Công nhân lao động góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh bền vững
Công đoàn với lực lượng trên 11 triệu đoàn viên đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy lối sống xanh, thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên, từ đó thúc đẩy kinh tế xanh, sản xuất xanh và phát triển bền vững.
Tăng trưởng xanh – “chìa khóa” để phát triển bền vững
Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành tháng 10/2023. Theo kế hoạch, ở cấp công đoàn cơ sở, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu công đoàn cở sở tích cực tham gia xây dựng và thực hiện kế hoạch, chương trình của doanh nghiệp về xanh hóa việc làm, việc làm bền vững, đảm bảo quyền và lợi ích cho đoàn viên và người lao động, góp phần thực hiện có hiệu quả chiến lược tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường.
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tăng trưởng xanh phải hướng tới các mục tiêu về môi trường, kinh tế, xã hội. Về môi trường, tăng trưởng xanh hướng tới cắt giảm và thu giữ phát thải; giảm thiểu và tái sử dụng chất thải; quản lý tài nguyên; thích ứng biến đổi khí hậu. Về kinh tế, tăng trưởng xanh hướng tới kiến tạo việc làm và đào tạo kỹ năng; kích thích tăng trưởng kinh tế; thúc đẩy đổi mới sáng tạo cạnh tranh thương mại.
Ngoài ra, tăng trưởng xanh còn hướng tới các mục tiêu xã hội: giảm nghèo; thúc đẩy bao trùm/công bằng; đảm bảo sức khỏe; chú trọng quyền của người lao động.
Tăng trưởng xanh cũng góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Tuy nhiên, sự phát triển này đi kèm với nhiều thách thức như ô nhiễm không khí, nước, đất; tiêu thụ năng lượng mới; xả thải không kiểm soát. Việc giải quyết các vấn đề này đòi hỏi một cách tiếp cận tổng thể và bền vững hơn. Một số các mô hình khu công nghiệp bền vững thành công trên thế giới có đặc điểm chung là sử dụng công nghệ sạch, tuần hoàn tài nguyên, tận dụng năng lượng tái tạo, và thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp để giảm phát thải và chất thải.
Vai trò tích cực của công nhân lao động
Hoạt động của các cấp công đoàn có vai trò quan trọng đối với phát triển bền vững và tăng trưởng xanh của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; đồng thời có giá trị thiết thực, mang tính khả thi cao và đến được với người lao động, để người lao động có thể từ nhận thức chuyển thành ý thức và hành động tự giác.
Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, công nhân lao động có vai trò rất quan trọng trong lĩnh vực môi trường. Bản chất của việc phát thải, ô nhiễm môi trường xuất phát từ quá trình xuất hiện công nghiệp hóa và hiện đại hóa, đô thị hóa. Công nhân là lực lượng chính trong quá trình chuyển đổi từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Vai trò của công nhân đối với việc bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và chống suy giảm đa dạng sinh học là rất trọng yếu.
Theo ông Thọ, công nhân tham gia vào quá trình sản xuất hàng hóa và dịch vụ, và đóng góp quan trọng trong quá trình thực hiện chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi sang công nghệ xanh, công nghệ sạch hơn. Bên cạnh đó, người công nhân được hưởng lợi và họ được quyền lao động sản xuất trong môi trường sạch.
“Chính vì vậy, việc hình thành các khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp xanh, nhà máy xanh tạo cơ hội để cho người công nhân có thể được làm việc trong điều kiện môi trường tốt hơn”, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ nhấn mạnh.
Diễn đàn “Công nhân lao động vì môi trường” đã được lên ý tưởng tổ chức từ năm 2019, đến nay đã thu được nhiều kết quả tích cực góp phần tăng cường vai trò của người lao động tại các doanh nghiệp trong hoạt động giám sát việc tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, thúc đẩy quá trình sản xuất và tiêu dùng bền vững, triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.
Năm 2024, Diễn đàn “Công nhân lao động vì môi trường” tiếp tục được tổ chức vào ngày 12/12, với mong muốn đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hoạt động công nhân, người lao động bảo vệ môi trường, nêu cao hơn nữa vai trò của người lao động trong hoạt động kinh doanh, sản xuất của doanh nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, thúc đẩy sự tham gia tích cực của các công đoàn cơ sở trong các hoạt động giám sát công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường của các doanh nghiệp trên toàn quốc; đồng thời tôn vinh những sáng kiến, ý tưởng của người lao động trong công tác bảo vệ môi trường.