Công nghệ vũ trụ: Không còn quá xa

Vệ tinh MicroDragon của Việt Nam đã gửi những tín hiệu đầu tiên về trái đất Phóng thành công vệ tinh MicroDragon của Việt Nam

(HNM) - Không còn quá xa vời, công nghệ vũ trụ ngày nay đã từng bước tham gia phục vụ phát triển nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội của nước ta. Tuy nhiên, để có thể phát huy được thế mạnh, công nghệ vũ trụ cần được nhìn nhận vai trò một cách xứng đáng hơn.

Các nhà khoa học trẻ của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam tham gia nghiên cứu, chế tạo vệ tinh MicroDragon.

Nhiều ứng dụng thiết thực

Chia sẻ về ứng dụng của công nghệ vũ trụ trong phòng, chống thiên tai, bà Phạm Thị Thanh Ngà, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cho biết: Trong công tác dự báo bão hiện nay, có một chỉ số hết sức quan trọng là xác định được chính xác lượng mưa đi cùng cơn bão. Nếu như các nước tiên tiến có hệ thống ra đa thời tiết dày đặc để dự báo lượng mưa thì ở Việt Nam, nhiệm vụ này được thực hiện nhờ sử dụng dữ liệu mưa từ hệ thống vệ tinh TRMM/GP (đo mưa nhiệt đới). Nhờ đó, các cơn bão ảnh hưởng đến Việt Nam sẽ được quan sát theo 3 chiều từ ngoài biển, để thấy rõ cấu trúc của trường mưa, sự biến đổi của mưa trong quá trình di chuyển.

Ngành Nông nghiệp là lĩnh vực được ứng dụng công nghệ vũ trụ phổ biến nhất. Nhiều hoạt động như trồng trọt, đánh bắt thủy, hải sản… đều cần đến các dữ liệu và thông tin từ vệ tinh viễn thám. Theo bà Nguyễn Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ nhiều năm nay, Bộ đã áp dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS), hệ thống định vị toàn cầu (GPS) vào các hoạt động dự báo mùa màng, dự báo sản lượng các cây trồng quan trọng như lúa, cà phê... Tại tỉnh An Giang, các nhà nghiên cứu đã bước đầu dự báo được năng suất lúa trên ruộng, thông qua việc nhận biết quá trình sinh trưởng của lúa với độ chính xác đạt tới 95-97% ở các xã thuần trồng lúa và tới 92-94% ở các xã có lúa lẫn màu.

Sau khi phóng thành công "sản phẩm đầu tay" - vệ tinh có tên gọi PicoDragon vào năm 2013, đầu năm 2019, vệ tinh MicroDragon do các nhà khoa học Việt Nam thực hiện đã được phóng lên vũ trụ. Ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cho biết: Hình ảnh chụp được từ vệ tinh cho phép phát hiện nhanh các tàu thuyền lạ xuất hiện gần vùng biển của Việt Nam. Nếu như trước kia Việt Nam thường phải mua hoặc xin ảnh của nước ngoài thì nay chỉ trong vòng từ 6 đến 12 tiếng, hình ảnh có thể được gửi về từ vệ tinh theo yêu cầu. Việc có vệ tinh quan sát trái đất của riêng mình cũng là điều kiện để Việt Nam tăng cường bảo mật thông tin.

Còn theo ông Trần Việt Hòa, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, đối với các công trình thủy điện, việc ứng dụng công nghệ xử lý dữ liệu ảnh vệ tinh đã góp phần vào việc cung cấp số liệu khí tượng, thủy văn phục vụ điều hành đập, hồ chứa trong hoàn cảnh rất thiếu dữ liệu từ các hồ chứa thượng nguồn. Chẳng hạn, để bảo đảm an toàn trên bậc thang thủy điện sông Đà, dữ liệu ảnh vệ tinh đã góp phần quan trọng phục vụ hoạt động điều hành hệ thống liên hồ chứa: Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang, Lai Châu... giảm thiểu những khó khăn trong mùa lũ.

Tăng tính thuyết phục

Mặc dù đã có nhiều đóng góp trong phát triển các ngành kinh tế, xã hội, song tầm quan trọng của công nghệ vũ trụ ở Việt Nam vẫn còn chưa được nhìn nhận một cách xứng đáng. Bởi lẽ, các chương trình ứng dụng còn rời rạc, thiếu trọng tâm. Theo ông Trần Việt Hòa, cần có phân tích, đánh giá cụ thể, nhất là phân tích số liệu phản ánh hiệu quả kinh tế khi ứng dụng, để có thể thuyết phục các bộ, ngành lựa chọn công nghệ vũ trụ và coi đó là yếu tố quan trọng trong các hoạt động quản lý hay sản xuất, kinh doanh.

Còn theo bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, mặc dù ngành Nông nghiệp được hưởng lợi từ công nghệ vũ trụ, song đến nay, ngành vẫn chưa có chương trình riêng để phát triển ứng dụng công nghệ này. Để triển khai được các đề tài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải đưa vào các chương trình có nội dung liên quan như phòng, chống thiên tai, các công tác chỉ đạo, điều hành sản xuất, chiến lược phát triển của Bộ.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết: Bộ sẽ mở rộng hợp tác với nhiều quốc gia có tiềm lực công nghệ vũ trụ như Nga, Mỹ, Pháp, Ấn Độ, Nhật Bản để tiếp cận được các công nghệ mới, xây dựng và đào tạo nguồn nhân lực; làm chủ được hệ thống cơ sở hạ tầng cơ bản, chủ động cung cấp hình ảnh vệ tinh cho các ngành, địa phương để phục vụ các chương trình phát triển kinh tế, xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai.

Về phía Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, ông Phạm Anh Tuấn cho biết: Đầu năm 2020, trung tâm tiếp tục phóng lên không gian vệ tinh thứ 3 với tên gọi NanoDragon. Nhiệm vụ của vệ tinh này là tiến hành nhận dạng tự động tàu thủy thông qua hệ thống nhận diện tự động AIS. Để làm được điều này, NanoDragon được tích hợp một bộ cảm biến giúp thu nhận tín hiệu của các phương tiện đang lưu thông trên biển, qua đó, người điều khiển biết được tình hình các phương tiện theo thời gian thực.

Ngoài ra, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam cũng đang phát triển một lớp vệ tinh khác, với tên LOTUSat. Lớp vệ tinh này sẽ gồm 2 vệ tinh là LOTUSat-1 và LOTUSat-2. Nếu như PicoDragon, MicroDragon và NanoDragon đều sử dụng camera quang học và có nhược điểm là không chụp được vào buổi tối cũng như trong điều kiện thời tiết có mây mù thì LOTUSat dùng công nghệ ra đa. Vệ tinh này có thể chụp được ảnh cả ban ngày, ban đêm và trong mọi điều kiện thời tiết. Ông Phạm Anh Tuấn khẳng định: "Vệ tinh LOTUSat-2 sẽ được lắp ráp, thiết kế hoàn toàn tại Việt Nam và phóng lên vào năm 2022, chính thức đánh dấu mốc Việt Nam làm chủ hoàn toàn công nghệ chế tạo vệ tinh".

Công nghệ vũ trụ là một ngành công nghệ cao, được tích hợp từ nhiều ngành khoa học công nghệ khác nhau nhằm chế tạo và ứng dụng các phương tiện như vệ tinh, tàu vũ trụ, tên lửa đẩy, trạm mặt đất... để khám phá, chinh phục và sử dụng khoảng không vũ trụ phục vụ lợi ích của con người.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/khoa-hoc/940846/cong-nghe-vu-tru-khong-con-qua-xa