Công nhận các 'khu du lịch', 'điểm du lịch': Tạo cơ sở để khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch

Các khu, điểm du lịch hình thành trên cơ sở nguồn tài nguyên du lịch phong phú; để rồi đến lượt nó, các khu, điểm du lịch hoạt động hiệu quả sẽ góp phần khai thác hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn.

Khu Di tích Cửa Đạt.

Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Xuân Liên là một trong những khu bảo tồn lớn, có diện tích trên 23.800 ha, chủ yếu là rừng nguyên sinh với nhiều loài động, thực vật quý, hiếm. Khu bảo tồn có tiềm năng lớn để khai thác, phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm khám phá vẻ đẹp rừng nguyên sinh. Nhờ tiềm năng to lớn đó, Khu BTTN Xuân Liên đã được tỉnh cho lập Quy hoạch phát triển du lịch sinh thái đến năm 2020 và được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 4168/QĐ-UBND, ngày 12-12-2012. Bằng nhiều nguồn vốn đầu tư, khu bảo tồn này đã xây dựng được trung tâm đón tiếp du khách, khu dừng nghỉ và một số tuyến giao thông quan trọng.

Đặc biệt, với việc được UBND tỉnh công nhận “Khu du lịch” cấp tỉnh, đã mở ra cơ hội cho Khu BTTN Xuân Liên trong thu hút các nguồn lực đầu tư để hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất phục vụ du lịch, xây dựng các tour, tuyến du lịch... Một động thái tích cực nhằm sớm đưa Xuân Liên trở thành điểm đến hấp dẫn du khách là UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 2457/QĐ-UBND, ngày 20-6-2019 về việc phê duyệt Đề cương nhiệm vụ lập Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Khu BTTN Xuân Liên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, mục tiêu hướng tới là “bảo tồn và phát huy các giá trị cảnh quan thiên nhiên; khai thác tiềm năng, lợi thế về đa dạng sinh học, danh lam thắng cảnh, tín ngưỡng gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc; tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân địa phương”.

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh đã có 12 khu du lịch cấp tỉnh và 57 điểm du lịch đã được thẩm định được Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định công nhận. Trong các “Khu du lịch” được công nhận, có những cái tên tiêu biểu của du lịch Thanh Hóa, như Khu Du lịch sinh thái biển Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa), Khu Di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng (TP Thanh Hóa), Khu Du lịch sinh thái cộng đồng bản Năng Cát - thác Ma Hao (xã Trí Nang, huyện Lang Chánh), Khu BTTN Xuân Liên (xã Xuân Cẩm, huyện Thường Xuân); Suối cá Cẩm Lương (huyện Cẩm Thủy)... Cùng với đó, trong các “Điểm du lịch” được công nhận, có nhiều điểm đến hấp dẫn, như đền Độc Cước, hòn Trống Mái, đền thờ Hoàng Minh Tự, đền Bà Triều, đền Cô Tiên (TP Sầm Sơn); đền Ngã Ba Bông (tức đền Cô Bơ, xã Hà Sơn, huyện Hà Trung); đền thờ Trần Hưng Đạo (xã Hà Dương, huyện Hà Trung); đền thờ Lê Hoàn (xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân); di chỉ khảo cổ học văn hóa Đông Sơn (phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa)...

Cảnh sắc ven hồ Cửa Đạt.

Theo Luật Du lịch, để được công nhận là “khu du lịch” và “điểm du lịch”, các điểm đến phải đáp ứng các điều kiện cơ bản như có tài nguyên du lịch với ưu thế về cảnh quan thiên nhiên hoặc giá trị văn hóa và có ranh giới xác định; phải có kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đáp ứng nhu cầu lưu trú, ăn uống và các nhu cầu khác của khách du lịch. Đồng thời, phải có sự kết nối với hệ thống hạ tầng giao thông, viễn thông quốc gia, cũng như đáp ứng điều kiện về an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật... Điều đáng nói hơn, việc được công nhận là các “khu du lịch”, “điểm du lịch” sẽ tạo điều kiện để khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch, thông qua việc thu hút các nguồn lực đầu tư, bao gồm cả nguồn lực từ ngân sách Nhà nước và các nguồn lực xã hội khác. Qua đó, hoàn thiện hạ tầng và cơ sở vật chất du lịch; từng bước nâng cao chất lượng quản lý, khai thác và đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu điểm đến du lịch này một cách rộng rãi, bài bản, hiệu quả hơn.

Cũng theo quy định, các “khu du lịch”, “điểm du lịch” sau khi được công nhận thì việc quản lý, khai thác phải tuân thủ theo Luật Du lịch. Trong đó, các tổ chức, cá nhân được giao quản lý “điểm du lịch” được quyền đầu tư, khai thác và bảo vệ tài nguyên du lịch; đồng thời, ban hành nội quy, tổ chức kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch; tổ chức dịch vụ hướng dẫn, cũng như quy định, quản lý việc sử dụng hướng dẫn viên du lịch trong phạm vi quản lý và được thu phí theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân này là phải thực hiện tốt việc quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch tại “điểm du lịch”, tránh để xảy ra các hoạt động trái quy định, gây phản cảm, ảnh hưởng đến hình ảnh điểm đến. Đặc biệt, phải tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến tham quan, cũng như bảo đảm an toàn cho du khách và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường. Đồng thời, tiếp nhận và giải quyết kịp thời kiến nghị của khách du lịch tại điểm đến.

Còn đối với các “khu du lịch”, nhờ vào tài nguyên du lịch nổi trội nên yêu cầu đặt ra trong công tác quản lý điểm đến cũng cao hơn và nhiều vấn đề, nhiều nội dung hơn, như quản lý công tác quy hoạch và đầu tư phát triển; quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, hoạt động của hướng dẫn viên du lịch; quản lý việc đầu tư, khai thác và bảo vệ tài nguyên du lịch... Đồng thời, bảo đảm an toàn cho khách du lịch, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường trong khu du lịch; xây dựng hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn, điểm cung cấp thông tin phục vụ khách du lịch... Có thể nói, việc công nhận các “điểm du lịch” và “khu du lịch” đang và sẽ tạo ra hành lang pháp lý quan trọng cho việc bảo vệ nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn trên địa bàn. Đồng thời, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân trong công tác phát triển du lịch. Từ đó, định hướng cho việc thu hút đầu tư, phát triển sản phẩm, cũng như từng bước chuyên nghiệp hóa công tác quảng bá, xúc tiến thị trường, xây dựng thương hiệu... nhằm khai thác và phát huy hiệu quả giá trị các di tích, danh thắng phục vụ phát triển du lịch.

Tuy nhiên, thực tế, việc quản lý và khai thác tài nguyên du lịch nói chung, vận hành các khu, điểm du lịch nói riêng vẫn còn những hạn chế nhất định. Thực trạng này có nguyên nhân của nó, trong đó có một nguyên nhân căn bản là nguồn lực đầu tư của Nhà nước vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Trong khi, sản phẩm chủ lực du lịch nghỉ dưỡng biển vẫn chịu ảnh hưởng của yếu tố thời tiết, mùa vụ nên việc thu hút, kêu gọi các dự án đầu tư quy mô lớn, chất lượng cao còn hạn chế, nhất là tại các khu du lịch biển Hải Hòa, Tiên Trang... Cùng với đó, các khu, điểm du lịch nằm tách biệt, cách xa nhau gây bất lợi cho việc kết nối các tour, tuyến. Chẳng hạn như Khu BTTN Xuân Liên dù rất giàu tài nguyên du lịch nhưng chưa được khai thác thỏa đáng; mà bản thân nó lại nằm cách xa các khu, điểm du lịch khác của tỉnh, khiến cho việc kết nối nhằm làm gia tăng tính đa dạng, hấp dẫn cho sản phẩm là không dễ.

Ngoài ra, quá trình vận hành, khai thác các khu, điểm du lịch ở tỉnh ta cũng đang gặp phải nhiều bất cập chung như hạ tầng chưa đồng bộ, hiện đại; thiếu các sản phẩm du lịch đặc trưng riêng, chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh; công tác xúc tiến, quảng bá du lịch chưa chuyên nghiệp, bài bản; chất lượng nguồn nhân lực còn thấp; hoạt động liên kết trong phát triển du lịch còn hạn chế. Công tác quản lý Nhà nước về du lịch những năm qua mặc dù đã được tăng cường, song không thể phủ nhận, nhận thức của các cấp, các ngành về quản lý phát triển du lịch chưa đầy đủ. Do đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và sự phối hợp của một số sở, ngành, địa phương, tổ chức nghề nghiệp có liên quan về phát triển du lịch cũng chưa được quan tâm đúng mức. Điển hình trong đó phải kể đến việc phối hợp rà soát, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động đầu tư ở các khu, điểm du lịch vẫn chưa thường xuyên và mang lại hiệu quả. Điều đó đã dẫn đến nhiều dự án kéo dài hàng dăm, bảy năm, thậm chí là trên chục năm vẫn chưa hoàn thành, gây lãng phí tài nguyên du lịch.

Bài và ảnh: Hoàng Xuân

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/du-lich/cong-nhan-cac-khu-du-lich-diem-du-lich-tao-co-so-de-khai-thac-hieu-qua-tai-nguyen-du-lich/136894.htm