Công nghiệp: Trụ cột quan trọng trong Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 xác định công nghiệp chính là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất.

Tiềm năng lớn

Tây Nguyên nói chung, Đắk Nông nói riêng có tiềm năng lớn về phát triển thủy điện và công nghiệp khai thác, chế biến lâm sản, khoáng sản và tiềm năng phát triển du lịch. Do đó, ngày 9/6, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 tại Quyết định số 879/QĐ-TTg; Vùng Tây Nguyên phát triển công nghiệp chế biến cây công nghiệp, khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng.

Như vậy, tỉnh Đắk Nông có tiềm năng, lợi thế để đẩy mạnh phát triển công nghiệp khai thác, chế biến, góp phần vào chuyển đổi mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ; phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản cho thị trường trong nước và xuất khẩu; phát triển sản xuất vật liệu xây dựng…

Nhằm phát huy thế mạnh công nghiệp, Quy hoạch tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được xây dựng để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Quy hoạch được đánh giá là có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển; là tiền đề huy động các nguồn lực để Đắk Nông cất cánh trong giai đoạn mới. Quy hoạch, chính là “kim chỉ nam” để xác định tầm nhìn và mục tiêu phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực, từng vùng của tỉnh. Đồng thời, đây cũng là cơ sở quan trọng để đẩy mạnh thu hút đầu tư, khắc phục tình trạng thời gian qua một số nhà đầu tư chiến lược đã tìm hiểu đầu tư vào nhưng chưa thực hiện được dự án vì chờ quy hoạch.

Công ty Nhôm Đắk Nông

Công ty Nhôm Đắk Nông

3 lĩnh vực đột phá của Đắk Nông được xác định tại Quy hoạch là Tổ hợp công nghiệp bôxít - nhôm - luyện kim và công nghiệp năng lượng sạch; Nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với thị trường; Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với cảnh quan thiên nhiên, cộng đồng và công viên địa chất.

Theo lộ trình, đến năm 2025, Đắk Nông phấn đấu nâng công suất alumin-nhôm lên 1,3 triệu tấn/năm; điện phân nhôm của tỉnh đạt mốc 300 ngàn tấn/năm.

Đắk Nông sẽ thu hút một số nhà đầu tư lớn thăm dò, chuẩn bị xây dựng các nhà máy chế biến sau nhôm; các nhà máy công nghiệp phụ trợ các sản phẩm từ nhôm; các nhà máy điện mặt trời, điện gió.

Đến năm 2030, Đắk Nông phấn đấu nâng công suất alumin lên 2,5-3 triệu tấn/năm. Điện phân nhôm của tỉnh phấn đấu đạt mốc 600.000 tấn/năm.

Toàn tỉnh sẽ hình thành một số tổ hợp công nghiệp lớn về chế biến sau nhôm, công nghiệp phụ trợ cho sản xuất nhôm, sau nhôm. Các nhà máy điện mặt trời, điện gió hỗ trợ cung ứng điện tại chỗ phục vụ sản xuất alumin - điện phân nhôm.

Đến năm 2050, Đắk Nông phấn đấu sẽ trở thành trung tâm sản xuất, xuất khẩu nhôm, sản phẩm sau nhôm ra khu vực và thế giới. Tỉnh sẽ phát triển các tổ hợp, nhà máy chế biến sau nhôm, công nghiệp phụ trợ, tạo thành chuỗi sản phẩm trên nền công nghiệp nhôm. Nguồn điện tại chỗ của tỉnh bảo đảm cung ứng 70% nhu cầu điện cho công nghiệp sản xuất nhôm.

Đa dạng giải pháp phát triển công nghiệp

Trước đó, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Đắk Nông đặt mục tiêu “Xây dựng tỉnh Đắk Nông trở thành địa phương phát triển kinh tế năng động và bền vững của vùng Tây Nguyên”; “Trở thành trung tâm công nghiệp nhôm quốc gia” đến năm 2030.

Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh đã xây dựng, triển khai Kế hoạch Phát triển công nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tỉnh đặc biệt nhấn mạnh tới việc phát triển công nghiệp với tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững.

Để đạt được các mục tiêu trên, trước tiên, Đắk Nông đang tập trung cho việc nâng cao hiệu quả công tác điều hành, hoàn thiện, xây dựng cơ chế mới, chính sách thúc đẩy phát triển ngành Công nghiệp.

Cụ thể, tỉnh quan tâm nghiên cứu đề xuất xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách cho phù hợp với điều kiện quy mô nền kinh tế của địa phương. Trong đó, tỉnh tập trung vào chính sách ưu đãi như: miễn, giảm tiền thuê mặt bằng, tiền sử dụng đất, thuế…

Tỉnh tiếp tục khuyến khích thu hút các dự án phát triển công nghiệp bô xít - alumin - nhôm và năng lượng tái tạo; các dự án chế biến nông sản công nghệ cao từ nguồn nguyên liệu của tỉnh.

Mọi quy trình, thủ tục đầu tư tiếp tục được tỉnh rà soát, điều chỉnh, bổ sung theo hướng thuận lợi hơn cho nhà đầu tư và tổ chức thực hiện một cách hiệu quả.

Đặc biệt, thời gian giải quyết thủ tục đầu tư sẽ được rút ngắn hơn nữa, gắn liền với trách nhiệm của người đứng đầu. Các chính sách về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp sẽ được tỉnh tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả.

Phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Tây Nguyên; trở thành trung tâm công nghiệp nhôm của quốc gia và là trung tâm của du lịch và nghỉ dưỡng; thu hút được các nhà đầu tư lớn trên cả 03 trụ cột chính của tỉnh.

Tại hội thảo khoa học lấy ý kiến “Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” diễn ra mới đây, Công ty tư vấn McKinsey cho rằng, trụ cột khai khoáng và công nghiệp chế biến, chế tạo, McKinsey đề xuất ý tưởng mở rộng quy mô khai thác bô xít và sản xuất alumin; Tăng tốc hướng tới sản xuất nhôm phát thải cacbon thấp; Xây dựng các ngành công nghiệp sản xuất sản phẩm sau nhôm và sử dụng sản phẩm từ nhôm.

Các chuyên gia cũng cho rằng, Đắk Nông nên kêu gọi các tập đoàn nhôm lớn trên thế giới như của Mỹ, Úc đầu tư các dự án lớn về khai thác alumin, gắn với sản xuất nhôm, công nghiệp sau nhôm.

PGS.TS Trần Đình Thiên – Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nêu ý kiến, Đắk Nông hiện đang thiếu các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị đặc trưng có sức cạnh tranh. Ví dụ chuỗi alumin hay chuỗi alumin nối với năng lượng đang khởi động. Đây là một điểm yếu cần khắc phục trong thơi fgian tới.

Trước đó, trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đắk Nông vào tháng 7/2022, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, Đắk Nông cần chú trọng, phối hợp với các bộ ngành liên quan thúc đẩy dự án liên hợp khai thác bauxit, alumin và nhôm theo đúng tinh thần Kết luận số 31-KL/TW ngày 7/3/2022 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển ngành công nghiệp bauxit - alumin - nhôm giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bộ trưởng khẳng định đây chính là cơ hội để Đắk Nông thúc đẩy công nghiệp, nhất là công nghiệp vật liệu.

Bảo Ngọc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cong-nghiep-tru-cot-quan-trong-trong-quy-hoach-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-tinh-dak-nong-241345.html