Công nghệ vũ trụ: 'Đường đua mới' của các quốc gia Đông Nam Á

Ngày nay, các nước Đông Nam Á đang tích cực đầu tư vào ngành công nghiệp không gian, xem đó như một cách tạo động lực tăng trưởng mới.

Các quốc gia Đông Nam Á đang chạy đua trong lĩnh vực công nghệ không gian

Các quốc gia Đông Nam Á đang chạy đua trong lĩnh vực công nghệ không gian

Đường đua mới

Vừa qua, Philippines đã phát triển ba vệ tinh trên quỹ đạo thông qua sự hợp tác với các trường đại học Nhật Bản. Đồng thời, chính phủ quốc gia này cũng đưa công nghệ vệ tinh vào áp dụng cho một chương trình giảng dạy tại các trường đại học ở Philippines với mục tiêu xây dựng và ra mắt các vệ tinh nữa trong vòng vài năm tới.

Để theo đuổi sự phát triển công nghệ toàn cầu, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte gần đây đã ký luật thành lập một cơ quan vũ trụ, nhằm thích ứng với sự thay đổi về kinh tế và địa chính trị. Các quan chức của quốc gia này cũng tích cực tham dự các diễn đàn liên quan đến phát triển công nghệ không gian như Diễn đàn Cơ quan Vũ trụ khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Nagoya vừa qua.

Tương tự, Malaysia đang gia nhập cuộc chơi chạy đua công nghệ không gian một cách tích cực. Quốc gia này trước đây chỉ mua dữ liệu vệ tinh từ quốc gia khác thay vì theo đuổi chương trình không gian riêng. Nhưng điều đó sắp thay đổi.

Azlikamil Napiah, Tổng giám đốc Cơ quan Vũ trụ Malaysia cho biết, "Chúng tôi không thể dựa vào vệ tinh của người khác hoàn toàn. Chúng tôi cần tạo ra một hệ sinh thái tốt trong nước, đặc biệt là về công nghệ vũ trụ. Một ngày nào đó chúng tôi cũng sẽ cần phải có vệ tinh riêng, lĩnh vực vũ trụ của riêng mình".

Sự nhấn mạnh đổi mới trong sản xuất được đưa ra khi Thủ tướng Mahathir Mohamad cố gắng thúc đẩy việc làm và nền kinh tế, cũng như kiểm soát thâm hụt ngân sách với mục tiêu đưa Malaysia trở thành một trong những quốc gia hàng không vũ trụ vào năm 2030. Cùng với đó, chính phủ Malaysia cũng đang xây dựng quan hệ đối tác với khu vực tư nhân để giải quyết bài toán chi phí.

Có thể thấy, trước đây, châu Á mới chỉ có ba cường quốc trong lĩnh vực này là Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ. việc nhiều quốc gia tại Đông Nam Á đang đẩy mạnh đầu tư vào ngành công nghệ không gian cho thấy sức mạnh kinh tế ngày càng tăng và sự cạnh tranh địa chính trị ngày càng gia tăng trong khu vực với các mục đích đa dạng từ phát triển kinh tế và xã hội đến cải thiện viễn thông và an ninh quốc gia.

Trong tương lai gần, ngành công nghiệp vũ trụ đang góp phần vào phát triển sức mạnh của quốc gia. Đối mặt với sự cạnh tranh chiến lược sâu sắc giữa Trung Quốc và Mỹ, nhiều quốc gia châu Á đang tìm kiếm các nguồn thay thế cho việc cung cấp dịch vụ không gian.

Các ứng dụng khác nhau của công nghệ vũ trụ rất quan trọng đối với nhiều quốc gia Đông Nam Á , đặc biệt là trong các lĩnh vực quản lý thảm họa, nông nghiệp và du lịch. Bằng cách phát triển các vệ tinh quan sát, các quốc gia này cũng có khả năng giám sát tốt hơn các tranh chấp tại khu vực biên giới và xử lý các xung đột bằng cách cung cấp bản đồ chính xác cho quân đội.

Đặc biệt, với diễn biến thời tiết bất thường hiện nay, ứng dụng của công nghệ vũ trụ trong phòng, chống thiên tai có thể xác định được chính xác lượng mưa đi cùng cơn bão. Từ đó, các cơn bão sẽ được quan sát theo 3 chiều từ ngoài biển, để thấy rõ cấu trúc của trường mưa, sự biến đổi của mưa trong quá trình di chuyển, phục vụ kịp thời cho công tác phòng chống thiên tai.

Hiện nay, tiềm năng của ngành công nghiệp vũ trụ tại khu vực này đang vô cùng lớn khi đạt 360 tỷ đô la Mỹ trong năm 2018 và dự kiến sẽ tăng trưởng đạt mức 558 tỷ đô la Mỹ vào năm 2026. Do vậy, thị trường khổng lồ này sẽ trở thành "miếng bánh ngon" bởi các quốc gia có thể phát triển và thương mại hóa các công nghệ vũ trụ của họ.

Cẩn trọng với các cơ hội

Tuy nhiên, phần lớn chính phủ vẫn đang làm chủ trong lĩnh vực này, trong khi sự tham gia của khu vực tư nhân vào lĩnh vực này còn khá hạn chế do chi phí đắt đỏ. Chính vì vậy, về cơ bản, các quốc gia đều hướng tới việc hợp tác với một trong ba nước Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ, những nước có nguồn lực tài chính để lấy vốn, công nghệ và đào tạo, từ đó phát triển ngành công nghệ vũ trụ cho riêng mình.

Với tiềm lực kinh tế và sự phát triển khoa học vượt bậc, Trung Quốc đang chiếm ưu thế khi sở hữu số lượng lớn vệ tinh trong không gia nhưng hầu hết các quốc gia đều cho rằng, Ấn Độ và Nhật Bản là những lựa chọn an toàn.

Nhưng theo Rajeswari Pillai Rajagopalan, thành viên cao cấp và là người đứng đầu Sáng kiến chính sách hạt nhân và không gian tại Quỹ nghiên cứu quan sát viên, New Delhi nhận định, cho đến nay, cả hai quốc gia này vẫn chưa thể cạnh tranh thành công với chương trình thám hiểm robot của Trung Quốc.

Mặc dù vậy, giới chuyên gia đang gây lo ngại về các tác động an ninh của các chương trình vũ trụ được phát triển một cách thiếu kiểm soát. Đồng thời, việc phát triển công nghệ vũ trụ chưa được quan tâm đồng đều tại nhiều quốc gia châu Á như tại Việt Nam, công nghệ vũ trụ vẫn còn chưa được nhìn nhận một cách xứng đáng khi các chương trình ứng dụng còn rời rạc, thiếu trọng tâm.

Đồng thời, do tính chất kép của công nghệ vũ trụ, việc chuyển giao công nghệ đã bị hạn chế trong việc phát triển các vệ tinh. Ngoài ra, không có quốc gia Đông Nam Á nào là một phần của Hiệp ước về kiểm soát công nghệ tên lửa (MTCR). Do đó, việc hợp tác trong công nghệ vũ trụ để có thể phóng vệ tinh hoặc tên lửa có thể sẽ bị cấm.

Mặc dù vậy, không thể phủ nhận việc đầu tư vào lĩnh vực không gian đang mở ra hướng phát triển mới cho các quốc gia Đông Nam Á. Tuy nhiên, vẫn cần có sự lựa chọn khôn ngoan để đảm bảo phát triển công nghệ song song với đảm bảo an ninh quốc gia.

Cẩm Anh

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/cong-nghe-vu-tru-duong-dua-moi-cua-cac-quoc-gia-dong-nam-a-163898.html