Công nghiệp chế biến chế tạo 10 tháng: Dệt may vẫn khó, da giày khởi sắc

Sản xuất nhóm ngành chế biến chế tạo tiếp tục là điểm sáng dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp. Ngoại trừ dệt may vẫn gặp nhiều khó khăn, các ngành còn lại như da giày, đồ uống, ô tô, thép… đã có nhiều khởi sắc.

Trong các ngành hàng chế biến chế tạo, năm 2020 là năm đặc biệt khó khăn của ngành dệt may Việt Nam khi thị trường có nhiều biến động phức tạp, khó dự báo. Dưới tác động của dịch Covid-19, dệt may là một trong những ngành hàng chịu thiệt hại trực tiếp lớn nhất cùng với ngành du lịch, hàng không, da giày.

Ngành dệt may khó đạt mục tiêu xuất khẩu đạt 42 tỷ USD năm 2020 do nhu cầu thế giới giảm sâu.

Ngành dệt may khó đạt mục tiêu xuất khẩu đạt 42 tỷ USD năm 2020 do nhu cầu thế giới giảm sâu.

Nhu cầu chững lại do dịch Covid-19 khi người tiêu dùng trên thế giới chỉ quan tâm đến đồ dùng thiết yếu và phòng chống dịch bệnh, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều khó khăn do đơn hàng khan hiếm. Trước tình hình đó, doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã tiến hành triển khai thúc đẩy chuyển đổi nhanh kết cấu mặt hàng truyền thống sang mặt hàng có khả năng thích ứng nhanh như chuyển từ mặt hàng veston cao cấp, sơ mi cao cấp... sang đồ bảo hộ lao động, may đồ dệt kim, sơ mi truyền thống để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tính chung 10 tháng năm 2020, vải dệt từ sợi tự nhiên ước đạt 548,8 triệu m2, tăng 4,7%; sản xuất vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo ước đạt 782,7 triệu m2, giảm 10,6%; quần áo mặc thường ước đạt 3.639,2 triệu cái, giảm 6,1% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc 10 tháng ước đạt 24,76 tỷ USD, giảm 9,3% so với cùng kỳ.

Trong thời gian tới, doanh nghiệp dệt may cần có biện pháp mới nhằm thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh để phù hợp với tình hình mới, đồng thời khai thác và mở rộng thị trường nội địa. Cùng với đó là chủ động liên kết với khách hàng để hình thành chuỗi sản xuất, đáp ứng quy tắc xuất xứ theo cam kết của các FTA.

Sau khi suy giảm mạnh vào quý II, từ quý III/2020 tình hình đơn hàng của các doanh nghiệp trong ngành giày dép đang dần phục hồi. Một số doanh nghiệp trong ngày da giày đã có đơn hàng sản xuất đến hết năm và bắt đầu tuyển dụng lao động trở lại. Tuy nhiên, đơn hàng quay trở lại nhưng chưa nhiều do các nhà nhập khẩu còn thận trọng, sức mua của thị trường còn yếu do thị trường nhập khẩu chính mặt hàng da giày của Việt Nam vẫn đang chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Sau hơn 2 tháng thực thi Hiệp định EVFTA, giày dép là mặt hàng nằm trong danh mục các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có những chuyển biến tích cực về xuất khẩu. Hiệp định EVFTA sẽ là động lực lớn cho tăng trưởng của ngành giày dép, túi xách trong những tháng còn lại của năm 2020 và 2021.

Sản xuất dày giép tăng trưởng mạnh trở lại trong quý IV.

Sản lượng giày dép da tháng 10 ước đạt 31 triệu đôi, tăng 5,3% so với tháng trước và tăng 11,8% so với cùng kỳ. Tính chung 10 tháng năm 2020, sản lượng giày dép da ước đạt 249,1 triệu đôi, tăng 0,8% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu giầy, dép các loại 10 tháng ước đạt 13,38 tỷ USD, giảm 9,9% so với cùng kỳ.

Trong thời gian tới, tình hình thị trường mặc dù chưa thể phục hồi hoàn toàn, song kim ngạch xuất khẩu giày dép, túi xách trong quý IV/2020 dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng trở lại khi đây là thời điểm lễ hội gắn với tiêu dùng tại các nước châu Âu và châu Mỹ.

Tháng 10 và 10 tháng năm 2020, sản xuất kinh doanh của ngành sản xuất đồ uống gặp nhiều khó khăn, thách thức do tác động của dịch Covid-19. Chỉ số sản xuất của ngành 10 tháng giảm 5,3% so với cùng kỳ.

Trong đó, sản lượng sản xuất bia các loại tháng 10 ước đạt 492,2 triệu lít, giảm 5,4% so với cùng kỳ. Tính chung 10 tháng, ước đạt 3,65 tỷ lít, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Tháng 10 năm 2020, sản lượng thép thô ước đạt 3.371,5 nghìn tấn, tăng 11% so với cùng kỳ; thép cán ước đạt 800,1 nghìn tấn, tăng 23,6% so với cùng kỳ; thép thanh, thép góc ước đạt 922,6 nghìn tấn, giảm 0,1% so với cùng kỳ. Tính chung 10 tháng năm 2020, sản lượng sản xuất sắt thép thô; thép cán; thép thanh, thép góc tăng lần lượt là 0,1; 5,3% và 7,6% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng sản xuất thép tăng trưởng đều trong tháng 10 nhưng phải chịu cạnh tranh lớn từ thép nhập khẩu.

Trước các cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là việc thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), ngành thép là một trong những ngành được kỳ vọng có thêm điều kiện thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu ra các thị trường mới.

Tuy nhiên hiện nay, ngành thép vẫn phải cạnh tranh gay gắt với thép nhập khẩu thâm nhập mạnh vào thị trường Việt Nam. Đặc biệt là ngành thép phải đối mặt với các vụ việc phòng vệ thương mại tại các thị trường xuất khẩu khiến xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, cùng việc hỗ trợ doanh nghiệp trong các vụ việc điều tra, Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp ngành thép cần nâng cao năng lực cạnh tranh, cần tự chủ các nguồn nguyên liệu sản xuất ngay trong nước. Đồng thời nỗ lực khép kín từ khâu đầu vào đến sản xuất để loại trừ dần nguồn gốc xuất xứ từ các nước nhằm giảm đến mức thấp nhất việc các nước cho rằng Việt Nam lẩn tránh thuế.

Thị trường ô tô đã bắt đầu vào mùa cao điểm cuối năm. Sau khi thực hiện các chiến lược giảm giá xe ở tất cả các phân khúc, từ bình dân cho đến xe sang nhằm chạy đua doanh số do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và tháng bảy âm lịch (tháng Ngâu), bắt đầu từ những ngày cuối tháng 10/2020, một số hãng xe đã rục rịch tăng giá trở lại chuẩn bị cho dịp mua sắm sôi động cuối năm.

Sản lượng sản xuất ô tô tháng 10 năm 2020 đạt 26,3 nghìn chiếc, tăng 15% so với tháng trước và tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 10 tháng năm 2020, sản lượng sản xuất ô tô ước đạt 187,5 nghìn chiếc, giảm 9,2% so với cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) nhóm ngành chế biến chế tạo 10 tháng năm 2020 tăng 4,2% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 10,8%).

Tùng Dương

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/cong-nghiep-che-bien-che-tao-10-thang-det-may-van-kho-da-giay-khoi-sac-583135.html