Công nghiệp văn hóa: Đào tạo nguồn nhân lực cho điện ảnh

Trong các ngành nghệ thuật, nhân tố quan trọng làm nên thành công chính là con người. Trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, vấn đề đào tạo đội ngũ kế cận, có chuyên môn cao luôn được chú trọng.

Cái nôi của nghệ thuật xã hội chủ nghĩa

Ngay từ thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, khi nền điện ảnh Việt Nam còn trong trứng nước lại phải đối mặt với cuộc chiến không cân sức giải phóng đất nước nhưng Đảng, nhà nước vẫn gửi một lượng không nhỏ văn nghệ sĩ đi học, đào tạo tại nước ngoài. Từng có một thế hệ du học sinh được đào tạo tại cái nôi điện ảnh của Liên Xô cũ là VGik. Một số nghệ sĩ du học về điện ảnh, kỹ thuật tại các nước khác trong khối như Tiệp Khắc, CHDC Đức, Trung Quốc… Với vốn kiến thức được trang bị từ các nền điện ảnh tiên tiến thời bấy giờ, nhiều nghệ sĩ khi về nước đã có những đóng góp, cống hiến cho sự nghiệp điện ảnh nước nhà.

Phim Cánh đồng hoang

Phim Cánh đồng hoang

Ngoài lực lượng được cử đi du học tại các nước bạn, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội cũng mở các khóa đào tạo và mời chuyên gia Liên Xô, Trung Quốc sang giảng dạy như lớp đạo diễn, diễn viên điện ảnh khóa một được chuyên gia Nga giảng dạy. Lớp hóa trang, thiết kế mỹ thuật, bối cảnh lại được các nghệ sĩ Trung Quốc truyền thụ. Kết quả là điện ảnh Việt Nam đã có một thế hệ vàng với những đạo diễn, diễn viên, thiết kế mỹ thuật, quay phim, diễn viên… tạo nên nhiều bộ phim kinh điển cho điện ảnh Việt Nam. Những NSND, đạo diễn như Phạm Kỳ Nam, Phạm Văn Khoa, Hải Ninh, Hồng Sến, Bùi Đình Hạc, Huy Thành, Đặng Nhật Minh hay các diễn viên như Trà Giang, Phi Nga, Tuệ Minh… đã làm nên những bộ phim, những vai diễn sống mãi.

Phim Bao giờ cho đến tháng Mười

Những nỗ lực tự thân

Đi qua thập niên 70, 80 những lớp nghệ sĩ được gửi đi đào tạo cũng thưa dần khi tình hình thế giới, tình hình trong khối có nhiều biến động. Những thế hệ đã từng được đào tạo tại nước ngoài hay được thụ giảng bởi các chuyên gia, nghệ sĩ đến từ các nền điện ảnh lớn trở thành lực lượng nòng cốt, tạo nên nhiều tác phẩm hay. Đào tạo trong nước cũng cố gắng bắt kịp khu vực, thế giới qua những giáo trình có tham khảo, dịch thuật từ nước ngoài. Một số nghệ sĩ được mời thỉnh giảng, đứng lớp, truyền thụ cho thế hệ sau từ chính kinh nghiệm làm nghề của mình. Đã từng có một lớp diễn viên khóa 2 được đào tạo trong nước có năng lực, chuyên môn và đóng góp nhiều vào thành công của các bộ phim. Những diễn viên như Thanh Quý, Minh Châu, Bùi Bài Bình hay một lứa diễn viên sau này trở thành đạo diễn như Bùi Cường, Vũ Đình Thân, Hữu Mười… đều trưởng thành từ cái nôi đào tạo trong nước.

Thời kỳ mở cửa, một số bạn trẻ du học điện ảnh bằng nhiều cách khác nhau và được tiếp xúc với những nền điện ảnh tiên tiến như Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc… Lúc này điện ảnh Việt Nam có thêm một lực lượng khá hùng hậu, nhiệt huyết là những nghệ sĩ, đạo diễn, diễn viên Việt kiều về nước làm phim. Mang theo kiến thức, phương pháp làm phim hiện đại với câu chuyện có tiết tấu nhanh, sử dụng nhiều kỹ xảo với kỹ thuật tiệm cận dần các nước tiên tiến đã mang tới cho điện ảnh Việt Nam một làn gió mới. Hết lớp này tới lớp khác, các nghệ sĩ, đạo diễn Việt kiều đã đóng góp không nhỏ cho sự tăng trưởng của thị trường điện ảnh Việt Nam, góp thêm những tiếng nói, góc nhìn đa dạng, khác biệt.

Phim Nhắm mắt thấy mùa hè

Kinh nghiệm của các nền điện ảnh khác

Ở lĩnh vực đào tạo, sự thành công của điện ảnh Hàn Quốc hiện nay là nhờ vào chiến lược phát triển của Nhà nước khi bên cạnh việc bảo hộ phim nội đã có hàng ngàn du học sinh được gửi đi đào tạo từ những cái nôi điện ảnh tiên tiến của thế giới. Với hoạch định bài bản, các lĩnh vực từ sáng tạo câu chuyện, biên kịch, đạo diễn quay phim đến những công việc hậu kỳ như sản xuất, kỹ thuật, kỹ xảo… đều có nhân lực theo học. Kết quả là có một lớp nghệ sĩ khá đồng đều về trình độ, tay nghề trong tất cả các khâu đã tạo nên bước tiến dài cho điện ảnh Hàn Quốc tại khu vực và thế giới.

Với điện ảnh Trung Quốc, nhiều nghệ sĩ vươn ra thị trường lớn nhất là Hollywood và thành danh tại đây. Những đạo diễn tầm cỡ như Lý An, Ngô Vũ Sâm, Trần Khải Ca… hay các diễn viên như Châu Nhuận Phát, Lý Liên Kiệt, Dương Tử Quỳnh đã chinh phục Hollywood và cả thế giới khi trở thành một phần của ngành công nghiệp điện ảnh khổng lồ này. Lực lượng này cũng đóng góp cho điện ảnh trong nước qua các dự án mà họ tham gia hoặc đầu tư tại quê nhà.

Phim Ký sinh trùng (Hàn Quốc) giành giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes 2019

Trong xu thế hội nhập, nguồn nhân lực chất lượng cao có thể hoạt động, sáng tạo ở bất cứ đâu. Nhiều diễn viên, kỹ thuật viên Việt Nam hiện nay có nhiều người đã tham gia, góp mặt trong các dự án, bom tấn lớn của thế giới từ phim truyện đến phim hoạt hình. Nhiều nghệ sĩ có tay nghề cao của nước ngoài cũng được mời tham gia các dự án phim trong nước trên nhiều cương vị như giám đốc hình ảnh, kỹ thuật,chỉ đạo võ thuật, dựng phim… Tất cả tạo nên môi trường mở giúp nâng cao cơ hội trao đổi, học hỏi.

Tuy nhiên, để có được nguồn nhân lực chất lượng cao thì không thể trông chờ vào những nỗ lực lẻ tẻ, tự thân mà cần có sự định hướng, hỗ trợ từ nhà nước với những chính sách tuyển chọn, tài trợ, gửi đi đào tạo tại các nền điện ảnh tiên tiến. Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 cũng đề cập đến đào tạo như một trong những giải pháp để điện ảnh phát triển. Và điện ảnh Việt Nam chỉ có thể cất cánh nếu có chiến lược phát triển đúng hướng, sự định hướng, hỗ trợ của nhà nước và nỗ lực, sáng tạo của từng cá nhân nghệ sĩ trong đó không thể thiếu vai trò của đào tạo.

Tôn Quế

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cong-nghiep-van-hoa-dao-tao-nguon-nhan-luc-cho-dien-anh-20190617164259703.htm