Công nhân kỹ thuật cao có vai trò rất quan trọng trong sản xuất

Sáng 5-5, tại buổi gặp gỡ 90 công nhân kỹ thuật cao, đại diện cho một nghìn công nhân lao động kỹ thuật cao trên cả nước được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Nhà nước rất quan tâm tới đội ngũ công nhân kỹ thuật cao và sẽ hỗ trợ về mọi mặt để đội ngũ này ngày càng phát triển lớn mạnh.

Quang cảnh buổi gặp gỡ.

Quang cảnh buổi gặp gỡ.

Cùng tham dự buổi gặp gỡ có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam; đại diện lãnh đạo các bộ: Giáo dục và Đào tạo; Lao động - Thương binh và Xã hội; Khoa học và Công nghệ cùng các ban, ngành chức năng để lắng nghe và có giải pháp tháo gỡ những vướng mắc, kiến nghị của công nhân lao động.

Buổi gặp gỡ là diễn đàn lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ đối thoại và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất chính sách của công nhân lao động kỹ thuật cao, những người đang làm chủ công nghệ, làm chủ máy móc, điều hành dây chuyền sản xuất công nghệ cao thay thế chuyên gia nước ngoài, luôn tích cực, sáng tạo trong học tập, tiếp thu kinh nghiệm tiên tiến của thế giới. Diễn đàn đặc biệt có ý nghĩa khi Đảng, Nhà nước đang có những nỗ lực cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có kỹ thuật cao để đáp ứng yêu cầu phát triển mới, không để tụt lại phía sau khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên toàn thế giới.

Phát biểu ý kiến tại buổi gặp gỡ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những nỗ lực, cống hiến của đội ngũ công nhân lao động trên cả nước, đặc biệt là công nhân kỹ thuật cao đã không ngừng lao động, học tập, nâng cao tay nghề để làm chủ dây chuyền sản xuất, công nghệ, đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của cả nước. Để thúc đẩy phát triển nền kinh tế trong thời kỳ hội nhập, không chỉ dựa vào vốn, giá nhân công rẻ mà còn phụ thuộc rất nhiều vào tay nghề, việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật. Vì vậy, công nhân kỹ thuật cao có vai trò rất quan trọng trong quy trình sản xuất, quyết định hiệu quả và tăng năng suất lao động. “Hơn lúc nào hết, công nhân bậc cao là động lực phát triển của đất nước, cho nên, Nhà nước rất quan tâm và sẽ hỗ trợ về mọi mặt để đội ngũ này ngày càng phát triển lớn mạnh, phát huy sự năng động và sáng tạo trong thời kỳ mới”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham quan các dây chuyền sản xuất công nghệ cao bên lề buổi gặp gỡ.

Ngoài các kiến nghị trực tiếp của công nhân kỹ thuật cao về chính sách đào tạo, nâng cao kỹ năng, môi trường làm việc,…, thay mặt đội ngũ công nhân lao động cả nước, đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã gửi đến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bản đề xuất kiến nghị gồm 43 nội dung thuộc bảy nhóm vấn đề. Một là, thuế thu nhập cá nhân đối với thợ mỏ ngành than, thuyền viên ngành hàng hải và công nhân, lao động kỹ thuật cao ngành dầu khí. Hai là, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của thuyền viên ngành hàng hải, của công nhân mỏ ngành than. Ba là, về chế độ lương các ngành hàng hải, hàng không, ngành thép, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội. Bốn là, điều kiện làm việc của công nhân mỏ, của các y sĩ, bác sĩ, công nhân ngành thép, ngành hàng không. Năm là, nâng cao chất lượng cuộc sống công nhân, lao động kỹ thuật cao. Sáu là chính sách đào tạo công nhân, lao động kỹ thuật cao. Bảy là, chính sách phát triển đội ngũ công nhân, lao động kỹ thuật cao.

Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, những hiến kế, đề xuất, kiến nghị trên đều mang tâm huyết của công nhân, lao động kỹ thuật cao, do đó mong Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan kịp thời nghiên cứu, triển khai thực hiện.

Công nhân kỹ thuật cao làm việc tại Công ty Bóng đèn, phích nước Rạng Đông phát biểu ý kiến tại buổi gặp gỡ.

QUÝ HIỀN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/40080602-cong-nhan-ky-thuat-cao-co-vai-tro-rat-quan-trong-trong-san-xuat.html