Công nhận lễ hội đền Chiêu Trưng là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Với lịch sử trên 500 năm, là lễ hội độc đáo của ngư dân vùng biển Cửa Sót, tỉnh Hà Tĩnh, lễ hội đền Chiêu Trưng vừa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Sáng ngày 15/6 (tức mùng 2/5 âm lịch), UBND huyện Thạch Hà phối hợp với huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức Lễ đón nhận bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Lễ hội đền Chiêu Trưng.

Lễ hội đền Chiêu Trưng (hay còn gọi là lễ hội đền Lê Khôi) được người dân địa phương tổ chức hàng năm, từ ngày mùng 1 đến mùng 3 tháng 5 âm lịch. Đền Lê Khôi tọa lạc trên núi Long Ngâm, thuộc dãy núi Nam Giới ở vùng biển Cửa Sót. Lễ hội là nét đẹp văn hóa dân gian truyền thống của người dân ở các xã vùng bãi ngang ven biển Thạch Bàn, Thạch Hải (huyện Thạch Hà) và xã Thạch Kim, Mai Phụ (huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh).

Lễ hội đền Chiêu Trưng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Đền Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi hay còn gọi là đền Võ Mục thờ danh tướng Lê Khôi. Đây là 1 trong 4 ngôi đền cổ kính, đẹp nhất vùng Nghệ Tĩnh xưa và được xếp trong “Tứ linh từ” của vùng đất An Tĩnh (đền Cờn, đền Quả, Bạch Mã, Chiêu Trưng). Để ghi nhận công đức của Lê Khôi và gìn giữ những giá trị kiến trúc nghệ thuật thời Lê tại đền, năm 1990, bộ Văn hóa Thông tin (nay là bộ VH-TT-DL) quyết định công nhận đền thờ và lăng mộ Lê Khôi là Di tích cấp Quốc gia.

Ngày 20/6/2017, bộ VH-TT&DL đã có Quyết định công bố Lễ hội đền Chiêu Trưng là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Lễ hội đền Chiêu Trưng đã có lịch sử trên 500 năm và trở thành một nếp sống, nét đẹp văn hóa dân gian truyền thống, gắn bó mật thiết của người dân ở các xã vùng bãi ngang ven biển Thạch Bàn, Thạch Hải (huyện Thạch Hà) và xã Thạch Kim, Mai Phụ (huyện Lộc Hà).

Lễ đón nhận Lễ đón bằng Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Lễ hội đền Chiêu Trưng.

Thông qua lễ hội, người dân vừa tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn danh tướng Lê Khôi vừa cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, làm ăn gặp nhiều thuận lợi; đồng thời cầu nguyện cho mỗi chuyến ra khơi bám biển luôn được bình an, cá mực đầy thuyền...

Hàng năm để Lễ hội đèn Chiêu Trưng diễn ra trong không khí trang nghiêm, linh thiêng trọn vẹn suốt trong 3 ngày liền. Lễ hội thu hút hàng nghìn người dân tham gia.

Tục truyền, Lê Khôi, thụy là Võ Mục, con ông Lê Trừ- là anh thứ 2 của Lê Lợi. Cha mẹ mất sớm, Lê Khôi ở với chú ruột là Lê Lợi, tham gia nghĩa quân, có tên trong Hội thề Lũng Nhai gồm 35 công thần tụ nghĩa. Ông tham gia nhiều trận đánh, lập công lớn, cùng Lê Sát, Lê Phấn bắt sống tướng Minh là Chu Kiệt.

Lê Khôi làm quan 3 triều (Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông) lên tới chức Khâm sai Tiết chế thủy lục như Dinh, Hộ vệ Thượng tướng quân. Năm 1443, ông được phái vào làm Tổng trấn Hoan Châu (Nghệ An – Hà Tĩnh) chỉ vài năm làm công bộc chăn dân ở đây, ông đã nổi tiếng bởi sự công minh chính trực, chú trọng phát triển nông nghiệp, lo cuộc sống cho dân.

Năm 1446, ông phụng mệnh vua Nhân Tông cầm quân cùng các tướng Nguyễn Chích, Nguyễn Xí đi đánh Chiêm Thành ở châu Thuận Hóa bắt được chúa Chiêm là Bí Cai. Trên đường trở về, đoàn chiến thuyền đến chân núi Long Ngâm của dãy Nam Giới thì ông mất. Thương tiếc vị tướng tài đức song toàn, binh sỹ kêu gào dậy sóng một vùng Cửa Sót. Vua quan thương xót vô hạn, nghỉ triều chính làm quốc tang 3 ngày.

Thi hài ông an táng tại chóp núi Long Ngâm. Nhà vua cho lập đền thờ, hàng năm tổ chức quốc tế, truy phong. Năm Quang Thuận thứ 4 (1463) vua Lê Thánh Tông ngự giá thăm Đền, viếng mộ, ngự chế bài thơ quốc âm đề vịnh, sắc cho Đô úy Bảng nhãn Nguyễn Như Đỗ soạn bia dựng tại Đền. Năm Hồng Đức thứ 18 (1487) lại phong tặng “Chiêu Trưng Đại Vương”.

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/cong-nhan-le-hoi-den-chieu-trung-la-di-san-van-hoa-phi-vat-the-qg-a374102.html