Công nghiệp 4.0: Nên hiểu thế nào và bắt đầu từ đâu?

Trong bối cảnh đó, rõ ràng việc hiểu khái niệm 4.0 ở Việt Nam hiện đang rất mơ hồ, và do vậy, để xác lập đường hướng phát triển vươn tới trình độ 4.0 cũng mơ hồ không kém. Một khi việc hiểu một sự việc không tường tận đến tận bản chất, chuyện lập kế hoạch, sách lược để thực thi chắc chắn sẽ khó tránh khỏi những sai lầm đáng tiếc.

Tuần trước, khi quyết định bổ nhiệm quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, có một số trang thông tin đưa lại bài phát biểu của tân quyền Bộ trưởng về Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Nhiều người lầm tưởng rằng đây là phát biểu đầu tiên của ông Nguyễn Mạnh Hùng ở cương vị mới. Song thực chất, đó là một bài phát biểu từ tháng 2-2018, khi ông Nguyễn Mạnh Hùng tham dự Hội nghị khoa học Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ cách mạng công nghiệp do Đại học Công nghiệp Hà Nội tổ chức.

Phải thừa nhận, đây là một bài phát biểu gây ấn tượng mạnh, với những suy nghĩ táo bạo, mang tính thời cuộc rất lớn.

Ngay sau khi bài phát biểu kia được chia sẻ lại một cách khá rầm rộ, bắt đầu xuất hiện những diễn đàn trên mạng xã hội thảo luận một cách nghiêm túc về Công nghiệp 4.0. Đặc biệt trong số đó là diễn đàn được khơi gợi bởi một giáo sư Toán, Vật lý từng công tác giảng dạy ở Học viện Kỹ thuật quân sự. Chính vị giáo sư này, với sự cầu thị và khiêm cung, đã khơi gợi một vấn đề mang tính cốt lõi, ngõ hầu mong nhận được trao đổi từ đồng nghiệp, học trò, những nhà nghiên cứu để làm rõ thêm bản chất của vấn đề. Câu hỏi ông đặt ra rất đơn giản: "Tôi chưa rõ định nghĩa Cách mạng Công nghiệp 4.0 là gì. Bạn nào hiểu xin bình luận vào sau chia sẻ này. Mong các bạn bình luận có tính xây dựng".

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa: (Nguồn Internet).

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa: (Nguồn Internet).

Khá ngạc nhiên là trong số những ý kiến tham góp vào diễn đàn mở của giáo sư kể trên, khá nhiều người bình luận đã thừa nhận rằng thực sự họ cũng chưa hiểu thế nào là 4.0. Họ không phải những người ngoại đạo, hoặc những người không có nền tảng kiến thức tốt. Họ cũng tham gia bình luận để mong hiểu biết thêm, nhất là ở một khái niệm quá mới như là 4.0, khái niệm thực chất mới chỉ được đưa ra lần đầu tiên vào năm 2011 tại Hội chợ Hannover ở Đức.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều người trẻ, có trình độ, năng động, chịu khó tìm tòi, chịu khó đọc, đã nhận xét ngắn gọn rằng Công nghiệp 4.0 khác với Cách mạng Công nghiệp lần thứ 3 (tạm gọi 3.0), ở chỗ nó có sự tham gia của "nhà máy thông minh" (smart factory); "trí tuệ nhân tạo" (AI); "dữ liệu gói lớn" (Big data); "Internet vạn vật" (IoT); "điện toán đám mây" (Cloud computing); "máy có khả năng tự học" (machine learning)… Những thứ họ liệt kê ra khá chi tiết, và không hề sai. Nhưng nếu để nói nó là chính xác thì không hẳn.

Phải thừa nhận với nhau rằng, muốn đạt trình độ Công nghiệp 4.0, nhất thiết phải có sự tham gia của những yếu tố công nghệ thời thượng kể trên. Song nếu chỉ có sự tồn tại của các yếu tố công nghệ thời thượng kể trên trong ứng dụng mà thôi thì vẫn chưa đủ để cấu thành một nền công nghiệp đạt trình độ 4.0. Ngắn gọn, các yếu tố công nghệ đó chỉ mang tính chất hiện tượng của 4.0 không hơn không kém. Còn bản chất lại đòi hỏi đạt một mức độ tiến bộ hoàn toàn khác.

Để hiểu thật rõ về Công nghiệp 4.0, chúng ta cần quay lại với mô tả về khái niệm và bản chất của Klaus Schwab, sáng lập viên và cũng là Chủ tịch của Diễn đàn Kinh tế thế giới (World Economic Forum).

Theo ông Schwab, để được coi là đạt trình độ Công nghiệp 4.0 cần phải hội tụ được 3 yếu tố: tốc độ cập nhật và phát triển năng lực công nghệ; sự kết hợp giữa công nghệ kỹ thuật số và đa dạng công nghệ tạo nên thay đổi cả chiều rộng lẫn chiều sâu ở các khía cạnh kinh tế, xã hội, cá nhân con người; và tính ảnh hưởng đến toàn hệ thống, bao gồm cả hệ thống quốc gia, hệ thống nền kinh tế, hệ thống xã hội. Nói một cách chân phương, muốn được coi là đạt trình độ Công nghiệp 4.0, không chỉ cứ đón đầu áp dụng các yếu tố như "trí tuệ nhân tạo", "nhà máy thông minh", "internet vạn vật", "dữ liệu lớn"… là đủ.

Hơn hết, những yếu tố được ứng dụng kia phải tạo ra sự thay đổi về cả "bản chất" lẫn "bộ mặt" của hệ thống các ngành công nghiệp cũng như xã hội. Với sự lột xác toàn diện so với Công nghiệp 3.0 như thế, một quốc gia mới có quyền tự tin rằng mình đã đạt trình độ 4.0.

Trong bối cảnh đó, rõ ràng việc hiểu khái niệm 4.0 ở Việt Nam hiện đang rất mơ hồ, và do vậy, để xác lập đường hướng phát triển vươn tới trình độ 4.0 cũng mơ hồ không kém. Một khi việc hiểu một sự việc không tường tận đến tận bản chất, chuyện lập kế hoạch, sách lược để thực thi chắc chắn sẽ khó tránh khỏi những sai lầm đáng tiếc.

Thực tế, ở trình độ của các ngành công nghiệp Việt Nam hôm nay, thực hiện cải tiến để vươn tới 4.0 có khả thi hay không? Có thể nói, với đòi hỏi cơ bản của cuộc cách mạng công nghệ thứ 3 là tự động hóa với sự tham gia của máy tính, máy tính cá nhân, số hóa và Internet (từ 1990), khá nhiều nhà máy ở Việt Nam đã được coi là thành thạo ở nền tảng 3.0 rồi.

Về kỹ nghệ, nếu sử dụng đúng con người, ứng dụng đúng các yếu tố công nghệ 4.0 để thay đổi hoàn toàn cách vận hành của cả một hệ thống (không chỉ việc sản xuất mà còn ở cả chuỗi giá trị), việc tiến lên 4.0 là hoàn toàn có cơ hội. Nhưng đó là cơ hội được nói trên lý thuyết mà thôi. Thay đổi công nghệ của một chuỗi nhà máy để trở nên hiện đại nhất thế giới là chuyện không quá khó.

Thay đổi cả một chuỗi giá trị, với sự tham gia của các công nghệ thời thượng và những con người thời thượng mới là chuyện cực khó. Bởi thế, trong nghiên cứu của mình, Klaus Schwab đã chỉ ra rất rõ rằng muốn được coi là ở trình độ 4.0, dứt khoát phải hội tụ 3 thành tựu: tăng cường nhận thức và nắm bắt sự tân tiến và đa dạng của cách mạng công nghệ; xây dựng được khung hoạt động, tư duy về cách mạng công nghệ để có thể giúp chỉ ra rõ những vấn đề cốt lõi và bản chất; và cung cấp được một nền tảng khuyến khích sự hợp tác giữa cộng đồng với cá nhân về các vấn đề công nghệ.

Rõ ràng, với các thành tựu dạng đó, việc cải tiến các ngành sản xuất hàng hóa ở Việt Nam hiện nay để bắt kịp Công nghiệp 4.0 đòi hỏi một quá trình lâu dài với những nghiên cứu và đầu tư nghiêm túc, đặc biệt là đầu tư về con người.

Vậy thì đâu là cơ hội của Việt Nam ở sân chơi 4.0 hôm nay? Thực tế, cơ hội lại đang tiềm tàng ở những ngành công nghiệp không khói khác, mà cụ thể có thể là công nghiệp du lịch, công nghiệp văn hóa và ngành nông sản chất lượng cao.

Chính trong diễn đàn mà vị giáo sư Toán, Vật lý nói trên đưa ra, đã có những ý kiến rất sâu sắc nhận định rằng nếu Việt Nam định hướng du lịch là ngành mũi nhọn, với chủ trương đẩy mạnh du lịch sinh thái, du lịch giá cao chỉ phục vụ những khách hàng cao cấp, du lịch "sạch" với xu hướng gần gũi tối đa với tự nhiên, chúng ta có thể thu lợi nhiều hơn gấp nhiều lần so với cách làm du lịch phổ thông, đại trà hiện nay.

Và việc quản trị cũng như cung cấp dịch vụ cho ngành công nghiệp du lịch ấy nếu được dựa trên tất cả các công nghệ hiện đại nhất của Công nghiệp 4.0, chúng ta có thể tạo ra sự thay đổi về bản chất đối với ngành công nghiệp du lịch. Ví dụ, nếu chúng ta khai thác và phân tích tốt cơ sở dữ liệu lớn, chúng ta dễ xác lập đối tượng khách hàng mục tiêu của ngành Du lịch giá cao gắn chặt với sinh thái mà mình hướng tới.

Ngoài ra, việc trang bị tân tiến đến từng mắt xích trong chuỗi giá trị để tạo ra giá trị khác biệt, dịch vụ khác biệt, con người khác biệt cũng sẽ khiến bản chất của ngành du lịch Việt Nam thay đổi hoàn toàn. Với thay đổi bản chất như thế, có thể nói du lịch Việt Nam đã đạt ở tầm vóc trình độ 4.0 rồi.

Tương tự có thể là nông sản giá cao, với loại nông sản tự nhiên hoàn toàn, không có bất kỳ sự can thiệp nào của hóa chất, thuốc kích thích tăng trưởng... Đó là cách mà số ít quốc gia trên thế giới đang theo đuổi, bằng hình thức dùng công nghệ để theo dõi sự phát triển của nông sản tự nhiên thay vì để can thiệp vào sự phát triển ấy. Sự dồi dào nguồn giống cây trồng nhiệt đới của Việt Nam là một lợi thế và nếu kiên trì đi theo phương pháp này, có thể sẽ đến lúc nông sản Việt thu được rất nhiều lợi ích từ quý hồ tinh chứ không phải quý hồ đa.

Thêm vào đó, chiến lược ấy cũng có khả năng giúp xây dựng một hệ thống thương hiệu nông sản Việt như một loại nông sản xa xỉ hàng đầu trên thị trường thế giới. Đó cũng là thay đổi bản chất, và đó cũng chính là 4.0.

Sẽ còn cả những lĩnh vực khác nữa đề dành cho những nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách tham gia vào một cách thực sự nghiêm túc. Nói cho cùng, Công nghiệp 4.0 dù sao đi nữa cũng cần những con người hiểu biết, trình độ và dám hành động. Còn nhược bằng không, nếu chỉ 4.0 bằng lời nói, chúng ta cũng sẽ chỉ đạt được những hiệu quả bằng lời nói mà thôi.
Hà Quang Minh

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/ly-luan/cong-nghiep-4-0-nen-hieu-the-nao-va-bat-dau-tu-dau-505373/