Công nghiệp 4.0 góc nhìn đa chiều của các chuyên gia

Kể từ khi được Chính phủ Đức đề cập lần đầu tiên từ năm 2013, cho đến nay, Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang dần dần lan tỏa sức ảnh hưởng sâu rộng trong mọi lĩnh vực đời sống.

Cuối tháng 5/2017, Alpha Go – hệ thống AI do Google phát triển đã đánh bại kỳ thủ cờ vây số một thế giới Ke Jie nhờ sử dụng máy học và mạng nơ-ron để phân tích, chọn lọc những động thái có thể đưa đến chiến thắng. Một “ông lớn” khác là Microsoft cũng đã công bố nhiều phần mềm AI có thể nhận diện tâm trạng của nhân vật xuất hiện trong video hay dịch ngôn ngữ bài thuyết trình theo thời gian thực, đánh dấu những bước phát triển mới của AI trong Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Về giáo dục, Deep Learning đã được ứng dụng thành công trong thực tiễn, mang lại hiệu quả vượt trội so với các phương pháp học máy truyền thống, tiêu biểu như: nhận dạng đối tượng trong ảnh (Facebook), nhận dạng giọng nói và hiểu ngôn ngữ tự nhiên (Google Dosc, IBM Watson), chơi games (Alphago), ô tô tự lại (Tesla, Google)…

GS.TS Klaus Schwab, người sáng lập và điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế (nguồn ảnh: http://www.businessinsider.com)

GS.TS Klaus Schwab, người sáng lập và điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế (nguồn ảnh: http://www.businessinsider.com)

GS.TS Klaus Schwab, người sáng lập và điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho rằng "Cách mạng công nghiệp đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc cách mạng lần 2 diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Cuộc cách mạng lần 3 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Bây giờ, cuộc Cách mạng Công nghiệp Thứ tư đang nảy nở từ cuộc cách mạng lần ba, nó kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học".

Trong cuốn sách của mình mang tên “Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư” Giáo sư Klaus Schwab, người sáng lập và Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã mô tả cuộc cách mạng lần thứ tư này khác biệt cơ bản với ba lần trước, đặc trưng chủ yếu là những tiến bộ trong công nghệ. Các công nghệ này có tiềm năng tiếp tục kết nối hàng tỷ người trên web, cải thiện đáng kể hiệu quả kinh doanh và tổ chức, giúp tái tạo môi trường tự nhiên bằng cách quản lý tài sản tốt hơn.

Nicholas Davis trưởng bộ phận Xã hội và Đổi mới của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (Nguồn http://paulwallbank.com)

Nicholas Davis, trưởng bộ phận Xã hội và Đổi mới của Diễn đàn Kinh tế Thế giới nhận định: Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 là “làn sóng lớn tiếp theo" (the next big wave) của những hoạt động kinh tế và đổi mới. Nhờ sự gia tăng đáng kể các kết nối di động toàn cầu và việc tích hợp các cảm biến, robot và phân tích dữ liệu mạnh mẽ trong cả hai lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, chúng ta đang chứng kiến sự đột biến (emergence) của các công nghệ có khả năng thúc đẩy một chu kỳ kinh tế toàn cầu mới.

Một trong những điểm nổi bật của thị trường hóa toàn cầu hóa, thị trường phi vật chất là khuynh hướng tưởng thưởng cho các "ngôi sao" - sản phẩm, cá nhân hoặc doanh nghiệp - nhờ may mắn hoặc tài năng đặc biệt thu hút sự chú ý sớm và rộng rãi của công chúng. Đồng thời, sự tồn tại của các nền tảng toàn cầu cho phép phân phối lợi ích như vậy bằng cách hạ thấp chi phí giao dịch và mang lại lợi nhuận khổng lồ cho những người sở hữu nền tảng và cơ sở hạ tầng liên quan, tạo ra mối quan tâm mới về sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng giữa các quốc gia.

Nicholas Davis cho rằng: Chiến lược đầu tư xây dựng và phát triển các kỹ năng liên quan đến khoa học, công nghệ và thiết kế để trang bị cho con người khả năng làm việc cùng với những máy móc thông minh hơn, do đó được tăng cường hiệu quả hơn là bị thay thế bằng công nghệ. Chiến lược thứ hai là tập trung nhiều hơn vào những phẩm chất làm cho chúng ta trở nên con người hơn so với máy móc, vô cảm ở thời điểm hiện nay, tương lai chưa rõ - đặc điểm của người như sự đồng cảm, cảm hứng, cảm giác thuộc về, sự sáng tạo và sự nhạy cảm.

Tiến sĩ Horst Sommer - Giám đốc Chương trình Đổi mới Đào tạo nghề Việt Nam

Tiến sĩ Horst Sommer chia sẻ trong báo cáo về "Ảnh hưởng của Thời đại Số hóa và Cách mạng Công nghiệp 4.0 đối với Việc làm, Giáo dục Nghề nghiệp và Bảo trợ Xã hội: Cơ hội hay Nguy cơ". Horst Sommer nhấn mạnh sự cần thiết của tính linh hoạt trong việc xây dựng, thực hiện và đánh giá hoạt động giáo dục nghề nghiệp và tính cấp thiết của việc hợp tác chặt chẽ với khối doanh nghiệp vì các doanh nghiệp là những người đi đầu chuẩn bị cho Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Ông Trương Gia Bình Chủ tịch HĐQT FPT

Ông Trương Gia Bình nhận định cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là cơ hội của những nước đi sau như Việt Nam. Cuộc cách mạng số sẽ khiến các doanh nghiệp trở thành những doanh nghiệp theo thời gian thực (real - time enterprise), tức là chuyển đổi số (digital transformation) cho phép các doanh nghiệp tự động hóa các quy trình xuyên suốt trong toàn bộ hệ thống và có thể đưa ra phản ứng cần thiết ngay tức thì kể cả trong việc quản trị, đáp ứng nhu cầu khách hàng lẫn đưa ra các mô hình kinh doanh mới.

Với Việt Nam, ông cho rằng đấy là cơ hội lớn. Bởi lẽ, nhiều doanh nghiệp của Việt Nam đã sẵn sàng và đang thích ứng nhanh chóng với nền kinh tế số và những thay đổi nhanh chóng mà làn sóng này mang đến.

“Cuộc cách mạng này có thể đổi thay toàn bộ: có những doanh nghiệp sẽ biến mất và có những doanh nghiệp với mô hình kinh doanh mới sẽ xuất hiện. Áp lực việc làm sẽ ngày càng lớn: tỷ lệ thất nghiệp có thể sẽ gia tăng khi máy móc dần thay thế con người trong một số lĩnh vực”, ông Trương Gia Bình cho biết.

Ông nhấn mạnh rằng ở thời điểm đó, việc số hóa sẽ diễn ra ở bất cứ ngóc ngách nào: mọi tổ chức, doanh nghiệp sẽ trở thành tổ chức số, doanh nghiệp số; mọi lãnh đạo trở thành lãnh đạo số, ngân sách trở thành ngân sách số, mỗi công dân đều có thể trở thành một doanh nghiệp số.

Do đó, ông lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam cần thận trọng, tỉnh táo trước những thay đổi của cuộc cách mạng công nhiệp lần thứ 4. Cụ thể, doanh nghiệp Việt Nam cần liên tục cập nhật các xu hướng công nghệ mới, hoặc bắt tay với các công ty công nghệ lớn để không bị lạc hậu.

Mặt khác, đi kèm với cơ hội, ông Trương Gia Bình cũng cảnh báo về một nguy cơ thất nghiệp lớn, trên diện rộng khi mà người lao động có nguy cơ cao bị thay thế bởi máy móc và trí tuệ nhân tạo. “Lãnh đạo doanh nghiệp cần tăng cường đào tạo, cung cấp cho nhân viên các kỹ năng cần thiết để ứng phó với làn sóng thay đổi đang tới”.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, FPT Software – Người Việt đầu tiên nhận MVP trên nền tảng Azure về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này (MVP là giải thưởng của Microsoft dành cho các chuyên gia công nghệ có đóng góp giá trị cho cộng đồng cũng như các đối tác và khách hàng của hãng).

Mục tiêu chính của các cuộc cách mạng công nghiệp từ trước đến nay đều là tăng năng suất thông qua việc giảm chi phí sản xuất và tăng chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Cụ thể, các doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí sản xuất bằng các cách giảm thời gian tạo ra một sản phẩm; Giảm số lượng nhân lực trong quy trình tạo ra một sản phẩm; Giảm chi phí nguyên vật liệu, chi phí đầu tư để tạo ra một sản phẩm.

Song song với đó, doanh nghiệp cần tăng chất lượng của sản phẩm, dịch vụ của mình, thông qua chất lượng sản phẩm khi đến tay người dùng; Service durability: tính liên tục của dịch vụ; Safety: mức độ an toàn khi sử dung sản phẩm, dịch vụ; Luxury: sự đẳng cấp và thoải mái khi sử dụng sản phẩm và dịch vụ.

Ông cho rằng: Các lĩnh vực chủ chốt trong cuộc cách mạng lần thứ 4 này là: tài nguyên, kỹ thuật số, vật lý và công nghệ sinh học.

Về tài nguyên, nhìn lại 3 cuộc cách mạng, tài nguyên luôn là yếu tố quyết định thành công của quá trình đổi mới. Việc tìm ra các nguồn tài nguyên mới hay sử dụng hiệu quả hơn nguồn tài nguyên đang có chính là một nhiệm vụ quan trọng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Năm 2016, nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Phân tích và Dự báo, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam xây dựng dưới sự chỉ đạo trực tiếp của GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Nhóm nghiên cứu bao gồm TS.Nguyễn Thắng (Trưởng nhóm), TS. La Hải Anh, Ths. Nguyễn Thu Hương, Ths. Phạm Minh Thái, Ths. Nguyễn Thị Kim Thái và Nguyễn Thị Vân Hà đã xây dựng Báo cáo tổng hợp cuộc các mạng công nghiệp 4.0.

Nhóm nghiên cứu nhận định rằng cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đang vẽ lại bản đồ kinh tế trên thế giới, với sự suy giảm quyền lực của các quốc gia dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên và sự gia tăng sức mạnh của các quốc gia dựa chủ yếu vào công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nó có những tác động to lớn về kinh tế, xã hội và môi trường ở tất cả các cấp - toàn cầu, khu vực và trong từng quốc gia. Các tác động này mang tính rất tích cực trong dài hạn, song cũng tạo ra nhiều thách thức điều chỉnh trong ngắn đến trung hạn.

Về mặt kinh tế, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có tác động đến tiêu dùng, sản xuất và giá cả. Từ góc độ tiêu dùng và giá cả, mọi người dân đều được hưởng lợi nhờ tiếp cận được với nhiều sản phẩm và dịch vụ mới có chất lượng với chi phí thấp hơn.

Nhìn từ góc độ sản xuất, trong dài hạn, cuộc cách mạng công nghiệp lần này sẽ tác động hết sức tích cực. Kinh tế thế giới đang bước vào giai đoạn tăng trưởng chủ yếu dựa vào động lực không có trần giới hạn là công nghệ và đổi mới sáng tạo, thay cho tăng trưởng chủ yếu dựa vào các yếu tố đầu vào luôn có trần giới hạn.

Tuy nhiên, nhóm cũng đưa ra những khuyến cáo cuộc cách mạng này đang tạo ra những thách thức liên quan đến những chi phí điều chỉnh trong ngắn đến trung hạn do tác động không đồng đều đến các ngành khác nhau: có những ngành sẽ tăng trưởng mạnh mẽ và có những ngành sẽ phải thu hẹp đáng kể. Trong từng ngành, kể cả các ngành tăng trưởng, tác động cũng có sự khác biệt giữa các doanh nghiệp, với sự xuất hiện và tăng trưởng nhanh của nhiều doanh nghiệp tạo ra những công nghệ mới và sự thu hẹp, kể cả đào thải của các doanh nghiệp lạc nhịp về công nghệ.

Đức Long- Công Thược

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/cong-nghiep-40-goc-nhin-da-chieu-cua-cac-chuyen-gia-d78248.html