Công nghiệp văn hóa, sáng tạo đang trở thành động lực cho sự phát triển

Công nghiệp văn hóa có xuất phát điểm từ khá lâu, nhưng từ năm 2000 trở lại đây, khái niệm các ngành công nghiệp văn hóa (cultural industries) mới được nhắc đến nhiều hơn, và trở thành một trong những trọng tâm phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới.

Tối 13/9/2022, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao giải thưởng Cánh diều cho các tác phẩm, nghệ sĩ, người làm phim xuất sắc năm 2021. Ảnh Đặng Tuấn/TTXVN.

Tối 13/9/2022, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao giải thưởng Cánh diều cho các tác phẩm, nghệ sĩ, người làm phim xuất sắc năm 2021. Ảnh Đặng Tuấn/TTXVN.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, từ những năm 2000, yếu tố sáng tạo là nguồn lực lớn cho sự phát triển của quốc gia và là một xu thế lớn trên thế giới. Các ngành kinh tế sáng tạo, công nghiệp văn hóa - sáng tạo đã và đang trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế thế giới.

“Chúng ta chứng kiến nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp từ ý tưởng sáng tạo trở thành những công ty định hình lại mô hình kinh doanh toàn cầu như Facebook, Amazon, Airbnb, Netflix, Grab, Uber... Văn hóa nhờ đó được quan tâm nhiều hơn khi chính văn hóa là tác nhân kích thích sự hình thành và tạo ra giá trị cho sáng tạo. Các ngành công nghiệp văn hóa trở thành một trong những lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất ở các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản hay Hàn Quốc”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho biết.

Hiện nay, công nghiệp văn hóa ở Việt Nam xác định bao gồm 12 lĩnh vực: Quảng cáo, Kiến trúc, Phần mềm và các trò chơi giải trí, Thủ công mỹ nghệ, Thiết kế, Điện ảnh, Xuất bản, Thời trang, Nghệ thuật biểu diễn, Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Truyền hình và phát thanh; Du lịch văn hóa. Công nghiệp văn hóa hiện đang là “con gà đẻ trứng vàng” của nhiều nền kinh tế thế giới.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, vai trò của công nghiệp văn hóa đối với nền kinh tế quốc dân và sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam trong giai đoạn hiện nay rất quan trọng. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sẽ giúp Việt Nam tái cơ cấu mô hình tăng trưởng, tạo ra những sản phẩm - dịch vụ văn hóa có tính cạnh tranh cao, tạo thêm công ăn việc làm ổn định, đóng góp tích cực cho nền kinh tế. Đây cũng là chiến lược để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong bối cảnh chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Sự dồi dào của hàng hóa - dịch vụ văn hóa Việt Nam trên thị trường nội địa và quốc tế chính là sức mạnh mềm văn hóa quan trọng của quốc gia, làm cho văn hóa thấm sâu vào đời sống người dân, cũng như mang văn hóa Việt Nam ra với thế giới, phát huy nội lực, quảng bá đất nước. Trong thời đại của kinh tế tri thức và công nghệ thông tin, công nghiệp văn hóa có khả năng biến văn hóa trở thành bộ phận quan trọng của thương mại và cạnh tranh quốc tế, giúp Việt Nam xây dựng được một nền kinh tế sáng tạo, thịnh vượng, tự tin và độc đáo.

Chính vì vậy, đã đến lúc Việt Nam cần nhập cuộc với xu thế thời đại, vươn lên nắm lấy vị trí của một quốc gia có các ngành công nghiệp văn hóa phát triển. Con người Việt Nam luôn được thế giới đánh giá là cần cù, sáng tạo. Tài năng của người Việt Nam được khẳng định ở nhiều lĩnh vực, từ thiên tài quân sự để vượt qua nhiều kẻ địch mạnh đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ và cả trong văn hóa nghệ thuật.

Đối với tiềm năng văn hóa, chúng ta tự hào là mảnh đất giàu truyền thống và đa dạng văn hóa. 54 dân tộc anh em cùng lịch sử hàng ngàn năm để tạo ta một kho tàng vô giá về di tích, nghi lễ, lễ hội, trò chơi dân gian, thủ công truyền thống, dân ca, dân vũ, ẩm thực, phong tục tập quán, truyền thuyết, hình tượng anh hùng... Tất cả đều có thể trở thành chất liệu tuyệt vời cho sáng tạo, tạo ra những sản phẩm văn hóa nghệ thuật vừa tôn vinh văn hóa dân tộc, vừa tạo ra sự khác biệt, giá trị riêng cho các sản phẩm văn hóa nghệ thuật.

Tuy vậy, thực tế cho thấy rằng, dù chúng ta có những nỗ lực và thành công nhất định (năm 2019 đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa chiếm 3,61% GDP so với mục tiêu 3% đến năm 2020) nhưng vẫn chưa đáp ứng được với kỳ vọng của những người yêu mến văn hóa nghệ thuật, cũng như khát khao khai thác giá trị văn hóa cho sự phát triển bền vững. Những tác phẩm văn hóa nghệ thuật của Việt Nam có thể chinh phục khán giả thế giới còn chưa nhiều. Tên tuổi, thương hiệu của các văn nghệ sĩ, nhà sáng tạo Việt Nam chưa thực sự được định hình rõ ràng trong khu vực và trên thế giới. Nhiều sản phẩm nghệ thuật xuất hiện nhưng chưa tạo thành trào lưu, sớm nở tối tàn, các sự kiện không được tổ chức thường xuyên, không gian sáng tạo xuất hiện nhiều nhưng cũng biến mất nhanh...

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng cho rằng, tuy đã có sự quan tâm nhưng các ngành công nghiệp văn hóa chưa được khai thác hiệu quả, xứng tầm với lợi thế của bề dày văn hóa dân tộc, tài năng của con người Việt Nam. “Chúng ta không thiếu tài năng sáng tạo, không thiếu vốn văn hóa nhưng chúng ta chưa hình thành được một môi trường phù hợp, hỗ trợ cho sự sáng tạo để giúp quảng bá văn hóa dân tộc, cũng như giúp các tài năng sáng tạo của đất nước tỏa sáng”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.

Để tạo đà cho các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam thực sự cất cánh được, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, cần có sự tiếp sức, hỗ trợ từ phía Nhà nước để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Sự hỗ trợ này đầu tiên đến từ việc tạo điều kiện tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là các cơ quan quản lý Nhà nước đối với vị trí, vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển bền vững đất nước.

Các ngành công nghiệp văn hóa là lĩnh vực tạo ra sự đột phá trong tư duy về quản lý văn hóa, khai thác tiềm năng kinh tế của văn hóa, hình thành nên sức mạnh mềm của dân tộc, tạo lợi thế cho quá trình hội nhập quốc tế. Khi có nhận thức đúng, các bộ, ngành và địa phương sẽ có những hành động cụ thể, phù hợp để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Quan trọng hơn cả là cần có hệ thống chính sách pháp luật phù hợp, tạo hành lang pháp lý tháo gỡ những điểm nghẽn hiện có và môi trường hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đó có thể là luật về hiến tặng và tài trợ để huy động nguồn lực xã hội cho văn hóa nghệ thuật, các cơ chế về đất, thuế và địa vị pháp lý cho các tổ chức văn hóa nghệ thuật...

Điều quan trọng để tạo ra các chính sách thu hút nguồn lực chính là việc chúng ta cần phải coi đầu tư vào văn hóa là đầu tư phát triển, không phải là lĩnh vực tiêu tiền, thậm chí đem lại nhiều tiền cho đất nước. Chỉ từ nhận thức như vậy, mới hình thành các chính sách thu hút nguồn lực phù hợp. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng giáo dục sáng tạo ở các cấp học, tạo ra mạng lưới liên kết giữa các tổ chức văn hóa nghệ thuật, không gian sáng tạo, tổ chức các sự kiện tầm cỡ khu vực và quốc tế cho các ngành công nghiệp văn hóa chủ chốt như điện ảnh (Liên hoan phim quốc tế Hà Nội), âm nhạc (Lễ hội âm nhạc Gió mùa Monsoon), thời trang (Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam), ẩm thực (Tuần lễ ẩm thực quốc tế Hà Nội) để tạo điều kiện quảng bá, xây dựng thương hiệu cho các ngành công nghiệp văn hóa là những giải pháp phù hợp hiện nay.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn đặt nhiều kỳ vọng vào Hội thảo Văn hóa 2022 chuẩn bị được tổ chức với sự tham gia của gần 1000 đại biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương, gồm nhiều chuyên gia và đại diện đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp liên quan trực tiếp đến văn hóa. Đây là hội thảo lớn nhất về văn hóa xuất phát từ nhận thức của Quốc hội về vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa trong phát triển đất nước. Tin tưởng rằng, những ý kiến tâm huyết cho phát triển ngành công nghiệp văn hóa sẽ được dẫn chuyển thành luật pháp, chính sách cụ thể, từ đó tạo hành lang pháp lý, môi trường thuận lợi đưa các ngành công nghiệp văn hóa phát triển xứng tầm với những lợi thế, tiềm năng vốn có.

V.T/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/cong-nghiep-van-hoa-sang-tao-dang-tro-thanh-dong-luc-cho-su-phat-trien-20221121145423267.htm