Công nghiệp 4.0: Việt Nam sẽ bước lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đem lại cho các quốc gia cả cơ hội và thách thức. Tuy nhiên, với quyết tâm rất cao, Việt Nam sẽ đạt được một bước tiến vượt bậc về kinh tế và khoa học công nghệ, tạo ra sự thay đổi căn bản trong mô hình tăng trưởng trong thời gian tới, bước lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Đó là thông tin tại phiên cấp cao Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 (Industry 4.0 Summit 2019) diễn ra sáng ngày 3/10, tại Hà Nội. Diễn đàn do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ ngành khác; cùng Tập đoàn IEC, Hội Tự động hóa Việt Nam và Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức.

Chọn chiến lược chủ động trong 4.0

Cuộc CMCN lần thứ 4 là một xu thế lớn đang diễn ra trên toàn thế giới với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ mà nòng cốt là công nghệ số làm thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đời sống văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh; tạo ra nhiều cơ hội và thách thức đối với tất cả các quốc gia.

Cho đến nay, đã có trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm cả các quốc gia đang phát triển ban hành các chiến lược, chương trình hành động liên quan đến cuộc CMCN lần thứ 4 với nhiều tên gọi khác nhau. Bên cạnh đó, nhiều nước cũng xây dựng và triển khai chiến lược chuyển đổi số quốc gia - một trong những nội dung cốt lõi của tham gia CMCN lần thứ tư. Đối với nước ta, nhiều kết quả nghiên cứu trong nước và quốc tế đã dự báo việc tham gia CMCN lần thứ 4 sẽ mang lại nhiều kết quả tích cực đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong tương lai.

Ông Nguyễn Văn Bình- Trưởng ban Kinh tế Trung ương khai mạc Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 năm 2019

Ông Nguyễn Văn Bình- Trưởng ban Kinh tế Trung ương khai mạc Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 năm 2019

Phát biểu khai mạc phiên cấp cao của Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 năm 2019, ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ tư. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị về nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ.

Trên cơ sở đó, các bộ, ngành và địa phương đã xây dựng và triển khai thực hiện một số chính sách nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông. Cơ sở hạ tầng viễn thông được xây dựng khá đồng bộ, vùng phủ sóng di động đạt 99,7% dân số trên cả nước, trong đó vùng phủ sóng 3G, 4G đạt trên 98% với mức cước phí thấp, mạng 5G đã được cấp phép thử nghiệm và dự kiến triển khai thương mại từ năm 2020.

Kinh tế số được hình thành, phát triển nhanh, ngày càng trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế, xếp thứ 3 trong khu vực ASEAN về quy mô nền kinh tế kỹ thuật số; công nghệ số được áp dụng trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; xuất hiện ngày càng nhiều hình thức kinh doanh, dịch vụ mới, xuyên quốc gia, dựa trên nền tảng công nghệ số và Internet đang tạo nhiều cơ hội việc làm, thu nhập, tiện ích, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Việc xây dựng chính phủ điện tử, tiến tới chính phủ số được triển khai quyết liệt, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực. Năm 2018, chỉ số phát triển chính phủ điện tử của Việt Nam xếp hạng thứ 88/193 quốc gia, trong đó chỉ số thành phần về dịch vụ công trực tuyến tăng 15 bậc, lên thứ hạng 59/193 quốc gia so với năm 2016.

Cũng tại sự kiện, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, cùng hòa chung với xu hướng toàn cầu, Việt Nam đã nhanh chóng nắm bắt xu thế, không ngừng cải thiện mức độ sẵn sàng trong việc tiếp cận cuộc CMCN 4.0, chuẩn bị tốt các điều kiện để khai thác, tận dụng các lợi ích của cuộc cách mạng này, gắn với xây dựng, tổ chức thực hiện các chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chúng ta có thể tự tin nói rằng, đây là một cơ hội quan trọng để Việt Nam nắm bắt nhằm mục tiêu tăng tốc phát triển nền kinh tế, hướng tới đưa nước ta trở thành nước công nghiệp, có thu nhập trung bình cao trong tương lai gần trên nền tảng một chiến lược tổng thể của quốc gia về Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam và xu hướng chung của quốc tế.

Tham gia cuộc CMCN 4.0 là con đường tất yếu của các quốc gia nếu muốn phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, nhất là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Đối với chúng ta, đây còn là một chủ trương lớn, quan trọng, một định hướng mang tầm chiến lược của Đảng và Nhà nước” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định và chia sẻ, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ tư.

Ông Nguyễn Chí Dũng- Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư phát biểu về Chiến lược quốc gia CMCN 4.

Nghị quyết có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh hiện nay, thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Đảng trong việc tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc CMCN lần thứ tư đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hóa đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị đã định hướng cho chuyển đổi số Việt Nam. Tinh thần của Nghị quyết là đặt mục tiêu cao, nhất là mục tiêu kinh tế số chiếm tới 30% GDP, để từ đó phải đổi mới tư duy, tạo thuận lợi cho cái mới phát triển, giải pháp phải đột phá, Việt Nam sẽ bứt phá vượt lên.

Nếu chúng ta có chính sách phù hợp thì Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội này để vượt lên thành nước phát triển. Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về chính sách và thể chế nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. Và đây lại càng là lợi thế của Việt Nam khi chúng ta có Đảng lãnh đạo, có thể ra được những quyết sách lớn một cách nhanh và tập trung. Nghị quyết 52 là một thí dụ như vậy” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng- Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông phát biểu tại Diễn đàn.

Hiến kế để “tăng tốc” trong CMCN 4.0

Tuy vậy, tại diễn đàn, các đại biểu cũng cho rằng, Việt Nam còn gặp nhiều thách thức trong việc tham gia cuộc CMCN 4.0. Đó là, thể chế, chính sách còn nhiều hạn chế và bất cập, xếp hạng chung về thể chế của Việt Nam vẫn ở mức dưới trung bình, năm 2018 Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá đạt 50/100 điểm, xếp hạng 94/140 quốc gia; thể chế cho các hoạt động kinh tế số, kinh tế chia sẻ, đổi mới sáng tạo chưa được hình thành đồng bộ; chưa có hành lang pháp lý cho thí điểm triển khai áp dụng các sản phẩm, mô hình kinh doanh, dịch vụ mới của CMCN 4.0; chưa xây dựng được hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia cho ứng dụng và phát triển các công nghệ nền tảng của cuộc CMCN 4.0 trong sản xuất và đời sống.

Bên cạnh đó, còn thiếu các quy định về bảo vệ cơ sở dữ liệu, dữ liệu cá nhân, thông tin riêng tư; vấn đề quyền cá nhân, đạo đức khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo, định danh số và xác thực điện tử cho người dân chưa phát triển. Cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội; hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia mới được hình thành, chưa đồng bộ và hiệu quả. Quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, thiếu chủ động; nhiều doanh nghiệp còn bị động, năng lực tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ hiện đại còn thấp. Kinh tế số có quy mô còn nhỏ. Việc đấu tranh với tội phạm, bảo đảm an ninh mạng còn nhiều thách thức.

Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị là nghị quyết toàn diện, tổng thể đầu tiên của Đảng về chủ trương, chính sách của Việt Nam tham gia cuộc CMCN lần thứ tư, được hệ thống chính trị và toàn xã hội đón nhận tích cực, nhiều chuyên gia quốc tế và trong nước đã đánh giá cao. “Xây dựng và ban hành Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị là quan trọng nhưng đưa Nghị quyết nhanh chóng vào cuộc sống để Việt Nam có thể bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới trong cuộc CMCN này có tầm quan trọng không kém. Do đó, với tinh thần “cách mạng” đòi hỏi sự vào cuộc nhanh chóng” - ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

Trước vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động báo cáo các cấp có thẩm quyền và được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam. Hiện nay, Chiến lược đã được lấy ý kiến rộng rãi các bên liên quan và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp thu, hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Để thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về CMCN 4.0, chúng ta cần một nguồn lực to lớn, một kế hoạch hành động hiệu quả, thiết thực; cần có sự tham gia của cả xã hội, nhất là các doanh nghiệp, và sự ủng hộ, hỗ trợ của các đối tác, các tổ chức quốc tế. Thách thức là rất lớn. Tuy nhiên, với quyết tâm chính trị rất cao của Đảng và Chính phủ, với sự hưởng ứng nhiệt tình của cộng đồng doanh nghiệp và sự hỗ trợ, hợp tác của các đối tác quốc tế, tôi tin tưởng rằng Việt Nam sẽ đạt được một bước tiến vượt bậc về kinh tế và khoa học công nghệ, tạo ra sự thay đổi căn bản trong mô hình tăng trưởng trong thời gian tới, bước lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Trưởng ban Kinh tế Nguyễn Văn Bình cùng lãnh đạo các bộ, ngành, tham quan Triển lãm Industry 4.0

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam. Nhưng đây là một sự thay đổi mang tính toàn diện, đến từng doanh nghiệp, từng tổ chức, đến từng người dân, đến mọi lĩnh vực. Việt Nam muốn thay đổi thứ hạng trên thế giới thì phải đi nhanh và đi đầu để có lợi thế cạnh tranh. Chúng ta có thể làm được vì văn hóa người Việt Nam là thích ứng nhanh với cái mới, ham học hỏi cái mới, sáng tạo trong ứng dụng cái mới. Và Việt Nam luôn là nước mạnh nhất thế giới trong các cuộc cách mạng toàn dân.

Để chuyển đổi số, Việt Nam có thể chọn chiến lược 3 bước. Bước một, đẩy nhanh việc số hóa và ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực. Bước hai, sử dụng chuyển số như một lợi thế cạnh tranh trong từng lĩnh vực. Bước ba, tiến tới nền kinh tế số toàn diện, hình thành các ngành công nghiệp số thế hệ mới, các ngành công nghiệp mới này sẽ là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất.

Lan Anh- Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cong-nghiep-40-viet-nam-se-buoc-len-nac-thang-cao-hon-trong-chuoi-gia-tri-toan-cau-126086.html