Công nghiệp cơ khí: Khó bứt phá vì thiếu cơ chế

Nguồn lực của nhà nước đối với ngành cơ khí đã ít lại phân tán, cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập khiến cơ khí Việt Nam bị mất thị trường ngay trên sân nhà.

Gặp khó do cơ chế

Ngành cơ khí có mặt trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế. Tuy nhiên, mỗi năm, Việt Nam vẫn nhập siêu hàng tỷ USD máy móc, thiết bị về xây dựng, phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp, hàng tiêu dùng…; các sản phẩm mang nhãn hiệu Việt Nam hiện còn rất ít.

Phân tích nguyên nhân ngành công nghiệp cơ khí Việt "èo uột", tại Tọa đàm "Quan điểm, chủ trương, giải pháp phát triển bền vững, sáng tạo, bao trùm" diễn ra mới đây, ông Đào Phan Long - Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam - nêu quan điểm, Luật Đấu thầu 2005 quy định DN Việt Nam tham gia đấu thầu phải có kinh nghiệm, đã từng làm qua những dự án thành công… Trên thực tế, "đấu thầu" chỉ tập trung "đấu giá", nên DN nước ngoài đã thắng thầu hầu hết các dự án đầu tư.

Doanh nghiệp cơ khí tăng cường đầu tư công nghệ

Doanh nghiệp cơ khí tăng cường đầu tư công nghệ

Một vấn đề nữa là cơ chế, chính sách của nhà nước đã không tạo đủ điều kiện khuyến khích phát triển và bảo vệ thị trường cho DN cơ khí nội địa. Trong khi đó, tình trạng thiếu vốn là nguyên nhân quan trọng khiến nhiều DN cơ khí gặp khó khăn. Lợi nhuận cao nhất của các DN cơ khí Việt Nam chỉ đạt bình quân từ 3 - 5%/năm, nhưng ngân hàng lại cho vay với mức lại suất cao gấp 2 - 3 lần con số này, do vậy, không DN nào dám vay bởi cầm chắc thua lỗ…

Cùng với những yếu tố bên ngoài, phải kể đến nội lực của các DN cơ khí nội địa. Các DN cơ khí vốn đã yếu kém về công nghệ, quản trị kinh doanh, quản lý sản xuất nhưng lại trực thuộc "chủ quản vốn" và chịu sự quản lý của nhiều bộ, ngành nên thiếu sự liên kết hợp tác trong kinh doanh...

Chờ "thổi lửa"

Tuy vậy, bức tranh ngành công nghiệp cơ khí không phải toàn màu xám. Nhiều sản phẩm trước đây Việt Nam phải nhập khẩu, đến nay từng bước được thay thế. Dây chuyền sản xuất trong các nhà máy đã đồng bộ. Các DN làm chủ một số công nghệ, tỷ lệ tự động hóa ngày càng nâng cao. Một số DN nội địa đã tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của các DN FDI và chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiện nay, cơ khí Việt Nam có thế mạnh tập trung ở 3 phân ngành gồm xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy; cơ khí gia dụng và dụng cụ; ôtô và phụ tùng ôtô. 3 phân ngành này chiếm gần 70% tổng giá trị sản lượng của cơ khí cả nước.

Để ngành cơ khí Việt Nam phát triển, ông Long kiến nghị, Chính phủ cần sớm sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách của nhà nước trong thời kỳ hội nhập. Cạnh đó, cần đưa chính sách tín dụng với lãi suất thích hợp cho DN có thể vay để sản xuất. Với các dự án đầu tư công, nhất thiết phải nghiên cứu cơ chế, chính sách để DN cơ khí nội địa được tham gia và có đơn hàng. Đồng thời, sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN; có chính sách thuế thu nhập DN cơ khí tối đa không quá 15%, nhằm tạo điều kiện cho ngành cơ khí có khả năng phát huy nguồn vốn để tự đầu tư chiều sâu…

Cùng với sự hỗ trợ của nhà nước, các chuyên gia trong ngành cho rằng, DN cơ khí Việt phải tự đánh giá năng lực, chọn khách hàng phù hợp, tăng cường tiếp thị để tìm khách hàng mới. Đồng thời, DN phải tăng cường quản lý, nâng cao năng suất, chất lượng; hạ giá thành sản phẩm để tăng tính cạnh tranh.

Hiện, nước ta có khoảng 3.100 DN thuộc ngành cơ khí chế tạo với 53.000 cơ sở sản xuất; tuy nhiên, giá trị gia tăng thấp và năng lực trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu. Ước tính, các sản phẩm cơ khí sản xuất trong nước chỉ chiếm khoảng 7% thị trường.

Quang Lộc - Thanh Hà

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cong-nghiep-co-khi-kho-but-pha-vi-thieu-co-che-116792.html