'Công nhận Jerusalem', canh bạc của ông Trump có thành công?

Cho đến nay, các ý kiến về quyết định của Tổng thống Mỹ thường xoay quanh hiệu ứng của nó đối với các cuộc đàm phán giữa Israel - Palestine. Nhưng dường như người Mỹ có quan điểm khác...

Mặc dù sẽ mất hàng năm trời để hoàn tất việc dời sứ quán và ông Donald Trump cũng cẩn thận “gài” thêm rằng biên giới của Jerusalem sẽ cần được xác định thông qua đàm phán, nhưng theo Washington Post, rõ ràng đây là bước chuyển chính sách không thể đảo ngược của Mỹ.

Một khu chợ ở Jerusalem (Ảnh: Lonely planet)

Tuy nhiên, cần phải minh định một số vấn đề về tính toán của Tổng thống Mỹ. Cho đến nay, các ý kiến về quyết định của Tổng thống Mỹ thường xoay quanh hiệu ứng của nó đối với các cuộc đàm phán giữa Israel - Palestine. Nhưng dường như người Mỹ có quan điểm khác.

Mớ bòng bong chính trị khu vực

Vị thế của Jerusalem đã luôn là một trong những vấn đề chính bị để lại cho các vòng đàm phán cuối cùng. Công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel xưa nay luôn được hiểu là bước nhượng bộ chủ chốt để đổi lấy một thỏa thuận chung về các vấn đề khác như biên giới, việc định cư hay hồi hương những người lưu vong Palestine.

Ông Trump đã biếu không món quà này cho Israel trong khi không cho người Paletine một chút gì để đổi lại. Trong khi việc gạt đi một thứ có thể mang ra đổi chác có vẻ là một chiến thuật đàm phán kỳ lạ, một số nhà bình luận và cựu quan chức ngoại giao cho rằng chuyển sứ quán về Jerusalem thậm chí có thể thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình.

Nhưng cũng việc này lại có thể có tác dụng ngược lại và chính trị khu vực Trung Đông sẽ quyết định canh bạc của ông Trump có thành công hay không. Điều này còn phụ thuộc xu thế. Ảrập Xêút và các đối tác chính của nước này đã nói rõ rằng họ coi sự đối đầu trong khu vực với Iran là ưu tiên chiến lược cấp bách nhất. Chính trị khu vực Ảrập bị phân cực và chia rẽ sâu sắc, một phần bởi chiến dịch kéo dài 6 tháng do Ảrập Xêút phát động chống Qatar.

Trong khi đó, lãnh thổ Palestine tiếp tục là một trong số ít các vấn đề được thống nhất trong khối Ảrập đầy chia rẽ. Các chế độ ở khu vực cho đến nay, tuy cùng bày tỏ sự tức giận về chuyện Israel và Jerusalem, vẫn hiểu rằng họ cần phải ứng xử thận trọng. Nếu tập trung quá vào chuyện lãnh thổ Palestine thì rất có thể một quốc gia trong khối sẽ rời xa khối liên minh Ảrập Xêút và nghiêng về đối thủ của nhóm này là Qatar. Nhưng ngay cả các nước Ảrập đồng minh thân cận với Mỹ cũng công khai lên án việc công nhận Jerusalem, có lẽ họ sợ mất vị thế chính trị trong khu vực trước Qatar và Iran, hoặc nhường lại quyền phát ngôn cho những tổ chức truyền thông như đài truyền hình Al Jazeera của Qatar.

Trump khôn ngoan?

Có lẽ xét trong bối cảnh đó, nhà bình luận Alan Dershowitz cho rằng ông Trump đã đúng trong chuyện Jerusalem. Trên Foxnews, giáo sư luật của Đại học Havard viết: “Bước đi của Tổng thống Trump là lời đáp trả hoàn hảo trước quyết định bị xem là sai lầm của người tiền nhiệm Obama khi thay đổi chính sách của Mỹ (ông Obama ủng hộ một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tuyên bố các địa điểm linh thiêng của đạo Do Thái ở Jerusalem là lãnh thổ bị chiếm đóng)".

Theo ông Dershowitz, ông Obama đã thay đổi tính nguyên trạng và khiến đàm phán hòa bình càng trở nên khó khăn khi trao vào tay người Palestine nhiều “đòn bẩy” hơn trong các cuộc đàm phán tương lai, khiến họ khó chấp nhận một vài nhượng bộ để có được hòa bình (Tất nhiên đây là quan điểm riêng của ông Alan Dershowitz).

Mỹ trong thời gian dài luôn phủ quyết bất cứ nghị quyết nào của Hội đồng Bảo an tuyên bố các địa điểm linh thiêng của đạo Do Thái bị chiếm đóng trái phép. Quyết định của ông Obama, theo Dershowitz, là không dựa trên lợi ích của Mỹ, cũng chẳng vì hòa bình khu vực. Hành động này, theo vị giáo sư luật, chỉ đơn giản là đòn trả đũa cá nhân của ông Obama đối với Thủ tướng Israel Netanyahu, và là hành động trong tức giận của một ông tổng thống sắp mãn nhiệm.

Hành động của ông Obama cũng được xem là nhằm trói tay tổng thống đắc cử Trump và vì thế, ông Trump bằng hành động công nhận Jerusalem đã tuyên bố với Liên hợp quốc rằng Mỹ bác bỏ nghị quyết kể trên của Hội đồng Bảo an.

Cần nói thêm rằng nghị quyết của Hội đồng Bảo an tuyên bố rằng “bất cứ thay đổi nào đối với các ranh giới được vạch ra ngày 4/6/1967, gồm cả ranh giới Jerusalem, không hợp pháp và vi phạm luật quốc tế”. Điều này có nghĩa là quyết định xây khu mua sắm dành cho các tín đồ đến cầu nguyện ở Bức tường phía tây, nơi linh thiêng của đạo hữu Do Thái, cũng vi phạm luật pháp quốc tế.

Trước ngày 4/6/1967, người Do Thái bị cấm đến cầu nguyện tại Bức tường phía tây, bị cấm tham dự các lớp học ở Đại học Tổng hợp Hebrew, mở năm 1925. Người Do Thái cũng không được khám chữa bệnh ở Bệnh viện Hadassah, cho dù nơi này đối xử bình đẳng giữa người Do Thái và người Ảrập từ năm 1918. Những cấm kỵ này do Jordan thúc đẩy sau khi chiếm được vùng này sau cuộc chiến với Israel năm 1948. Mọi thứ chỉ thay đổi khi Israel tái chiếm khu vực nói trên vào năm 1967.

NGUYỄN XUÂN THỦY

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/cong-nhan-jerusalem-canh-bac-cua-ong-trump-co-thanh-cong-post208904.html