Công nghiệp vũ khí: Kiểm soát vũ khí (kỳ cuối)

Chi tiêu quân sự có thể mang lại sự giàu có cho một nhóm lợi ích, nhưng phương hại đến hòa bình và an ninh quốc tế, cũng như trật tự trị an trong một nước.

Người ta ước tính hàng năm, hơn 1.500 tỷ USD được chi tiêu cho các chi phí quân sự trên toàn thế giới, chiếm 2,2% GDP toàn cầu. Công nghiệp vũ khí luôn là ngành kinh doanh phát đạt.

Chi tiêu quân sự có thể mang lại sự giàu có cho một nhóm lợi ích, nhưng phương hại đến hòa bình và an ninh quốc tế, cũng như trật tự trị an trong một nước. Ðó là chưa kể thế giới sẽ mất đi một nguồn lực vô cùng lớn lẽ ra dành cho phát triển kinh tế và xã hội. Vì vậy, luôn có những nỗ lực kiểm soát việc mua bán, phổ biến vũ khí ở tầm quốc gia và quốc tế.

Chính sách súng

Việc kiểm soát vũ khí trong một nước được giới chuyên môn gọi là “chính sách súng”. Đó có thể là những chương trình kiểm soát việc mua bán, tàng trữ và phổ biến “vũ khí nóng” đối với các cá nhân và tổ chức. Nhìn chung, hầu hết các nước đều hạn chế việc tàng trữ và sở hữu súng cá nhân, ngoại trừ những trường hợp cá biệt và phải có giấy phép. Tuy nhiên, có những nước việc sở hữu súng được thừa nhận như “quyền tự vệ”, chẳng hạn tại Mỹ, nơi có tới 35% hộ gia đình sở hữu súng (tính đến năm 2006).

Trong thực tế, “chính sách súng” ở Mỹ đã bị chỉ trích nhiều lần, đặc biệt sau khi diễn ra những vụ thảm sát bằng súng ở trường học, và mới đây nhất là vụ xả súng ở Las Vegas vào đêm 1-10-2017 tại lễ hội âm nhạc đồng quê Route 91 Harvest thường niên lần thứ 4 tại Paradise, Nevada.

Trong phần biểu diễn kết thúc chương trình của ca sĩ Jason Aldean, một tay súng đã xả súng vào đám đông từ tầng 32 của khu nghỉ dưỡng Mandalay Bay gần đó. Đây là vụ bắn chết nhiều người nhất ở Mỹ, với ít nhất 60 người chết (bao gồm cả thủ phạm) và 527 người bị thương.

Nơi xảy ra vụ xả súng đẫm máu ngày 1-10-2017 ở Mỹ.

Giới chống đối cho rằng việc dễ dàng sở hữu súng là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ xả súng. Tại châu Âu, năm 2008, các nước EU thông qua EU Directive 2008/51/EC, theo đó kiểm soát chặt chẽ hơn tình trạng sở hữu súng của những người có giấy phép như thợ săn, nhà sưu tầm… nhằm “ngăn chặn châu Âu trở thành một nền văn hóa yêu súng như Mỹ”.

Không phổ biến hạt nhân

Các hiệp ước kiểm soát vũ khí thường được xem như một cách để ngăn chặn những cuộc chạy đua vũ khí tốn kém vốn bị xem là lãng phí tài nguyên trên hành tinh và phương hại đến hòa bình tương lai.

Một số hiệp ước lại được dùng để ngăn chặn việc phổ biến một loại công nghệ quân sự nào đó (như công nghệ vũ khí hạt nhân hoặc tên lửa liên lục địa) để bảo đảm các nước tham gia sẽ không trở thành nạn nhân của những công nghệ giết người đó.

Trong khi kiểm soát vũ khí được nhiều nhà cổ súy hòa bình xem như một công cụ chính để chống lại chiến tranh, các bên tham gia lại đơn giản xem chúng như một cách để giới hạn chi phí ngất ngưỡng của việc phát triển và chế tạo vũ khí, và thậm chí giảm chi phí đi kèm với chiến tranh.

Loại vũ khí tối tân và có sức hủy diệt lớn nhất hiện nay có lẽ là các đầu đạn hạt nhân. Chúng có thể dễ dàng hủy diệt một thành phố hoặc thậm chí một quốc gia. Vì vậy, vấn đề kiểm soát vũ khí hạt nhân từ lâu đã được chú ý. Ngày 1-6-1968, Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân (Nuclear Non-Proliferation Treaty - viết tắt là NPT hoặc NNPT) ra đời.

Mục tiêu chính của hiệp ước nhằm hạn chế việc phổ biến vũ khí hạt nhân, với 3 nguyên tắc chính: Không phổ biến, giải trừ và quyền sử dụng hạt nhân cho mục đích hòa bình.

Theo đó, các nước sở hữu vũ khí hạt nhân tại thời điểm NPT được ký kết là Mỹ, Liên Xô (nay là Nga), Trung Quốc, Anh và Pháp không sản xuất thêm vũ khí hạt nhân và không được phổ biến hoặc chuyển giao công nghệ hạt nhân cho các nước khác. Đồng thời, 5 thành viên có vũ khí hạt nhân phải tiến tới việc cắt giảm dần số vũ khí hạt nhân trong kho...

Hiện trường vụ xả súng ở Las Vesgas 2017 .

Hiện hầu hết các nước trên thế giới đều tham gia hiệp ước này (187 nước). Tuy nhiên, vẫn có những quốc gia sở hữu và bị nghi ngờ sở hữu vũ khí hạt nhân không tham gia NPT, trong đó đáng chú ý là các nước như Ấn Độ, Pakistan, Israel và Triều Tiên.

Những nước này cho rằng hiệp ước không công bằng khi giúp các nước đã có vũ khí hạt nhân chiếm được ưu thế quân sự tuyệt đối so với các nước còn lại. Quyền sử dụng hạt nhân cho mục đích hòa bình cũng khiến nảy sinh nhiều mâu thuẫn, khi có nước bị cáo buộc lợi dụng điều này để phát triển vũ khí hạt nhân (như Iran).

Hiệp ước Buôn bán vũ khí

Ước tính có hơn 2.000 người chết mỗi năm vì bạo lực có vũ khí. Trong khi đó, chỉ tính riêng tại châu Phi, những cuộc nội chiến và mâu thuẫn vũ trang đã tiêu tốn khoảng 284 tỷ USD từ năm 1990-2005, tức bình quân 18 tỷ USD/năm - một con số gần như đối nghịch với mọi khoản cứu trợ đối với châu lục nơi nạn đói diễn ra tràn lan này. Chỉ 15/52 nước ở lục địa đen có GDP lớn hơn 18 tỷ USD/năm (tính đến năm 2010). Điều khiến người dân châu Phi tổn hại nhiều hơn là có đến 95% vũ khí dùng trong các mâu thuẫn vũ trang được mua lậu xuyên biên giới.

Nếu có một hiệp ước kiểm soát hoạt động mua bán vũ khí toàn cầu, tình trạng bạo lực và đói nghèo có thể sẽ giảm đáng kể. Đó là lý do các đoàn đại biểu khắp thế giới đã tập hợp ở New York (Mỹ) để tham gia hội nghị do Liên Hiệp Quốc chủ trì từ ngày 2 đến 27-7-2012 nhằm đưa ra một hiệp ước đầu tiên mang tính ràng buộc nhằm điều chỉnh thị trường vũ khí toàn cầu trị giá hơn 70 tỷ USD/năm.

Ban đầu, hiệp ước không được thông qua do bất đồng vẫn tồn tại giữa các nhà sản xuất vũ khí lớn như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Đức và Pháp đối với hiệp ước và thậm chí là cách xét xử việc mua bán vũ khí như thế nào. Từ đầu, Mỹ phản đối hiệp ước bao gồm cả mua bán đạn dược, trong khi Trung Quốc muốn loại trừ vũ khí nhỏ và cả Bắc Kinh lẫn Moscow đều hạn chế việc tham chiếu luật nhân quyền.

Nhưng 74 nước châu Phi, Mỹ Latinh và châu Âu đã ra thông cáo buộc phải đạt được hiệp ước kiểm soát việc buôn lậu vũ khí, vì có nguy cơ lớn rằng việc này sẽ được dùng để đi ngược lại luật nhân quyền. Thông cáo cũng cho rằng vũ khí nhỏ và đạn dược phải được bao gồm trong hiệp ước.

Đến ngày 2-4-2013, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua hiệp ước với tên gọi Hiệp ước Buôn bán vũ khí (ATT), có nội dung tóm lược: “ATT bắt buộc các quốc gia thành viên phải theo dõi việc xuất khẩu vũ khí và đảm bảo rằng vũ khí không vi phạm các lệnh cấm vận vũ khí hiện tại hoặc cuối cùng dùng cho việc lạm dụng quyền con người, bao gồm khủng bố.

Các quốc gia thành viên, với sự hỗ trợ của Liên Hiệp Quốc, sẽ đưa ra các quy định về nhập khẩu và xuất khẩu vũ khí có thể thực thi được, tiêu chuẩn hóa (giống như những quy định đã có ở Mỹ) và dự kiến sẽ theo dõi đích đến của xuất khẩu để đảm bảo rằng chúng cuối cùng không được sử dụng sai. Điều này có nghĩa là hạn chế sự xâm nhập của vũ khí nguy hiểm vào những nơi như Syria.

Văn Cường

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/ho-so-interpol-cstc/cong-nghiep-vu-khi-kiem-soat-vu-khi-ky-cuoi-469953/