Công nhân cần 'lương đủ sống'!

Lương đủ sống – 'là một mức lương để dựa vào đó mà sống, đảm bảo mức sống chấp nhận được', Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) của Liên Hiệp Quốc, đã đưa ra định nghĩa.

Năm 2017, Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất tăng lương tối thiểu bình quân 7,3%; năm 2018 tăng bình quân là 6,5%, năm 2019 tăng bình quân 5,3%, con số này vào năm 2020 là 5,5%. Các mức tăng được đưa ra nhằm mục đích đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

Nhưng trên thực tế, họ vẫn không đủ sống.

Vì lý do công việc, tiếp xúc với các công nhân ở khu vực Bình Dương, TPHCM, Bắc Ninh - tôi thường được nghe họ kể về những cơn buồn ngủ, những căn bệnh về xương khớp, suy giảm thị lực,... bởi phải thường xuyên làm ngoài giờ. Để đủ tiền trang trải các chi phí tối thiểu như ăn ở, nuôi con, tích lũy phòng lúc ốm đau…, thì làm tăng ca 10-12 giờ/ngày gần như là lựa chọn duy nhất của người lao động.

Thậm chí, một công nhân ở Khu Công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh) còn kể rằng, cô đã phải nhiều lần cắt giảm chi tiêu đến mức tối đa, ăn mì gói thay cơm nhiều bữa trong tuần, mới đủ tiền gửi về cho con nhỏ đang được ông bà ở quê chăm giúp.

Theo kết quả nghiên cứu của Oxfam, có tới 69% công nhân cho biết họ không có đủ tiền để trang trải nhu cầu sinh hoạt của mình, 31% không tiết kiệm được gì từ tiền lương, 37% luôn ở trong tình trạng vay nợ bạn bè và 96% không bao giờ hoặc hiếm khi đi ăn hàng. Đặc biệt, có 23% công nhân đang sống trong các điều kiện nhà ở tạm bợ và 44% cho biết đang sử dụng nước giếng và nước mưa.

Có thể thấy được khó khăn của công nhân qua những con số khảo sát ở ngành dệt may - nơi có giá trị xuất khẩu đóng góp từ 10-15% GDP, với khoảng 2,5 triệu lao động.

Một chuyên gia nghiên cứu về quan hệ lao động cũng đã chia sẻ với tôi rằng, mức tăng lương tối thiểu kia thực chất vẫn không thể đến được bữa cơm của người lao động, bởi lẽ, khi việc tăng lương mới chỉ trên giấy tờ thì giá cả các mặt hàng thực phẩm, chi phí nhà trọ đã tăng nhanh trước.

Với thu nhập bèo bọt, công nhân thường phải sinh hoạt tạm bợ (Ảnh: Thành Nguyễn)

Với thu nhập bèo bọt, công nhân thường phải sinh hoạt tạm bợ (Ảnh: Thành Nguyễn)

Vậy đâu mới là giải pháp để người lao động và gia đình họ được đảm bảo mức sống tối thiểu bằng đồng lương của mình? Tôi cho rằng, câu trả lời nằm ở cách hoạch định chính sách tiền lương. Hiện lương tối thiểu vẫn là căn cứ duy nhất để doanh nghiệp trả lương cho người lao động. Trong khi đó, từ nhiều năm nay, Tổ chức lao động quốc tế (ILO) đã khuyến nghị các quốc gia thành viên (trong đó có Việt Nam) trả lương theo mức đủ sống. Nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng cách tiếp cận tiền lương này.

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) của Liên Hiệp Quốc, đã đưa ra định nghĩa lương đủ sống – “là một mức lương để dựa vào đó mà sống, đảm bảo mức sống chấp nhận được”.

Như vậy, “lương đủ sống” là khoản lương người lao động nhận được trong một tuần làm việc tiêu chuẩn (với Việt Nam tối đa không quá 48 giờ) và đủ để trang trải các mức sống cơ bản cho họ và gia đình. Cơ cấu phần lương đủ sống không chỉ bao gồm các nhu cầu tối thiểu về ăn ở; mà còn cả các nhu cầu thiết yếu về y tế, giáo dục, quan hệ gia đình - xã hội, kể cả khoản dự phòng cho các trường hợp đột xuất....

So với lương tối thiểu, thì lương đủ sống sẽ có độ chênh. Nhưng tôi nghĩ, đó không phải là một cách tính xa xỉ, mà là mức tối thiểu cần có để công nhân có thể tái tạo sức lao động.

Về phía doanh nghiệp, khi người lao động và gia đình của họ có cuộc sống tử tế trong thời gian làm việc bình thường, sẽ thúc đẩy tăng trưởng cho doanh nghiệp. Thực tế, theo CDI, nguyên nhân chính dẫn đến các cuộc đình công xuất phát từ mức lương tối thiểu không đảm bảo cuộc sống của công nhân. Ở khía cạnh vĩ mô, tiếp cận tiền lương theo mức lương đủ sống cũng là yếu tố cần thiết để Việt Nam giữ được các cam kết về lao động trong Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Câu hỏi đặt ra tiếp theo, liệu các doanh nghiệp Việt Nam có thể trả lương theo mức “lương đủ sống”? Thực tế, nhiều nhà máy có muốn cũng không đủ khả năng thực hiện, bởi nhãn hàng quốc tế trả cho họ một đơn giá gia công hết sức “bèo”. Nói cách khác, tham gia vào các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng thấp, chính sách thu hút đầu tư dựa vào lợi thế về chi phí lao động giá rẻ bằng lao động giá rẻ khiến cho cả hai bên chủ sử dụng lao động – người lao động đều mắc kẹt ở vấn đề lương.

Trả lương theo mức lương đủ sống là cách để người lao động không còn phải tiếp tục đi ngược với xu hướng "tăng lương giảm giờ làm" của thế giới. Và việc này sẽ còn rất xa nếu không có sự thay đổi mạnh mẽ về chính sách thu hút đầu tư ngay từ bây giờ và tăng cường năng lực của các tổ chức công đoàn phải giám sát và tham gia chịu trách nhiệm, chống tình trạng hạ giá đơn hàng để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gia công trả thêm lương cho công nhân.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!

Lý Kiều

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/cong-nhan-can-luong-du-song-a443120.html