội không đồng tình.

Việc cứu người là trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân theo quy định của Bộ luật Hình sự (Điều 132: Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng), Bộ trưởng Dung giải thích.

Từ những lý do trên, Chính phủ sửa đổi tại Điều 14 của dự thảo Pháp lệnh theo hướng chỉ xem xét đối với những trường hợp chết do có hành động đặc biệt dũng cảm thực hiện các công việc đặc biệt nguy hiểm, cấp bách, để cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, Nhân dân; là những tấm gương, có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục và lan tỏa rộng rãi trong xã hội. Những trường hợp khác hướng chuyển sang khen thưởng theo pháp luật thi đua khen thưởng (Huy chương, Huân chương) và thực hiện trợ cấp mai táng hoặc hưởng chính sách tử tuất theo Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng Dung cho biết.

Thẩm tra nội dung Chính phủ trình, đa số ý kiến Ủy ban Về các vấn đề xã hội tán thành với sửa đổi trên, vì việc bổ sung tính chất công việc, hiệu ứng của hành động và nâng mức độ dũng cảm, cứu người, cứu tài sản, sẽ đảm bảo điều kiện chặt chẽ hơn, xứng đáng hơn.

Ủy ban thẩm tra cũng đề nghị giữ lại quy định tại Pháp lệnh hiện hành trường hợp công nhận liệt sĩ khi làm nghĩa vụ quốc tế.

Đồng tình cần xem xét công nhận liệt sĩ thời bình đối với những trường hợp chết do có hành động đặc biệt dũng cảm, nhưng Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển góp ý, với những trường hợp khác cần được tôn vinh thì phải quy định cụ thể là công nhận ở cấp nào, danh hiệu gì hay huân chương, huy chương gì.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý cần quy định chặt chẽ hơn về điều kiện công nhận liệt sỹ, công nhận người có hành động đặc biệt dũng cảm thì mới có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục và hình ảnh đó mới lan tỏa rộng rãi trong xã hội.

Thường vụ Quốc hội nhất trí cao việc công nhận liệt sĩ thời bình nhưng phải thực sự là những người hy sinh vì nhiệm vụ chiến đấu, có ảnh hưởng lớn được xã hội tôn vinh, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng kết lại cuối phiên thảo luận.

Không đếm số con hi sinh để trợ cấp mẹ Việt Nam anh hùng

Liên quan đến chế độ trợ cấp bà mẹ Việt Nam anh hùng, cơ quan thẩm tra phân tích, dự án Pháp lệnh sửa đổi giữ quy định của Pháp lệnh hiện hành, theo đó, Bà mẹ Việt Nam anh hùng được hưởng các chế độ ưu đãi đối với thân nhân liệt sĩ, trong đó có chế độ trợ cấp tuất hàng tháng.

Tuy nhiên, khoản 3 Điều 16 dự thảo Pháp lệnh quy định chế độ trợ cấp tuất hàng tháng đối với thân nhân liệt sĩ được sửa đổi theo hướng tính từng liệt sĩ chứ không bị giới hạn không quá mức của 3 liệt sĩ như quy định của Pháp lệnh hiện hành.

"Như vậy, bà mẹ Việt Nam anh hùng có 1 con duy nhất là liệt sĩ sẽ có khoảng cách lớn về trợ cấp tuất hàng tháng so với bà mẹ có từ 2 con liệt sĩ trở lên. Trước ngày Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng có hiệu lực thi hành (01/9/2012) thì tất cả bà mẹ Việt Nam anh hùng đều có chung một mức trợ cấp tuất hàng tháng", Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh.

Bà Thúy Anh cũng phản ánh 2 loại ý kiến tại cơ quan thẩm tra.

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng cần trợ cấp tuất hàng tháng tính theo số liệt sĩ như dự thảo. Loại ý kiến thứ hai đề nghị trợ cấp tuất hàng tháng tính theo số liệt sĩ song mức tối thiểu bằng mức bà mẹ Việt Nam anh hùng có 2 thân nhân là liệt sĩ. Đa số ý kiến Ủy ban thống nhất loại ý kiến thứ hai.

Không chọn loại ý kiến nào, Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý là với mẹ Việt Nam anh hùng thì phải trợ cấp để sống được chứ không phải đếm số con đã hy sinh để trợ cấp. "Một con hy sinh cũng đau đớn lắm, phải xem xét mức trợ cấp để các mẹ sống đàng hoàng, sống tốt", Chủ tịch Quốc hội phát biểu.

Cần giữ ổn định chính sách nhưng đảm bảo nguyên tắc là khi xã hội phát triển hơn thì chính sách trợ cấp cho bà mẹ Việt Nam anh hùng phải được nâng lên, đảm bảo mức sống tốt, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng kết luận.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/cong-nhan-liet-si-thoi-binh-voi-nhung-truong-hop-co-hanh-dong-dac-biet-dung-cam-d127477.html