Công nghiệp 4.0 và miếng ghép trong trò chơi xếp hình

Không chỉ là việc áp dụng công nghệ tiên tiến, việc ứng phó với cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 giống như việc lắp các miếng ghép trong trò chơi xếp hình. Quốc gia nào biết đặt những miếng ghép đúng chỗ là quốc gia dẫn đầu trong cuộc đua mới.

Câu chuyện máy móc thay thế lao động đã và đang tiếp tục xảy ra trong khu vực và trên thế giới. Trong ảnh: Thiết bị trưng bày tại một triển lãm ngành dệt may. Ảnh: THÀNH HOA

28 triệu việc làm sẽ thay đổi

Ông Naveen Menon, Chủ tịch khu vực ASEAN, tập đoàn công nghệ Cisco Systems (Mỹ) đã đưa ra dự báo cho rằng, trong 10 năm tới, tức tới năm 2028, có khoảng 28 triệu công việc trong khu vực ASEAN hiện đang có sẽ bị mất đi. Việt Nam là nước thứ hai trong khu vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ quá trình chuyển đổi lao động này, khi có khoảng 13,8% loại hình công việc bị thay thế, tương đương 7,5 triệu việc làm hiện tại của Việt Nam.

“Do đó, người lao động cần được đào tạo mang tính linh hoạt hơn để thích nghi với cuộc cách mạng mới”, ông Naveen Menon nói tại một hội thảo nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN).

Câu chuyện máy móc thay thế lao động đã và đang tiếp tục xảy ra trong khu vực và trên thế giới. Ông Indranil Roy, Phó tổng giám đốc Deloitte Đông Nam Á, cho hay trong khoảng thời gian từ năm 2001-2015, công nghệ đã làm mất đi khoảng 800.000 việc làm tại nước Anh, nhưng nó cũng đã tạo thêm 3,5 triệu việc làm mới. “Do đó, câu hỏi không phải là có bao nhiêu công việc bị mất đi mà là công việc mới sẽ như thế nào”, ông Indranil Roy nói.

Theo nghiên cứu của Deloitte, khoảng 70% công việc đang có ở khu vực ASEAN có thể bị thay thế trong năm năm tới.

Ông Vic van Vurren, Vụ trưởng Vụ Doanh nghiệp, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), nói rằng cần phải trang bị cho người lao động kỹ năng phù hợp với công việc trong tương lai thông qua đào tạo và đào tạo lại.

Ngoài kỹ năng về công nghệ, kiến thức, thì kỹ năng mềm như kỹ năng dự đoán, sự cảm thông, giao tiếp, quản lý... cũng rất quan trọng. Hơn nữa, những kỹ năng này không chỉ được học ở trên ghế nhà trường, hay trong bốn năm học đại học, mà cần phải có cơ chế để người lao động có thể được đào tạo trong suốt sự nghiệp của mình, tức học tập suốt đời.

Cùng quan điểm, ông Indranil Roy, từ chính kinh nghiệm bản thân, thấy rằng, những kiến thức mà ông học tại trường đã không còn phù hợp. Hiện nay, kiến thức áp dụng cho một sự nghiệp rất ngắn, trung bình chỉ khoảng năm năm. Sau đó, người lao động sẽ phải tiếp tục học những kiến thức hoàn toàn khác để có thể thích ứng được với mô hình việc làm mới.

Do đó, hệ thống giáo dục phải thay đổi, không chỉ đào tạo cho lao động làm một việc suốt đời mà cần trang bị kiến thức cho họ có khả năng học nhanh và thích nghi tốt với công việc mới.

Đào tạo kỹ sư hay vun đắp tinh thần khởi nghiệp?

Trong nhiều thập kỷ qua, ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng đã tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo ước tính, 66% xuất khẩu của ASEAN nằm trong chuỗi cung ứng này.

Tuy nhiên, với sự xuất hiện của cuộc CMCN lần thứ 4, bằng việc áp dụng IoT, robot, trí tuệ nhân tạo, tốc độ tăng trưởng dựa vào mô hình cũ sẽ bị đe dọa, trừ khi các quốc gia trong khu vực có sự chuẩn bị kỹ càng cho sự chuyển đổi mới. “Lợi thế lao động giá rẻ sẽ mất đi trong một vài thập kỷ tới”, theo báo cáo của PwC Việt Nam tại WEF ASEAN 2018.

Trong khi đó, mức độ sẵn sàng áp dụng công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam ở mức thấp. Theo bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc PwC Việt Nam, Việt Nam vẫn đang đi sau một số các quốc gia khác trong ASEAN về mức độ sẵn sàng cho công nghệ.

Dựa vào chỉ số cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới 2017-2018 và Bảng xếp hạng mức độ sẵn sàng về công nghệ của Economist Intelligence Unit năm 2018, Việt Nam đứng lần lượt thứ 4 và thứ 5 trong khu vực và xếp hạng 79 và 65 trên toàn cầu.

Với sự hạn chế như vậy, Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong quá trình đổi mới và tăng năng lực cạnh tranh nội khối. Các vấn đề khác như thiếu nguồn lao động có trình độ và nguồn lực tài chính đã ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng ứng dụng công nghệ của các doanh nghiệp trong nước.

Do đó, giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân tài và nâng cao kỹ năng cho người lao động là việc cần làm để có một lực lượng lao động phù hợp với cuộc CMCN lần thứ 4. Vì, cơ sở hạ tầng công nghệ thì có thể mua được, nhưng tư duy và kỹ năng công nghệ sẽ khó thay đổi một sớm một chiều.

Theo ông Indranil Roy, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các startup, đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc cách mạng này. Các doanh nghiệp nhỏ sẵn sàng áp dụng công nghệ mới, họ ra quyết định nhanh hơn, tư duy cởi mở hơn so với các tập đoàn đã hoạt động hàng trăm năm và có hàng ngàn nhân sự.

Do đó, ở một khía cạnh nào đó, đào tạo lao động không có nghĩa là “đổ” thật nhiều tiền vào dạy các lĩnh vực công nghệ mới nhất như kỹ sư công nghệ, blockchain, mà việc cần làm chính là vun đắp tinh thần doanh nghiệp, những người có mong muốn giải quyết vấn đề thông qua việc sử dụng công nghệ. Ngoài ra, cần phải xây dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp để những người có tinh thần doanh nhân có thể tiếp cận được dễ dàng về vốn, công nghệ sẵn có... “Phải tìm ra những người có tinh thần doanh nghiệp, mong muốn giải quyết vấn đề và hỗ trợ họ cơ hội được thành lập doanh nghiệp và hoạt động thành công”, ông Indranil Roy nói.

Thùy Dung

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/278837/cong-nghiep-40-va-mieng-ghep-trong-tro-choi-xep-hinh.html