Công nhân đường sắt Canada bãi công: Nền kinh tế đối mặt với khủng hoảng

Trong bối cảnh hầu hết dịch vụ vận tải đường sắt Canada phải ngừng hoạt động do các cuộc bãi công kéo dài gần 2 tuần qua, Công ty Dịch vụ đường sắt Canada Via Rail vừa thông báo sẽ tạm thời cho 1.000 nhân viên nghỉ việc. Đây là tình huống chưa từng có trong lịch sử Canada và trong 42 năm hình thành, phát triển của Via Rail.

Hiện tại, Via Rail có 3.100 nhân viên, cung cấp dịch vụ trên mạng lưới đường sắt dài 12.500km. Trước Via Rail, Công ty Đường sắt quốc gia Canada cũng đã cho 450 nhân viên tạm thời nghỉ việc. Động thái này diễn ra chỉ vài ngày sau khi công ty buộc phải dừng hoạt động ở khu vực miền Đông Canada, do tác động của cuộc bãi công liên quan đến Dự án đường ống Coastal GasLink dẫn khí đốt ở tỉnh British Columbia. Đây là dự án trị giá 6,6 tỷ đô la Canada (CAD - tương đương khoảng 4,98 tỷ USD), được thiết kế để vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Dawson Creek tới Kitimat, đều nằm tại British Columbia. Tuy nhiên, một số tù trưởng phản đối kịch liệt vì khoảng 22.000km2 thuộc tỉnh này là vùng lãnh thổ truyền thống của bộ tộc bản xứ, dẫn đến các cuộc bãi công rầm rộ của công nhân đường sắt, vốn phần lớn là người các bộ tộc.

Những năm gần đây, trong ngành Đường sắt cũng có các cuộc bãi công, nhưng thường chỉ kéo dài vài ngày trước khi Chính phủ liên bang can thiệp yêu cầu người lao động quay lại làm việc. Tuy nhiên, trong làn sóng biểu tình, bãi công lần này, Chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau khó có thể làm được gì vì đảng cầm quyền chỉ nắm thiểu số tại Quốc hội. Trong khi đó, dịch vụ đường sắt được xem là một ngành xương sống của nền kinh tế Canada. Mỗi năm, Canada sử dụng dịch vụ đường sắt vận chuyển, phân phối lượng hàng hóa trị giá hơn 300 tỷ CAD (226,4 tỷ USD) đi khắp cả nước và đóng góp hơn 30% cho GDP của xứ sở Lá phong. Giới phân tích nhận định, cuộc bãi công kéo dài này sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế có quy mô 1.700 tỷ CAD (1.278 tỷ USD) của Canada. Theo Ngân hàng trung ương Canada, tốc độ tăng trưởng trong dài hạn của nước này sẽ chậm lại ở mức 1,3%.

Trước khi xảy ra các cuộc bãi công của công nhân đường sắt, nền kinh tế Canada cũng đã đứng trước nguy cơ suy thoái do mức nợ khổng lồ của các hộ gia đình kìm hãm việc chi cho tiêu dùng. Theo Công ty Tư vấn đầu tư và Nghiên cứu kinh tế Rosenberg Research and Associates Inc, tại Canada, các cá nhân và nhiều gia đình đang tận dụng giai đoạn lãi suất thấp để vay thế chấp hàng tỷ CAD. Vì vậy, người dân Canada đang phải chi nhiều hơn bao giờ hết vào việc thanh toán nợ, khiến tỷ lệ thu nhập sau thuế được dành để trả nợ đã tăng lên mức cao kỷ lục 14,96%.

Do đó, cuộc biểu tình, bãi công kéo dài trong ngành Đường sắt sẽ tiếp tục giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Canada. Phát biểu tại Hạ viện, Thủ tướng Justin Trudeau không ngần ngại nhấn mạnh, tình hình hiện nay là "không thể chấp nhận được" khi người dân bị thiếu hàng hóa, gián đoạn giao thông và buộc phải nghỉ việc. Nếu không nhanh chóng đưa ra biện pháp để giải quyết cuộc khủng hoảng trong ngành Đường sắt, nền kinh tế sẽ đối mặt với khó khăn, sự tín nhiệm dành cho đảng cầm quyền trong thời gian tới chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Phương Quỳnh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/959157/cong-nhan-duong-sat-canada-bai-cong-nen-kinh-te-doi-mat-voi-khung-hoang