Công nghiệp ô tô Syria: Trung Quốc bình yên hưởng quả ngọt

Các nhà sản xuất ô tô của Trung Quốc đã thiết lập các nhà máy ở Syria trong bối cảnh các doanh nghiệp địa phương không đủ sức phục hồi sản xuất.

Cuộc chiến tại Syria đang dần đi đến hồi kết, vùng chiến sự đáng chú ý nhất chỉ còn lại Idlib với nhóm khủng bố mới nổi Hay'at Tahrir al-Sham. Chính quyền Syria làm chủ phần lớn diện tích lãnh thổ và đang nỗ lực giải phóng hay thu hồi các phần diện tích còn lại.

Sau 8 năm nội chiến, chiến tranh, Syria bị phá hủy hoàn toàn và bây giờ là lúc họ bắt đầu nghĩ đến công cuộc tái thiết toàn bộ đất nước. Ngành ô tô của quốc gia này cũng bước vào giai đoạn khôi phục.

Thông tin từ Sputnik cho biết, những lô hàng ô tô hiện đại và đắt tiền cuối cùng xuất hiện ở Syria từ năm 2011, cho đến nay, không có thêm một chiếc ô tô sang trọng nào của phương Tây trên quốc gia này.

Cuộc tháo chạy của các nhà đầu tư phương Tây cũng như tình trạng khó khăn của chính phủ khiến ngành công nghiệp ô tô của Syria đang đối mặt với nhiều khó khăn trong giai đoạn tái thiết.

Bilal Shammout, giám đốc điều hành của một nhà máy ô tô đang hoạt động cầm chừng ở Syria cho biết mỗi ngày, nhà máy của ông sản xuất khoảng 10 chiếc ô tô với công việc lắp ráp là chủ yếu.

Chiến tranh tàn phá khiến nhu cầu ô tô giá rẻ của Syria tăng cao

Chiến tranh tàn phá khiến nhu cầu ô tô giá rẻ của Syria tăng cao

"Nhà máy được xây dựng từ đầu năm 2012, nhưng sau đó chiến tranh nổ ra trên toàn quốc. Chúng tôi phải bỏ lại tất cả và sơ tán. Năm 2016, khu vực này được giải phóng, chúng tôi quay trở lại và khôi phục hoạt động sản xuất" - ông Shammout cho biết.

Mager Halyawe một thợ lành nghề của nhà máy chia sẻ: "Công nghệ lắp ráp rất đơn giản: Khung đi trước, sau đó là động cơ, rồi truyền động, bình xăng, kỹ thuật điện. Chúng tôi lắp ráp nhiều mẫu xe, nhưng chủ yếu phục vụ nhu cầu trong nước, chúng tôi không có nhiều chọn lựa. Linh kiện, mẫu mã và trang thiết bị trên xe đều đến từ Trung Quốc".

Ví dụ, một chiếc xe bán tải nhỏ với hộp số tay và khả năng tải lên tới vài tấn là nhu cầu được sử dụng rất nhiều của người dân địa phương. Giá thị trường của nó rơi vào khoảng 5.000 USD, đã bao gồm các loại thuế phí.

"Lắp ráp xong, chúng tôi lái đến địa điểm thử nghiệm ở gần đây. Sau đó, chiếc xe tiếp tục được thử nghiệm trên đường phố và thông qua một buổi kiểm tra từ các thanh tra. Nếu đảm bảo mọi bài kiểm tra, chiếc xe được đưa ra bán" - Giám đốc điều hành Shammout cho biết.

Ông Shammout nói thêm, thời gian gần đây nhà máy có lắp ráp một số mẫu xe đa địa hình, loại 7 chỗ, trông giống một chiếc Audi nhưng với chi phí rẻ hơn nhiều, khoảng 20.000 USD. Tuy nhiên không có nhiều người Syria có thể mua được loại xe này.

Có thể thấy, ngành công nghiệp ô tô của Trung Quốc đã nắm bắt xu thế rất nhanh và họ đã có những nhà máy gia công cho họ đầu tiên tại Syria. Ngoài ra, công nghiệp ô tô cũng là lĩnh vực được chính phủ Syria đặc biệt ưu tiên để tái thiết.

"Chúng tôi được cung cấp một nguồn cung năng lượng điện liên tục, cũng như các loại nhiên liệu khác. Hơn nữa, khi chúng tôi gửi đi các yêu cầu tới phòng công nghiệp ở Damascus, không bao giờ họ từ chối chúng tôi và cũng không có sự quan liêu nào xuất hiện", giám đốc điều hành Shammout chia sẻ.

Giờ cao điểm tại Syria thời hậu chiến

Vấn đề bây giờ của ngành công nghiệp ô tô Syria là thiếu chuyên gia, thiếu lao động. "Chúng tôi thực sự cần nhiều công nhân, các doanh nghiệp Trung Quốc không thiếu nguồn cung, chỉ sợ chúng tôi không đủ sức để lắp ráp đáp ứng các đơn đặt hàng. Chúng tôi sẵn sàng thuê cả người tị nạn, người nước ngoài, chỉ cần họ chăm chỉ lao động" - Ông Shammout cho biết.

Các đại lý ô tô của nước ngoài, đặc biệt phương Tây đã ngừng hợp tác với Syria từ năm 2011, các nhà sản xuất quốc tế cũng từ bỏ Syria vì các lệnh trừng phạt mà quốc gia này đang hứng chịu. Tuy nhiên, doanh nghiệp Trung Quốc đã ngay lập tức tận dụng tình hình và tham gia vào thị trường giàu tiềm năng này.

Thu nhập trung bình của lao động Syria vào khoảng 120 - 130 USD/tháng. Tuy nhiên, công nhận làm việc trong các nhà máy ô tô của Trung Quốc có thể kiếm tới 500 USD/tháng. Song mức giá này vẫn được đánh giá là thấp so với mặt bằng lao động có tay nghề là người Trung Quốc hoặc so với các quốc gia khác ở Trung Đông.

Có thể thấy rằng, Trung Quốc đã tìm thấy thị trường tiêu thụ những chiếc ô tô công nghệ cũ của họ. Cuộc chuyển giao công nghệ kiểu này mang lại lợi nhuận to lớn cho Trung Quốc, họ còn được hưởng những ưu đãi từ chính quyền Syria và nguồn lao động giá rẻ, chăm chỉ.

Tuy nhiên, như giám đốc Shammout nhận định, Syria cám ơn các nhà đầu tư Trung Quốc, nhưng họ kỳ vọng sẽ nhìn thấy các nhà sản xuất của Nga như Lada cũng mở các nhà máy của họ tại quốc gia Trung Đông này.

Đỗ Tú

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/cong-nghiep-o-to-syria-trung-quoc-binh-yen-huong-qua-ngot-3377729/